Ngủ vỉa hè lúc 1 tháng tuổi

Tại góc ngã tư đường Hàm Nghi - Hồ Tùng Mậu (quận 1) hình ảnh cậu bé Trần Quốc Đạt (6 tuổi) hồn nhiên chìm trong giấc ngủ dưới ánh nắng khiến nhiều người xót thương. Bé Đạt đã ngủ ở vỉa hè này với bà ngoại từ lúc tròn 1 tháng tuổi đến bây giờ. Bà Trần Thị Thanh Thủy (57 tuổi), bà ngoại của Đạt, cũng đã trải qua mấy chục năm chọn vỉa hè là nơi trú ngụ vì không có nhà.

Nụ cười hy vọng của cậu bé 6 tuổi sống ở vỉa hè Sài Gòn từ lúc chào đời 1

Những đồ dùng sinh hoạt hằng ngày của hai bà cháu ở vỉa hè.

Nụ cười hy vọng của cậu bé 6 tuổi sống ở vỉa hè Sài Gòn từ lúc chào đời 2

Bà và Đạt đã ngủ ở vỉa hè suốt 6 năm nay.

Trong lúc trò chuyện với chúng tôi, bà Thủy luôn canh cánh với những suy nghĩ là làm sao để đứa cháu ngoại có được cuộc sống ấm no, học hành đầy đủ và luôn lạc quan trong cuộc sống.

Bà Thủy tâm sự: "Mỗi người một hoàn cảnh khác nhau, dù khó khăn nhưng hai bà cháu tôi vẫn phải lạc quan để vươn lên. Mấy chục năm tôi sống ở vỉa hè, cũng từng ấy thời gian để hiểu nỗi cực nhọc ở đây. Mẹ của cháu Đạt là con thứ 7 trong số 10 đứa con tôi. Ba mẹ nó ly hôn rồi đi tìm hạnh phúc mới, bỏ cháu từ lúc mới 1 tháng tuổi nên tôi bất đắc dĩ phải mang cháu ra đây nuôi nấng đến giờ vì không có nhà cửa. Nhìn đứa cháu vui đùa quanh năm suốt tháng ở vỉa hè mà thương lắm.

Nụ cười hy vọng của cậu bé 6 tuổi sống ở vỉa hè Sài Gòn từ lúc chào đời 3

Mỗi lần ngủ dậy, Đạt đều hôn bà ngoại để thấy yêu đời hơn.

Theo bà Thủy, con gái bà là chị Trần Thị Thu Thùy, hiện đã có con chung với người chồng mới nên cũng không quan tâm đến cháu Đạt. Trước đây, chị Thùy quen với anh Lâm (cha ruột Đạt, hiện đã có vợ mới) nhưng bà Thủy không đồng ý cuộc hôn nhân này vì cả hai đang bị nghiện. Dù vậy, chị Thùy và anh Lâm vẫn kiên quyết đến với nhau.

Sau khi sinh Đạt được 1 tháng, hai người ly hôn vì có những bất đồng quá lớn. Chị Thủy quyết định giao con cho mẹ để đi cai nghiện. Nhưng khi cai nghiện thành công trở về, người mẹ lại nhẫn tâm tìm hạnh phúc mới mà quên đi đứa con đang sống ở vỉa hè, với sự thiếu thốn tình cảm gia đình.

Từ đó, Đạt lớn lên trong tình thương yêu của bà ngoại, cuộc sống của hai bà cháu dù cơ cực nhưng chưa bao giờ thiếu vắng tiếng cười.

Khuôn mặt sáng lên với nụ cười và tinh thần lạc quan, Đạt chia sẻ: "Mỗi khi cháu khóc vì không có đồ chơi như bạn bè hay không có chỗ để học bài, ngoại luôn dỗ dành, an ủi. Ngoại nói với cháu là phải ráng học giỏi, dù khó khăn đến đâu ngoại vẫn luôn bên cháu. Xung quanh còn nhiều mảnh đời khổ hơn cháu nhiều, nên hãy lạc quan, cười thật nhiều và làm nhiều việc tốt sẽ thấy cuộc sống này ý nghĩa hơn" .

"Cháu chỉ mong một cái Tết đoàn viên..."

Trong lúc trò chuyện, khi chúng tôi nhắc đến Tết, cậu bé đột nhiên rất phấn khởi và tỏ ra rất háo hức. "Mấy hôm nay đi học, các bạn đều nôn nao khi nói đến Tết. Trên lớp, cô giáo hay nhắc, Tết là dịp để ba mẹ, ông bà quây quần bên nhau và cháu cũng muốn ở bên gia đình có cha và mẹ nữa. Cháu chỉ mong một cái Tết đoàn viên" - Đạt chia sẻ trong ánh mắt đầy hy vọng hướng về phía con đường hoa.

Nụ cười hy vọng của cậu bé 6 tuổi sống ở vỉa hè Sài Gòn từ lúc chào đời 4

Sự lạc quan trong cuộc sống là điều quan trọng đối với hai bà cháu.

Hầu hết những người sống gần đó đều mong muốn cậu bé dễ thương này có một cái Tết thật trọn vẹn bên gia đình dù cha mẹ ruột của Đạt đều đã có cuộc sống bên một gia đình mới, có thể họ không nhớ nơi góc vỉa hè giữa lòng Sài Gòn còn có môt cậu bé hằng ngày vẫn hy vọng được đoàn tụ cùng họ. "Con hy vọng sẽ gặp lại cha mẹ vào một ngày nào đó, chỉ cần vui đùa với con là đủ rồi" - Đạt nhắn nhủ tới cha mẹ.

Được biết, Đạt chỉ mới chập chững bước vào lớp 1 (Trường tiểu học 1 tháng 6, quận 4) nhưng cậu bé khá thông minh và chịu khó. Có lẽ vì quen với cuộc sống chỉ có 2 bà cháu nên Đạt luôn tập cho mình tính tự lập từ rất sớm.

Bà Thủy cho biết: "Tôi không biết chữ nên cũng không giúp gì được cho cháu trong việc học. Chỉ biết buôn bán nước nhỏ lẻ để kiếm vài chục ngàn tiền lời trong ngày, lo bữa ăn hằng ngày của hai bà cháu. Cháu đều tự học hết và rất chịu khó nên tôi yên tâm lắm".

Bà Thủy cho hay, "góc học tập" của cháu ngoại chỉ là cái ghế nhựa dành cho khách ngồi uống nước. Đêm đến, cậu bé đặt sách vở lên ghế nhựa, rồi học bài dưới ánh đèn đường.

Cuộc sống của hai bà cháu trong 6 năm qua chỉ giản dị thế thôi, nhưng nụ nở trên môi cũng đủ lấp đầy những bộn bề trong cuộc đời mưu sinh vất vả.