Một người phụ nữ lớn tuổi bán đồ ăn khuya tại cầu vượt Hàng Xanh
Thức trắng đêm Sài Gòn
Đêm Sài Gòn trôi về khuya, phố phường bắt đầu chìm vào giấc ngủ say. Những con đường thưa thớt dần xe cộ dưới ánh đèn vàng vọt, mờ ảo. Trong đêm tối âm thầm, có những người phụ nữ vẫn đang lặng lẽ rảo bước khắp nơi, bới từng thùng rác, mời chào từng tấm vé số, cái bánh đa hay những bọc trứng cút. Trung niên có, già cả có, họ là những phụ nữ nghèo từ các tỉnh miền trung vào Sài Gòn kiếm sống.
Chị Hoa đi nhặt ve chai với chiếc xe đạp
Trên chiếc xe đạp cũ kĩ nhưng chất tới 3, 4 bao tải lớn ve chai, chị Hoa (quê Quảng Trị) lặng lẽ đạp xe khắp các con đường quận 1. Cứ đến mỗi thùng rác, chị vội lại gần và tìm nhặt từng vỏ chai nhựa cho vào bao tải. Vừa nhặt chị vừa nói: “rác bây giờ ngày càng trở nên hiếm vì người nhặt rác ngày càng nhiều. Không chỉ tụi chị, những người bán vé số… cũng tranh thủ nhặt để kiếm thêm”.
Đôi mắt trũng sâu vì thiếu ngủ, chị chia sẻ: “Hàng đêm chị đạp xe quanh các con đường quận 1 để nhặt ve chai. Nhặt đến khi nào đầy bao tải thì mới về nhà. Sớm thì 2 giờ, muộn thì cũng 3 rưỡi, 4 giờ mới về tới nhà”.
Vào Sài Gòn được 7 năm nay, cô Hương (51 tuổi, quê Quảng Ngãi) bán bánh đa dạo tại các quán nhậu tâm sự: “Ban ngày, cô đi rửa chén cho một nhà hàng. Ban đêm cô đạp xe đi bán bánh đa, trứng cút ở các quán nhậu. Bình thường thì cô bán hết hàng mới về. Bữa nào còn thì ráng đạp xe đi bán cho hết. Về đến nhà cũng 2, 3 giờ sáng”.
Tại những quán nhậu vỉa hè, không khó để bắt gặp những người như cô Hương. Họ “túc trực” gần như suốt đêm cùng với các quán nhậu: “khi nào quán nghỉ, tụi cô mới về!”, cô Hương cho biết.
Đằng sau những hàng quán thức xuyên đêm là những đứa con có cơm ăn, áo mặc và được đến trường...
Những nụ cười trong bóng tối
Điểm chung của những người phụ nữ mưu sinh trên đường phố Sài Gòn không chỉ là làm việc trong đêm tối mà còn ở những nụ cười rạng rỡ. “Đứa con trai lớn của cô trước đây học ĐH ở quận Bình Thạnh nay đã ra trường, còn đứa con gái út cũng đang học ĐH năm thứ 2. Hai năm nữa là cô hết lo nghĩ nhiều rồi. Có những lúc cô cảm thấy mệt mỏi nhưng nhìn con cái được học hành bằng bạn bằng bè, mình cũng thấy vui và cố gắng hơn”. 7 năm ròng rã lang thang từ đường này qua phố nọ với chiếc thúng nhỏ bên hông, cô Hương cảm thấy vui nhất khi cô nuôi được hai đứa con học hành tới nơi tới chốn.
Đồng hồ đã điểm 2 giờ 30’ sáng, trên chiếc xe đạp chất đầy bánh đa và trái cây, cô Thủy (quê Phú Yên) vẫn cố rảo quanh các quán nhậu để mời khách mua. Nở nụ cười phúc hậu, cô nói: “Vợ chồng cô vô Sài Gòn 13 năm rồi, chú thì đi bốc vác ở cảng còn cô thì đi bán. Ba đứa con của cô chú đều học đại học hết đấy! Tụi nó đều đang ở trong này với cô chú”.
Cô Thủy trên chiếc xe đạp cùng gánh hàng rong của mình
“Đời mình không học hành nên vất vả, giờ mình ráng lo cho con cái tơm tất sau này tụi nó bớt khổ. Tụi nó mạnh khỏe, học tới nơi tới chốn thì khổ cỡ nào cô với chú cũng chịu được hết”, cô Thủy vui vẻ chia sẻ.
Nói rồi, cô và chiếc xe đạp của mình lại lăn bánh trên con đường vắng lặng…