Nuôi... thú dữ

Nuôi chó Tây, chim hiếm, cá cảnh độc… giờ đây đã không còn thể hiện được đẳng cấp nữa. Đại gia bây giờ là phải nuôi trăn khổng lồ, rắn cực độc, gấu, hổ, cá sấu…Tóm lại là “thứ dữ phải đi liền với thú dữ”.

Tiêu khiển khác người như đại gia Việt 1
Mốt nuôi thú dữ.

Mốt nuôi thú dữ bắt đầu được giới nhà giàu ưa chuộng từ khoảng 3 - 4 năm trở lại đây. Các đại gia đua nhau săn lùng những con thú lạ, thú độc, càng đứng đầu danh sách đỏ càng tốt. Trong nước không có thì đánh mối bên Lào, Campuchia, Ấn Độ… làm sao càng dữ, càng “độc” thì mới thể hiện được đẳng cấp. Thường thường thì "chơi" đà điểu, heo rừng, hươu, sóc, khỉ… Còn thời thượng, tay chơi hơn thì trong bộ sưu tập phải có gấu, có hổ, báo, hay sư tử, tê giác, trăn, rắn độc… trong vườn nhà.

Thú chơi của nhiều đại gia bây giờ là ra vùng ngoại ô, cất biệt thự vườn, mở một trang trại mini, và săn, tậu cho kỳ được những con quái thú càng lạ, càng độc chiêu càng tốt. Với danh sách những “vật nuôi” kể trên, con số trăm triệu đồng phải bỏ ra là điều không khó tưởng tượng, đấy là chưa kể các khoản chuồng trại, thức ăn và một đội ngũ chăm sóc, trông nom, dạy dỗ “thú cưng”… đi kèm.

Câu nói của vị đại gia kinh doanh bất động sản cất biệt thự vườn ở Quận 12 (TP.HCM) tuyên bố trên báo chí cách đây ít lâu hẳn vẫn khiến nhiều người phải “choáng váng”: “Nuôi cá kiểng đâu có gì độc đáo. Tao xây hồ nuôi luôn chục con cá… sấu làm kiểng, mới oai! Chiều chiều ngồi nhìn đàn cá sấu đớp mồi để… thư giãn đầu óc”.

Ăn… vàng, uống vàng

Khoảng đầu năm 2005, ở Thanh Trì, Hà Nội bỗng xuất hiện một nhà hàng sang trọng với tên gọi Kim Ngân Ngự Thiện. Điều đặc biệt chính là nhà hàng này chỉ bán đồ ăn có rắc vàng. Sau đó, Kim Ngân Ngự Thiện bị Cục An toàn Thực phẩm - Bộ Y tế kiểm tra, ra kết luận vàng không nằm trong danh mục các vi chất, siêu vi chất cần thiết cho cơ thể nên không được cho vàng vào thức ăn nữa.

Tiêu khiển khác người như đại gia Việt 2
Ăn… vàng, uống vàng.

Từ đó, nhà hàng ít khách hẳn rồi cũng đóng cửa. Song việc Kim Ngân Ngự Thiện ngừng hoạt động và kết luận của các cơ quan y tế cũng chỉ làm cơn sốt vàng, uống vàng lắng xuống trong một thời gian ngắn mà thôi.

Những năm gần đây phong trào ăn vàng, uống vàng quay trở lại rầm rộ hơn. Với đam mê đi tìm sự hoàn hảo trong sức khỏe và cả sắc đẹp, nhiều người sẵn sàng bỏ ra không ít tiền của để đưa vàng vào cơ thể qua đường ăn uống. Một chai rượu trắng có trộn vàng cám hiệu ORO có dung tích 0,75 ml được mang từ Ấn Độ về có giá hơn 5 triệu đồng. Rượu với độ cồn 43,5%, thể tích 750ml, xuất xứ Italia với những miếng vàng lá nhỏ li ti nổi long lanh trong chai rượu khoảng 7 triệu đồng 1 chai.

Chưa hết, người ta còn nghĩ ra cách nghiền nát vàng rồi trộn vào nhân bánh trung thu, bán khoảng 3 triệu đồng/chiếc, hay thậm chí mua bụi vàng 24K cho vào thức ăn nhằm tăng cường sức khỏe. Với khoảng 10 triệu đồng 1 lọ 5 gram, người dùng còn được quảng cáo sử dụng bụi này rắc vào thức ăn thay tiêu, bột nêm có thể tăng cường sức khỏe, săn chắc da, bổ sung khoáng chất để tái tạo vẻ đẹp thanh xuân.

Chi hàng chục ngàn đô "săn" tượng nhà mồ

Hàng loạt đại gia kinh doanh tại TP.HCM truyền tai nhau rằng, các thầy phong thủy "cao tay" tuyên bố nếu trong phòng làm việc có đặt tượng nhà mồ Tây Nguyên thì sẽ "cầu được, ước thấy".

