Con trai, con dâu quyết kiện cho mẹ già 81 tuổi ngồi tù

Ngày 27/5 vừa qua, TAND Thành phố Hà Nội đưa các bị cáo Nguyễn Thị Cải (SN 1932), Hoàng Thị Bạch (SN 1958), Hoàng Thị Tập (SN 1967), Hoàng Thị Thực (SN 1969), Hoàng Thị Hành (1971), Hoàng Thị Vân (SN 1973, đều trú tại Xuân Lai, Xuân Thu, Sóc Sơn, Hà Nội) ra xét xử phúc thẩm tội Hủy hoại tài sản.

Cụ Cải 81 tuổi, mắt kém, tai không còn nghe rõ, được các con dẫn vào phòng xử án. Hai "chiến tuyến" vô hình được lập nên, một bên là cụ cùng 5 người con và bên kia là vợ chồng anh Đích. Vì tranh chấp miếng đất chưa đầy 20m2, tình ruột thịt của họ đã sứt mẻ.

Tại phiên phúc thẩm, người con trai một mực đề nghị HĐXX tăng hình phạt tù cho mẹ mình và những người thân khác trong gia đình. Anh bất bình vì trước đó, ở phiên sơ thẩm, các bị cáo chỉ phải chịu mức án tù treo. Dù đã được thẩm phán khuyên giải, nhưng anh Đích nói rằng: “Tôi không còn mẹ con anh em gì nữa, đề nghị xử án tù các bị cáo.”

Ngược đời những vụ án con kiện cha mẹ 1
Cụ Cải hầu toà trong phiên phúc thẩm. Ảnh: Việt Dũng

Đưa ra nhiều lý do, cô con dâu cũng đề nghị tòa phạt tù giam mẹ chồng và 5 người phụ nữ đang đứng trước vành móng ngựa. Trước khi ra về, cô còn lớn tiếng tuyên bố: "Nếu phiên tòa này không xử nghiêm minh vụ trọng án này, tôi sẽ kháng nghị lên tòa cấp trên".

Trước đó, vào ngày 15/3, TAND huyện Sóc Sơn, Hà Nội đã đưa các bị cáo ra xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Cải 9 tháng tù treo; các bị cáo Bạch, Tập, Thực, Hành, Vân, mỗi bị cáo nhận 6 tháng tù treo. Tòa sơ thẩm buộc các bị cáo phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại hơn 8 triệu đồng.
Theo bản án, Cụ Cải cho hay, năm 2007, sau khi họp gia đình đã chia đất cho các con. Cuối năm 2011, cụ cần một phần đất nên đòi lại 20 m2 phía chuồng lợn và chuồng ngựa đã đồng ý cho anh Đích. Từ đó mâu thuẫn giữa cụ với vợ chồng anh này thường xuyên xảy ra.

Ngược đời những vụ án con kiện cha mẹ 2
Vợ chồng con trai của cụ Cải một mực đề nghị xử tù giam mẹ. Ảnh: Việt Dũng.

Cụ bảo đất là của cụ, cho con được thế nào thì hưởng vậy, khi cần, cụ chỉ việc lấy lại. Vì thế, sáng 23/12/2011, cụ qua nhà anh Đích để lấy đất như lẽ dĩ nhiên. To tiếng xảy ra giữa mẹ chồng nàng dâu. Cụ Cải bị ngã nên gọi các con qua.

5 người con (cả con dâu và con ruột) xông vào giật tóc, hỗn chiến với vợ anh Đích là chị Tường. Hai ngày sau, cụ Cải sang nhà anh Đích đòi dỡ mái chuồng lợn và chuồng ngựa. Sau khi tuyên bố “đất của tao, tao có quyền lấy lại”, cụ cầm gậy chọc mái ngói, 5 người con đi theo cụ cùng kéo đổ bức tường tạm bợ.

Con 60 tuổi kiện mẹ 90 tuổi đòi… bộ ghế salon giá 100.000 đồng

Người mẹ đã gần 90 tuổi, người con trai cũng bước qua lục tuần lại phải đưa nhau ra tòa chỉ để giành quyền sở hữu… bộ ghế salon.

Theo bà Trần Thị Thì, SN 1924, ngụ tại ấp Bình Hòa (xã Mỹ Khánh, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang), nhờ ba chồng cho 100 công đất (gần 13ha) còn hoang vu ở Mỹ Khánh, vợ chồng bà đã đến đây khai hoang lập nghiệp từ thời Pháp thuộc.

Ngược đời những vụ án con kiện cha mẹ 3
Vì bộ bàn ghế cũ không bao nhiêu tiền mà tình cảm mẹ con bị sứt mẻ

Bà Thì sinh được 12 người con (2 người đã mất). Trong đó, ông Thái Văn Quới (SN 1950) được coi là con cả trong gia đình bởi người con đầu lòng là nữ. Sau khi cưới bà Trần Thị Nhành, vợ chồng ông Quới được ưu tiên cho phần đất rộng rãi gần nhà cha mẹ ruột.

