Chị Cao Thị Minh Nguyệt, 55 tuổi, hiện đang sinh sống tại thành phố Nha Trang. Chị có 3 người con, cô con gái đầu tên Vy Vy, 30 tuổi, là người dị tính và đã có chồng. Người con gái giữa tên Nguyễn Trúc Vy, 27 tuổi, là người chuyển giới từ nữ sang nam. Và người con trai út tên Minh Nhật, 20 tuổi, là người đồng tính nam. Hiện tại, chị Minh Nguyệt đang là thành viên tích cực của PFLAG - Hội người thân của người LGBT Việt Nam.

Chị Minh Nguyệt có lẽ nằm trong số ít những người mẹ đã trải qua giai đoạn bị sốc khi biết giới tính thật của con và đã biết chấp nhận. Chị còn luôn đồng hành cùng hai người con của mình trong những hoạt động cộng đồng LGBT, giúp những bậc phụ huynh khác hiểu rằng giới tính của con mình không phải là điều bất bình thường, không thể để xã hội chối bỏ.

Nhưng trước đó, chị và hai người con của mình đã có những khoảng thời gian thực sự khó khăn, nặng nề và chị thừa nhận mình đã bị trầm cảm một thời gian vì quá lo lắng cho tương lai của các con.


Chị Minh Nguyệt hiện là thành viên tích cực của PFLAG - Hội người thân của người LGBT Việt Nam.

Chào chị Nguyệt! Chị có thể chia sẻ thời điểm chị phát hiện Trúc Vy là người chuyển giới và Minh Nhật là người đồng tính nam từ khi nào không? Cảm giác của chị lúc đó như thế nào và chị đã trò chuyện với các con ra sao?

Vy là người chuyển giới nam, nhưng trong bài phỏng vấn này tôi xin được gọi nó là con gái. Từ khi Vy còn nhỏ, tôi đã thấy cháu có những sở thích trái ngược những đứa trẻ khác. Thay vì chơi những trò chơi nhẹ nhàng như các bạn gái cùng tuổi, Vy lại thích chơi đá bóng, bắn bi, đánh trận giả... cùng các bạn nam trong xóm. Còn Minh Nhật thì ngược lại, là con trai nhưng lại thích chơi gấu bông, búp bê cùng các bạn nữ. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ rằng Vy có phần cá tính và phá cách hơn, còn Nhật do là con út, được bảo bọc nuông chiều nên yếu đuối như con gái thôi.

Tuy nhiên khi cả hai trưởng thành, phần nhân cách đó được bộc lộ nhiều hơn. Vy không thích mặc váy, tóc tai luôn cắt tém, những cử chỉ hằng ngày của con bé hoàn toàn như một đứa con trai. Lúc đó tôi chợt giật mình, trong lòng bắt đầu buồn phiền nhưng vẫn lặng lẽ đứng ngoài cuộc, quan sát một cách âm thầm

Khi Vy lên lên cấp 3, bước vào độ tuổi mà nhân cách được hình thành rõ nét nhất, thì tôi hoàn toàn sụp đổ và những nghi ngờ đã thành sự thật. Mặc cho thầy cô giáo nhắc nhở, đe dọa, Vy không bao giờ chịu mặc áo dài đến lớp. Nhiều lần cô giáo đã gọi điện nói tôi về cách dạy con, tôi cố gắng khuyên bảo Vy nhưng mọi chuyện vẫn đâu vào đấy. Vy đi học bị trêu ghẹo, kỳ thị. Tôi không đếm nổi bao nhiêu lần cháu đi về trong bộ dạng rách rưới, thâm tím đầy mình. Vy trốn tránh tôi mỗi khi đi học về, phần vì sợ mẹ thấy thương tích, phần vì sợ tôi gặng hỏi giới tính của con bé.

Là mẹ, tôi hiểu rõ cảm giác cô đơn của con mình. Lúc ấy, con bé không có bạn bè để tâm sự, nó hoàn toàn không có một chỗ dựa nào về tinh thần cả, tôi có thể cảm thấy được điều đó qua nét mặt hằng ngày của con, tôi cũng đau lắm, lúc nào cũng nung nấu hy vọng có thể "uốn nắn" lại con mình. Suốt những năm cấp 3, tôi đã chuyển trường không biết bao nhiêu lần cho Vy để con bé có thể bắt đầu lại một cuộc sống mới, một môi trường mới, có thể hòa nhập hơn... nhưng kết quả vẫn vậy.

Tuy nhiên, tôi vẫn còn nuôi hy vọng khi đến tuổi yêu đương, tình yêu sẽ thay đổi con người nó. Nhưng rồi một ngày đẹp trời, con gái tôi lại dẫn về một cô nàng. Tôi nghĩ:"Ừ thì thôi kệ, con mình yêu ai cũng được, miễn là nó hạnh phúc và điều này sẽ bù đắp cho khoảng thời gian mất mát tuổi thơ của nó".

Vì đã quan sát quá trình trưởng thành của con, nên có lẽ không quá khó để chị chấp nhận giới tính thật của con mình?

