Những chiêu "ăn cắp" tiền thêm giờ của nhân viên
Công việc của Phượng (marketing của một hãng pizza nước ngoài) luôn ngập đầu ngập cổ trong giờ hành chính. Đến giờ làm là bắt tay ngay vào công việc săm soi xem nhà hàng đã đúng chuẩn theo quy định của công ty mẹ chưa, mọi công việc đã sẵn sàng chưa, nhân viên đã làm đúng phận sự chưa, khách hàng có phàn nàn gì không?
Tất cả những công việc ấy thực sự rất mất thời gian và vất vả, nhất là những khi cửa hàng đông khách. Phượng cùng các nhân viên khác phải cố gắng hết sức mình cho cửa hàng, vì nếu cửa hàng không đạt doanh số theo quy định của công ty mẹ thì tất cả khối nhân viên sẽ bị trừ lương. Chính vì thế cô cùng các đồng nghiệp phối hợp đồng bộ để đạt hiệu quả công việc. 8 tiếng kết thúc giờ làm thực sự đã khiến Phượng mệt lử không còn tý thời gian nào để viết báo cáo nữa.
Đa số nhân viên công sở phải làm thêm giờ, kiêm nhiệm nhiều công việc do các công ty cắt giảm chi phí, thuê ít nhân viên - (Ảnh minh họa)
Vậy nên, công việc viết báo cáo và lên kế hoạch cho tuần sau cô đành phải làm ở nhà. Việc viết báo cáo thật chi tiết cũng ngốn một khoảng thời gian không nhỏ của Phượng - đó chính là khoảng thời gian mà đáng lẽ cô được nghỉ ngơi sau một ngày làm việc vất vả.
Thu-một nhân viên ngân hàng chia sẻ về "cú lừa" ngoạn mục tại nơi cô làm việc "Khi ký hợp đồng, chị phụ trách nhân sự nói là do công việc của mình hay phải làm thêm giờ nên hàng tháng được trợ cấp thêm 500 ngàn đồng. Mình sung sướng ra mặt, đi khoe khắp nơi là ngân hàng mình nhân đạo, tốt với nhân viên. Nào ngờ, khi vào làm mới biết, 500 ngàn ấy chính là tiền thêm giờ mỗi tháng của bọn mình. Quy định là từ 9 giờ tối trở ra bọn mình mới được tính tiền thêm giờ, còn không thì coi như thuộc trách nhiệm vì ngân hàng đã hỗ trợ sẵn 500 ngàn. Mà công việc của nhân viên ngân hàng thì bạn biết rồi đấy, toàn 7, 8 giờ tối mới được về. Thường xuyên phải làm thêm 3, 4 tiếng mỗi ngày mà chẳng được xu nào. Bực mình hết sức".
Quỳnh-kế toán thì khốn khổ vì người sếp "hắc xì dầu" của mình. Công ty Quỳnh có quy định, ai làm thêm giờ thì phải báo cho trưởng phòng, rồi trưởng phòng thông báo với bên hành chính nhân sự thì mới được tính lương.
Công việc kế toán công nợ của Quỳnh bận rộn, rất nhiều hóa đơn, chứng từ, báo cáo cần phải đối chiếu và giải quyết. Bởi vậy cô thường xuyên phải làm thêm giờ. Nhưng chỉ thỉnh thoảng, Quỳnh mới dám đăng kí làm ngoài giờ với sếp.
Bởi trưởng phòng của cô luôn quan niệm rằng công việc chị giao cho nhân viên là vừa đủ, nhân viên nên nỗ lực làm việc chứ không phải trong giờ lười biếng, phải kéo dài thời gian làm việc rồi ăn không tiền thêm giờ của công ty
Tuy vậy, số tiền thêm giờ các công ty thanh toán thì ít ỏi tới mức khiến nhân viên bất bình - (Ảnh minh họa)
Bất bình nhưng không dám hết giờ là đứng dậy ra về ngay
5-6 giờ chiều là khoảng thời gian để kết thúc công việc trong một ngày. Tuy nhiên, đối với nhiều nhân viên công sở, thời gian tan sở của họ thường muộn hơn thế rất nhiều. Rất nhiều những công việc bất chợt níu họ lại ở cơ quan: họp đột xuất vì nhiều lý do, những công việc riêng với sếp hay đồng nghiệp, đi tiếp khách cho công ty... vô vàn những lý do khác khiến 8 tiếng của họ được cộng thêm giờ mà lương thì vẫn vậy.
Dân công sở phàn nàn khá nhiều, nhưng ít ai dám "vùng dậy", bởi: "Sếp giống như là vua vậy, phản kháng chỉ có hại cho công việc của mình chứ chẳng được ích lợi gì. Cẩn thận không bị trù dập thì toi đời", Phượng nói.
Dù rất bất bình nhưng vì "ghế ít, đít nhiều", đa số dân công sở ngậm bồ hòn làm ngọt - (Ảnh minh họa)
Quỳnh thì tâm sự: "Thời buổi 'ghế ít, người nhiều', mình mà ý kiến nhiều, bị đuổi việc là có người khác nhào vô ngay, người ta nắm đằng chuôi, người ta có quyền chèn ép mình mà".
Đối với cô nhân viên ngân hàng Thu, không ai ép cô phải ở lại làm, nếu thích cứ về thoải mái, nhưng thực sự, khối lượng công việc khổng lồ và liên quan đến các bộ phận khác trong ngân hàng khiến Thu không làm thêm giờ không được. Nếu không, việc này chồng chất lên việc kia, cô có ba đầu sáu tay cũng không làm xuể.