Lần giở bệnh án của bệnh nhân Phạm T. Q. (Yên Mỹ, Hưng Yên), bác sĩ Tô Thanh Phương, Trưởng Khoa 6, Bệnh viện Tâm thần Trung ương cho biết, bệnh nhân này đã sống cuộc đời bi đát: hơn 30 năm bị nhà chồng coi rẻ, bạo hành về tinh thần, bị chồng ly thân, có ba người con nhưng một người chết, một người hư hỏng, người còn lại bỏ xứ mà đi biệt tích. Bức xúc tích tụ nhiều năm, nghĩ ngợi nhiều quá, bệnh nhân phát bệnh và được đưa vào đây điều trị.
Đã bước vào tuổi xế chiều, trên gương mặt của bà Q. vẫn còn vương lại nét đẹp của một thời thanh xuân. Đã được điều trị, bà có thể chuyện trò, tiếp xúc được với người khác tương đối bình thường, có điều, "di chứng" còn lại là bà nói rất nhiều, rất nhanh, nói như thể trút hết nỗi đau trong mình ra ngoài.
Bà kể: "Đời tôi khổ lắm cô chú ơi, có thể mang ra mà viết thành tiểu thuyết được! Mang tiếng lấy chồng hơn 30 năm, nhưng tôi không nhờ chồng được một cái tăm. Cái tuổi tôi nó thế, 10 cô thì 9 cô rưỡi chồng chết, chồng bỏ. Tôi bước chân vào nhà chồng mà như bước vào địa ngục, từ bà chồng, mẹ chồng cho đến chị chồng, mấy thế hệ cùng hùa vào sai việc, chẳng khác nào con ở. Hùng hục cả ngày lẫn đêm, chăn trâu, làm ruộng, lấy bèo nuôi lợn, bóc lá mía… không ngơi tay, thỉnh thoảng còn bị đánh, tôi cũng chẳng dám hé răng nói một lời".
Bà Q. đã có những năm tháng cay cực.
"Chúng tôi nói chuyện với nhau cũng bị kiểm soát. Vợ chồng ngủ cùng nhau cũng sợ bị phát hiện, cứ bí mật như đánh du kích ấy" – bà Q. cay đắng kể lại. Chép miệng, bà phân bua: "Ông ấy không nói nặng lời, không động đến một móng tay của vợ, cưng nựng yêu thương, nhưng mỗi tội quá hiền, ù ù cạc cạc, lúc nào cũng bị sức ép từ gia đình, không dám hé răng bênh vợ một lời. Quan hệ tình cảm cũng rất hạn chế". Ngay cả khi chồng bà về công tác ở gần nhà, thời gian "vợ chồng" của họ cũng có thể đếm được trên đầu ngón tay.
Bà bảo, ngày mình "làm vợ" có thể đếm được trên ngón tay.
Trước khi vào điều trị ở Khoa 6, Bệnh viện Tâm thần Trung ương, bà Q. đi làm giúp việc. Bà bảo mình chăm chỉ, được nhà chủ quý mến, nhưng ốm yếu rồi cứ làm một đợt là phải nghỉ vài ngày về quê thăm cháu. Đã mười năm nay, bà không ngủ được, tinh thần suy sụp, cả đêm cứ khóc rồi nghĩ miên man. "Có khi bao năm trắng đêm không ngủ nổi, tôi cứ nghĩ nhiều quá mà uất thành ra thế này…" – bà lẩn thẩn bảo.
Dở dang cả chuyến đò chiều…
Hai vợ chồng bà Q. có với nhau 3 mặt con. Khi cô con gái thứ ba sinh được một thời gian, nhà chồng bà bắt cả 3 cháu về nuôi, bỏ lại bà sống một mình thui thủi. Những đứa con của bà Q., dưới áp lực của nhà nội, cũng không nhìn mẹ.
Kể về các con, bà run run nói chuyện con trai đầu chết sớm, con dâu cũng khổ sở vì bị áp bức, cậu thứ hai hư hỏng, còn cô con gái "chấy rận", chuyện bà kể mỗi lúc mỗi khác. Bà bảo "nó hơi chập cheng, đi Trung Quốc làm ăn, mất tăm mất tích cả chục năm", lúc lại khoe "nó đã lấy chồng, có con ở bên ấy, đã về thăm tôi được một lần, dẫn cả chồng đi cùng nữa"…
Bà sống một mình đã hơn hai chục năm, khi thì ở Hưng Yên (vừa là quê mình, vừa là quê chồng), lúc lại lên Hà Nội, nhưng cũng hiếm khi về nhà mẹ đẻ vì "xấu hổ lắm, mình đã có ba đứa con rồi, ai lại về quê mẹ, thiên hạ lại bảo cóc chết ba năm quay đầu về núi". Thở dài thượt, bà bảo: "Tôi còn bà mẹ ở quê. Bà lẫn rồi. Hôm trước tôi về thăm, chăm sóc bà cụ vài hôm thì bị cụ mắng, bảo về để cướp nhà cụ, hai mẹ con cãi nhau suốt, có muốn ở cùng chăm cụ lâu dài cũng chẳng ở được..."