Trong lúc kinh tế khó khăn, làm ăn trì trệ, nhiều đại gia đã không ngần ngại chi số tiền lớn để "thỉnh" về một tượng nhà mồ theo lời phán của thầy phong thủy. Họ mang về đặt cẩn thận trên bàn để cầu may cho công việc kinh doanh...

Tiêu khiển khác người như đại gia Việt 3
Tượng nhà mồ Tây Nguyện hiện đang thu hút lượng lớn khách hàng.

Bà N.T.T.H. (giám đốc một công ty truyền thông tại quận Tân Bình, TP.HCM) vừa mua 2 tượng nhà mồ Tây Nguyên cho biết, hiện đã chi hơn 8.000 USD để sở hữu cặp tượng nhà mồ cổ có niên đại gần 100 năm mua từ Lâm Đồng để cầu may mắn cho công việc kinh doanh.

Theo các đại gia, tượng nhà mồ Tây Nguyên được người dân tộc xem là "người" trấn giữ giữa cõi dương và cõi âm cho người chết. Vì vậy, tượng có giá trị tâm linh vô cùng lớn, có thể giúp người sở hữu được may mắn. Chính vì lý do này, nhiều đại gia cho rằng, việc sở hữu càng nhiều tượng nhà mồ càng làm cho gia vận hưng thịnh.

Ông A. tiết lộ: "Năm nay, nền kinh tế bất ổn, công việc của tôi không được như ý. Tuy nhiên, kể từ khi có cặp tượng nhà mồ Tây Nguyên ở nơi làm việc, công việc của tôi may mắn hẳn. Thời gian gần đây, tôi nhận được hàng loạt hợp đồng trị giá cả chục tỷ đồng. Tượng nhà mồ bí ẩn của người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên mang lại cho tôi sự may mắn đến lạ kỳ. Từ đó công việc cũng thành công hơn, tiền bạc thì cứ thế ùn ùn vào".

Trước mối lợi kinh doanh "cực nóng" từ các tượng nhà mồ, các đầu nậu kinh doanh đồ cổ tại TP.HCM đang ngày đêm đổ xô đi "lùng" mua tượng tại các tỉnh Đăk Lăk, Đăk Nông, Gia Lai, Lâm Đồng, Kom Tum... để bán lại cho các đại gia.

Tổ chức hòa nhạc giao hưởng đường phố

Không có cái kênh kiệu, hợm hĩnh như nhiều dân nhà giàu cậy của đè người, tay chơi Đỗ Ngọc Minh- người khởi xướng Luala Concert- có những thú chơi rất khác người.

Với những ai chưa nghe nói đến Luala concert thì nó là thế này: Tuần ba buổi, vào chiều thứ bảy, sáng và chiều chủ nhật, người Hà Nội quây quần trong cái se lạnh của trời thu đông (rét quá thì đã có đèn ga sưởi) bên góc phố Lý Thái Tổ - Lý Đạo Thành, gần khách sạn Metropole và Nhà hát Lớn, địa điểm vàng của Hà Nội, để nghe các nghệ sĩ của dàn nhạc giao hưởng chơi các bản nhạc của Beethoven, Vivaldi…

Đôi khi ông chủ Luala cao hứng, còn có rượu vang và bánh mặn cho khách mời nhấm nháp. Khung cảnh lịch lãm mà không quá xa cách, bởi khoảng hai mươi nghệ sĩ chỉ cách công chúng chừng vài thước. Họ say mê chơi nhạc, chủ yếu là dàn nhạc dây, như họ vẫn chơi trong nhà hát. Người ta ngạc nhiên vì nhạc cổ điển gần gũi thế và mỗi người đứng nghe hoặc chỉ cần ngắm cũng thấy mình được… tận hưởng cuộc sống, nhất là ở Hà Nội.

Tiêu khiển khác người như đại gia Việt 4
Một không gian nghệ thuật mở ra được công chúng hưởng ứng.

Ở Hà Nội bây giờ có lẽ nhiều người giàu, đi xe hơi hàng trăm nghìn đô, chơi cây cảnh, đá quý bạc tỷ, có nhà ở những địa điểm đắt giá nhất Hà Nội (nghĩa là đắt có hạng trên quả đất này, cỡ vài triệu đô), nhưng hình như họ thu hẹp cuộc chơi trong một thiểu số “chỉ chúng mình với nhau”. Việc Minh đứng ra tổ chức Luala concert hình như là một ví dụ tích cực đơn lẻ cho việcđịnh nghĩa thế nào là thưởng thức cuộc sống trong cái thời sự giàu có vẫn được đo bằng việc ngắm tài sản cố định, bằng nhìn tiền đầy trong tài khoản.