Bà Thì cho biết, năm 1974, ông Lê Văn Hoành ở Chợ Mới vì muốn kết thông gia với vợ chồng bà nên đã đồng ý bán rẻ bộ ghế salon bằng gỗ cẩm lai với giá 100.000 đồng coi như làm quà. Bộ ghế do ông Huỳnh Phước Nữa, em rể ông Hoành (hiện ngụ xã Hòa Bình, Chợ Mới), chở đến giao.

Do kẹt tiền nên bà Thì trả trước 50.000 đồng, sau một thời gian mới đưa hết số tiền còn lại. Sau khi chồng bà Thì mất, bà giữ bộ ghế trong nhà như một kỷ vật. Năm 2007, ông Thái Văn Quới gả con gái út nên sang mượn bà bộ ghế để tiếp đón thông gia nhưng sau đó ông Quới không chịu trả lại mà cho rằng bộ ghế do ông bán heo mua với giá 45.000 đồng vào năm 1974.

Ông Quới thậm chí còn dùng nhiều lời lẽ khó nghe mắng mẹ của mình, đòi “chặt đầu bà như… chặt chuối”. Từ đó, câu chuyện tranh chấp bộ ghế đã làm xôn xao dư luận tại xã Mỹ Khánh, trở thành để tài bàn tán sôi nổi ở chợ, quán cà phê, bến đò…

Ban ấp Bình Hòa nhiều lần tổ chức hòa giải không thành nên đã chuyển ra vụ việc ra Ban hòa giải xã Mỹ Khánh. Trong lúc hòa giải, Ban hòa giải đã nhiều lần nhắc đến “tình mẹ con” để 2 bên thỏa thuận mà thống nhất lại. Tuy nhiên, vợ chồng ông Thái Văn Quới vẫn không đồng ý trả lại bộ ghế mà yêu cầu chuyển hồ sơ lên TAND TP.Long Xuyên. Bà Thì vì muốn giữ lại kỷ vật của chồng nên cũng đã nộp đơn khởi kiện giành quyền sở hữu bộ ghế ra tòa và đã được thụ lý hồ sơ chờ xét xử.

Trong 10 người con còn sống của bà Thì, có 9 người xác nhận bộ ghế là do cha mẹ mình mua, chỉ có ông Quới là khăng khăng rằng do ông bỏ tiền ra mua về.

Bà Thái Thị Tiếm, người con gái đang sống chung với bà Thì, cho biết trong lúc vụ việc còn đang hòa giải, để hàng xóm khỏi cười chê, bà cùng các anh chị đã sang nhà ông Quới thỏa thuận mua lại bộ ghế với giá 1 triệu đồng mang về cho mẹ vui. Nhưng ông Quới tuyên bố thẳng thừng: “10 triệu tao cũng không bán nói gì 1 triệu”. Thậm chí, khi hòa giải ngoài tòa, TAND TP.Long Xuyên đã khuyên vợ chồng ông Quới nên trả lại bộ ghế cho mẹ mình bởi nếu đưa ra xét xử, khả năng bà Thì thắng kiện là rất lớn.

Tuy nhiên, nàng dâu Trần Thị Nhành lập luận rằng, bà đồng ý trả lại bộ ghế cho mẹ chồng nhưng yêu cầu tòa phải ghi là… bộ ghế do vợ chồng bà cho bà Thì chứ không phải trả lại. Trước sự cố chấp của đôi vợ chồng đã ngoài 60 tuổi, TAND TP.Long Xuyên cũng “bó tay”, buộc đưa sự việc ra xét xử.

Con kiện bố vì làm vỡ 18 quả trứng gà

Tháng 3/2012, một vụ án “dở khóc dở cười” được nhắc đến trên một loạt các trang báo. Câu chuyện xảy ra ở huyện Đất Đỏ (Bà Rịa -Vũng Tàu: Người con trai quyết đòi bố ruột bồi thường 18 quả trứng gà... mà bố đập vỡ.

Theo đơn khởi kiện, anh Q. (xã Long Tân, Đất Đỏ) cho biết trưa 27/5/2011, ông T. (bố anh) đi chơi về, không hiểu lý do gì đã tới ổ gà mái đang ấp của anh rồi nắm đầu con gà mái lôi lên đập xuống đất khiến con gà bị chết ngay tại chỗ. Đến chiều, đi nhậu xỉn về, bố anh lại tiếp tục ra tay... đập vỡ 14 quả trứng gà vẫn còn trong ổ. 

