Bà Nguyễn Phương Hằng có 4 đứa con với 3 người chồng, bao gồm cậu bé tỉ phú 1 tuổi với người chồng hiện tại, là ông chủ Đại Nam. Bà cho biết: “Tôi tin vào luật nhân quả. Đời tôi thì coi như xong, tôi đâu thể lo cho chúng cả đời được, có chăng là chút phúc đức của cha mẹ để lại cho con cái”.
Có lẽ chẳng có gì khó hiểu trong quyết định “chấn động” của ông chủ Đại Nam là cho cậu bé mới 1 tuổi làm chủ tịch HĐQT, cùng làm chủ khối tài sản lên tới hàng nghìn tỉ đồng, khi chứng kiến “mối thâm tình” khăng khít của ông với người vợ 2, bà Nguyễn Phương Hằng.
Ông Huỳnh Uy Dũng từng tâm sự: “Phải nói tôi vô cùng may mắn đã tìm thấy một tri kỷ, tri âm, một người rất thông minh và bản lĩnh, chính là vợ tôi hiện nay (Nguyễn Phương Hằng), đã sát cánh cùng tôi trong những lúc khốn cùng nhất của cuộc đời. Chính vợ tôi đã thức tỉnh tôi, khóc thay cho tôi và sắp xếp cùng tôi tìm một lối ra trong danh dự. Vợ tôi đã làm giúp tôi 3 điều mà tôi và mọi người đã từng biết về tôi phải công nhận: Điều thứ nhất, dẹp được chuyện mê tín của tôi. Điều thứ hai, khai trương Đại Nam. Nếu để đến năm 2012 thì chắc chắn Đại Nam sẽ chỉ là một đống sắt vụn trong bối cảnh tình hình kinh tế suy thoái như hiện nay. Điều thứ ba, xóa hết nợ nần, sống trong thanh thản và danh dự”.
Bà Nguyễn Phương Hằng là một người phụ nữ đẹp, mê hột xoàn, xe đẹp và đồ hiệu. Nhưng bà cũng từng khẳng định trên báo giới: “Tôi không phải là người phụ nữ thích xài tiền đàn ông. Những thứ tôi thích thì tôi phải ráng làm ra để hưởng thụ, không sống nhờ vào ai kể cả là chồng mình”.
Theo lời bà kể, thì bà là một nhà kinh doanh bất động sản, bắt đầu ra đời kiếm tiền từ năm 25 tuổi. Bà cũng là người gặp may mắn trên thương trường, chưa từng thất bại lần nào.
Trước khi về làm vợ ông Dũng, bà Hằng (tên cũ là Nguyễn Thị Thanh Tuyền, Việt kiều Canada) là vợ của ông Trần Văn Thìn. Hai người đã đăng ký kết hôn tháng 10/2006 và có một con gái chung. Tuy nhiên ngày 10/1/2008 TAND Q.Tân Bình có quyết định công nhận sự thuận tình ly hôn giữa ông Thìn và bà Tuyền, giao bà Tuyền được trực tiếp nuôi con chung, về tài sản chung hai bên tự thỏa thuận.
Năm 2010, bà Tuyền (lúc này đổi tên thành Nguyễn Phương Hằng) được ông Huỳnh Uy Dũng cưới về làm vợ. Từ đó, bà Tuyền bắt đầu tranh chấp tài sản với ông Thìn. Bà cũng chính là người đứng ra tố cáo chồng cũ vu khống, xúc phạm danh dự và nhân phẩm của bà và ông Huỳnh Uy Dũng.
Nói về mối nhân duyên với ông Huỳnh Uy Dũng, bà Hằng cho biết: “Tôi không dám đòi hỏi sự công bằng, bởi ai sinh ra và lớn lên cũng mưu cầu hạnh phúc, và sự thật ai chẳng có “những phút giây ngoài chồng, ngoài vợ”– như lời của một nhà thơ đã nói. Có những người họ dùng lý trí để chế ngự và bóp chết tình cảm ấy, nhưng có những người như tôi và anh Dũng dám sống thật một lần cho mình, thì cái giá phải trả là điều tất nhiên. Cái giá của tình yêu đích thực đắt lắm”.
Được biết ở thời điểm trước và sau khi ông Trần Uy Dũng bỏ người vợ đầu “nghĩa tào khang” để đến với bà Nguyễn Phương Hằng, bà Hằng đã trải qua những “khủng hoảng tinh thần” trầm trọng. Bà cho biết, những người thù ghét muốn giết bà, cho bà là người có tội và bà phải chết. Họ vu oan bà là Kim Anh, vợ bé Năm Cam và đăng báo “rải” khắp Bình Dương, để sỉ nhục với những câu chuyện được họ thiết kế rất bài bản công phu, tất cả những trò dơ bẩn nhất có thể, nhằm mục đích bà sẽ bỏ cuộc.
Bà thừa nhận: “Vì tôi mà anh đã bị người đời kết tội, hay tôi đã vì anh mà quên cả sinh mạng mình mong manh lơ lửng, họ nói anh là người bạc bẽo, mê tôi mà bỏ đi tất cả những người thân yêu. Họ hình dung tôi như một sát thủ hãm hại đời anh nhằm chiếm đoạt Đại Nam và bao vây kinh tế của anh, để cho tôi bỏ chạy, còn nếu anh sụp đổ thì tại vì tôi. Tôi đã quyết định cuộc chơi nghiệt ngã và thiết kế sẵn cho tôi và con cái một con đường xấu nhất, mà đến giờ phút này, mỗi khi tôi mở nhật ký ra xem, bao nhiêu nước mắt cứ tuôn trào”.
Vượt qua bao sóng gió, bà đã được ở cạnh người đàn ông giàu có bậc nhất Việt Nam, sinh cho ông cậu quý tử đẹp như thiên thần. Tuy nhiên, bà Hằng vẫn luôn khẳng định, bà ở bên cạnh ông không phải vì tiền: “Tôi hạnh phúc vì ông xã rất trân trọng và ngưỡng mộ tôi. Tiền tài, địa vị của anh không phải là thứ tôi kiếm tìm, thậm chí chúng còn mang lại cho tôi đau khổ, nghiệt ngã và cả hiểm nguy đến tính mạng. Tôi đã phải vượt lên sự sỉ nhục để sống, tôi và anh đã tìm thấy nhau trong nước mắt, trong tận cùng bằng sự đớn đau”.
Với bà, ông Huỳnh Uy Dũng là một một đấng trượng phu, một nửa của bà, một người tri kỷ mà bà khẳng định chỉ có cái chết mới chia lìa.