Ngồi thừ ra một lúc, rồi bà giật mình như sực nhớ ra điều gì, nói mơ màng: "Tôi đi thêm một lần đò nữa rồi đấy! Mới được 5 tháng thôi. Đấy là một ông thầy cúng hơn tôi gần chục tuổi, vợ chết lâu rồi. Hôm trước ông ấy xuống cúng cho thằng cháu nhà tôi, gặp duyên nhau, thế là gá nghĩa vợ chồng…"
Bà bảo mình không điên, chỉ vì hay nghĩ ngợi, không ngủ được nên được đưa vào đây.
Được đà, bà đem hết cả chuyện kín chuyện hở kể với người lạ: "Nói thật chứ, ngần ấy năm sống một mình ở nhà ngoài mặt đường, thanh niên trai tráng đi qua nhìn thấy tôi nhan sắc, người ta… thèm (!?) lắm, nhưng tôi vẫn không trao cho ai. Lâu dần thành quen, ai động chạm vào người tôi lại thấy ghê ghê. Lấy ông chồng mới, tôi chỉ muốn sớm tối cơm nước chăm nhau, chứ già đến nơi rồi, ai mà còn nghĩ đến chuyện kia nữa. Thế mà ông ấy đứng tuổi rồi vẫn còn sung sức, vợ mất đã lâu, như nắng hạn gặp mưa rào, cứ nài nỉ xin tôi "cho", nhưng họa hoằn lắm một tháng tôi mới chiều đôi lần, nhưng cũng không thích lắm".
Bà Q. bảo đã định gắn đời với người đàn ông ấy nhưng các em ruột bà không đồng ý. Một hôm, ông ấy đi vắng, gia đình đến bắt bà về nhà. Bà không nghe, làm ầm ĩ lên, chửi bới, giằng co với các cháu nên bị đưa vào Bệnh viện Tâm thần Trung ương. Trước sau bà vẫn một mực bảo: "Tôi có điên đâu! Tôi chỉ nghĩ nhiều quá, bị hành nhiều quá thành ra lẩn thẩn, nói nhiều, hay chửi các cháu thôi!"
"Ra viện, tôi sẽ vào chùa"
Bác sĩ Tô Thanh Phương, Trưởng Khoa 6, nơi bệnh nhân Phạm T. Q. đang điều trị cho biết, khi được đưa vào viện, bà Q. rất căng thẳng, ở trong trạng thái hoảng loạn tinh thần, gào khóc và có dấu hiệu sang chấn tâm lý lâu dài. Gia đình bà Q. cũng thông báo cho bác sĩ biết cuộc sống bi đát, đầy áp lực của bà.
Bác sĩ Tô Thanh Phương bên bệnh án của bà Q.
Người đàn bà đã bước vào tuổi xế chiều cho biết, bà đã thấy nhẹ lòng hơn và đã ngủ lại được, chỉ buồn vì bị đứt liên lạc được với chồng mới (?), cũng chẳng thấy chồng cũ và các con đến thăm nom. Bà cũng vui hơn vì "hôm trước dì nó vào thăm, dì nó dỗ dành tôi chịu khó chữa khỏi bệnh rồi về".
Bà Q. bảo, được ra viện bà sẽ đến chùa ở.
Thẫn thờ, bà tiếp lời: "Tôi đã tự lo được mấy chỉ vàng, hồi đi làm giúp việc cũng ky cóp được ít tiền tiết kiệm, với lại mảnh đất nữa, nếu tôi có chết cũng chẳng ai phải phiền. Hôm trước có sư thầy vào đây nói chuyện với các bệnh nhân, tôi đã xin phép nhà chùa rồi, khi được ra viện tôi sẽ đến chùa ở, quét dọn, làm công quả. Nhưng giá người ta để tôi sống yên với ông ấy (chồng thứ hai - PV) thì tốt nhỉ…"