Ngược đời những vụ án con kiện cha mẹ 4
(Ảnh minh họa)

Anh Q. đã đi trình báo với công an xã nhưng chưa được giải quyết. Vụ việc tưởng như đã dừng lại thì 3 ngày sau,  bố anh lại tới ổ gà kế bên, đập vỡ thêm bốn quả trứng nữa. 
 
Đập xong, người bố lại thách thức và tóm ngay con gà trống đập xuống đất khiến con gà... gãy một chân. Theo suy đoán của anh Q. thì con gà trống này "mất luôn khả năng sinh sản" sau cú đập của bố.

Anh con trai làm đơn gửi ra xã, đòi bố bồi thường cho mình 700.000 đồng - tương ứng với con gà mái, con gà trống bị què và ổ trứng bị thiệt hại. Nhân chứng duy nhất của vụ việc là mẹ anh cũng khẳng định: Việc chồng bà đập trứng, làm gà mái chết, gãy chân gà trống như trên là đúng. Còn ông bố thì lý sự: Đúng là ông có đập trứng nhưng chỉ làm vỡ có bốn quả. Ông không đập chết hay làm... bị thương con gà nào nên ông sẽ không bồi thường. 

Vụ việc được đưa ra hòa giải nhiều lần tại ấp và xã nhưng đều không thành. Anh Q. không chấp nhận nên tiếp tục gửi đơn kiện lên TAND huyện... 

Con kiện mẹ đòi tiền “nuôi dưỡng” 

Vụ kiện xảy ra đã rất từ rất lâu, nhưng tới giờ, khi nhắc lại, những người biết về vụ việc vẫn không khỏi bức xúc. 

Nguyên đơn của vụ kiện này là ông Th. ngụ ở xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Còn bị đơn là mẹ đẻ của ông – cụ Tr., một mẹ liệt sỹ. Theo đơn kiện, ông Th. là con trai cả của hai cụ Tr. và Ng. Năm 1997, khi tuổi đã tuổi sao sức yêu, hai cụ có làm một tờ di chúc, bày tỏ nguyện vọng sẽ giao cho ông Th. quản lý toàn bộ tài sản của mình sau khi các cụ qua đời.

Năm 1998, khi cụ ông qua đời, giữa ông Th. và mẹ mình phát sinh mâu thuẫn nên cụ bà xin hủy bỏ bản di chúc đã lập, không cho ông Th. hưởng số tài sản như đã ghi. Việc làm của cụ Tr. tuy hoàn toàn đúng luật và cũng chưa làm cho ông Th. thiệt thòi gì nhưng ông Th. đã tỏ ra rất tức tối.

Năm 2005, chính quyền địa phương đã quyết định xây tặng cụ Tr. một ngôi nhà tình nghĩa nhưng ông Th. đã ngăn cản không cho xây dựng căn nhà trên phần đất có nguồn gốc của chính hai cụ mà ông đang ở. Ông Th. ngang ngược cho rằng khu đất đó là thuộc quyền sử dụng của ông, bất chấp việc tòa án đã phán quyết công nhận việc hủy bản di chúc trước đó của cụ Tr.

Trước diễn biến như vậy, chính quyền địa phương đã cấp cho cụ Tr. 100 m2 đất ở chỗ khác và xây tặng cụ ngôi nhà tình nghĩa trị giá 17 triệu đồng trên phần đất này.

Thay vì phải thấy vui mừng khi mẹ mình được chính quyền quan tâm cấp nhà tình nghĩa thì ông Th. lại chỉ thấy mình bị thiệt thòi và làm đơn kiện chính bà mẹ già của mình ra tòa, đòi cụ phải chi trả tiền công “nuôi dưỡng” mà ông đã nuôi dưỡng cụ trong thời gian 8 năm, từ ngày 7/7/1997 đến ngày 8/7/2005, là ngày mà cụ Tr. chuyển sang ở trong ngôi nhà tình nghĩa của mình.

Rất chi ly, ông Th. tính toán ra mỗi ngày đã chi mất 50 ngàn đồng để nuôi dưỡng mẹ. Chi vị 8 năm là 146 triệu đồng. Không chỉ vậy, ông Th. còn đòi mẹ mình phải thanh toán cho ông số tiền 8,5 triệu đồng (bằng một nửa giá trị ngôi nhà tình nghĩa), nếu muốn ở “yên ổn” trong ngôi nhà tình nghĩa với lý do đây là nhà căn nhà chung của cả bố ông, nên ông có quyền được hưởng một nửa.

Tòa dân sự TAND tỉnh Vĩnh Phúc xử phiên phúc thẩm bác toàn bộ các yêu cầu của ông Th.. Dù vậy, ông Th. vẫn chưa chịu thua, ông cho biết sẽ tiếp tục việc đòi lại "công bằng" cho mình ở cấp tòa cao hơn.