Đúng vậy, tâm lý của bản thân tôi đã chia ra nhiều giai đoạn, từ ngờ vực cho đến âm thầm quan sát, phát hiện ra sự thật rồi chấp nhận nó. Những giai đoạn ấy trải qua trong nội tâm của tôi từng ngày từng giờ. Khi ở giai đoạn nghi ngờ, tôi cũng chuẩn bị cho mình tinh thần và lí trí tốt để sau khi biết sự thật thì không quá đau xót.

Tôi nghĩ rằng, nếu nhìn chung cả một quá trình mấy chục năm, có lẽ quá trình chấp nhận làngắn nhất. Bởi vì, là một người mẹ đã theo con mình gần nửa cuộc đời, trải qua quá nhiều sự kì thị và khó khăn, tôi nghĩ, hạnh phúc của con quan trọng hơn rất nhiều so với cái được gọi chuẩn mực của xã hội.

Phải, tôi từng rất sốc nhưng chưa bao giờ nỡ làm tổn thương nó và cũng không muốn làm điều đó.


Chị Nguyệt và 3 người con của mình.

Sau khoảng thời gian công khai giới tính, chuyện tình của Vy và cô gái mà Vy dẫn về ra mắt chị tiến triển như thế nào?

Tôi cứ tưởng khi được đón nhận tình yêu và được hạnh phúc thì cuộc đời của Vy sẽ tốt đẹp hơn rất nhiều, nhưng mọi chuyện chẳng bao giờ được như ý muốn.

Tôi còn nhớ rất rõ cuộc tình thứ nhất. Đó là lần rung động mạnh mẽ đầu tiên trong cuộc đời của con tôi với một cô gái khác nhưng lại bị gia đình bên kia phản đối một cách kịch liệt. Có lần phụ huynh của cô gái đó còn xông thằng vào nhà tôi đập phá đồ đạc và hét to cho hàng xóm nghe rằng: "Chị có biết con chị bị bệnh không hả?! Tại sao lại cho nó giao du với con nhà tôi?!”. Sau đó là hàng loạt những lời chửi mắng thậm tệ trong khi con của tôi lại đóng chốt cửa, tắt đèn và nằm thu mình lại một góc ở trên gác.

Tôi buồn lắm, vừa buồn vừa tức cho con mình, bèn chạy lên gác kéo con xuống và nói với phụ huynh đứa con gái kia: “Chính con chị chủ động giao du với con gái của tôi, đây có mặt nó, đây nó vẫn lành lặn không bị bệnh gì cả!". Sau ngày hôm đó, tôi lại thấy nó cứ thẫn thờ, cũng không thấy cô bé ngày nào hay qua nhà chơi nữa. Hằng ngày, cứ mỗi chiều tôi đi làm về rồi lại xuống dưới bếp nấu ăn. Ở trên gác, tôi nghe thấy tiếng con mình đang thút thít khóc nhưng lại cố kiềm để không phát ra tiếng. Nó thường mở mấy bài hát ngày xưa hai đứa hay hát cùng nhau rồi cứ lẩm bẩm trong miệng. Nó vừa khóc vừa hát ở trên, tôi thì khóc ở bên dưới. Lòng tôi đau như cắt. Con đau một nhưng mẹ đau mười.


Trúc Vy, người con gái chuyển giới nam của chị Nguyệt.

Vài tháng sau tôi nghe được tin cô bé ngày nào theo đuổi con mình đã có chồng và có chửa. Chưa đầy một năm sau tôi lại nghe tin cô bé ấy li dị và phải sống một mình nuôi con. Lúc này, tôi chợt thấu hiểu, hạnh phúc cả đời của con cái không thể nào do cha mẹ tự ý định đoạt được.

Sau những lần con gái đổ vỡ tình cảm, tôi nhận ra, thay vì cứ để mặc cho mối quan hệ đó tiến triển, tôi quyết định tới nhà cha mẹ của người yêu con mình với mong muốn có thể giải thích, tác động đến suy nghĩ của họ trước khi mối quan hệ này lại có kết cục như trước. Lần này, Vy yêu một cô gái tên H, cha mẹ làm nông, ít có điều kiện tiếp xúc với thông tin hiện đại.

Tôi nghĩ thôi mình cứ đánh liều một phen vậy, “sống chết” gì cứ để ông trời quyết định. Vậy mà nhà H. lại khác hoàn toàn với những gì mà tôi từng tưởng tượng. Cha mẹ cháu tuy đã lớn tuổi và đang ốm nặng nhưng vẫn ra đón tiếp tôi rất mực vui vẻ và mời tôi uống nước, cười nói hết sức bình thường.

Khi tôi đề cập đến vấn đề chính, nói rằng con gái tôi đã quen H. lâu rồi và 2 đứa hiện đang có ý định sống chung với nhau và tôi ra đây để xin phép anh chị cho phép tôi cho H. một danh phận và được về sống chung với nhà của chúng tôi. Hoàn toàn ngạc nhiên, ông bà đã vô tư trả lời: “Nhà tôi thì cũng nghèo, không lo lắng gì được cho cháu, chỉ mong cháu có thể tìm được hạnh phúc, sống vui là tụi tôi vui rồi”. Một cảm giác vỡ òa trong tôi. Tôi thực sự cảm thấy hạnh phúc và sung sướng trước câu nói đó.

H. đã trở thành con dâu của tôi như thế. Tuy pháp luật chưa công nhận, nhưng tôi vẫn coi H. như đứa con trong nhà dưới danh phận “con dâu”. Vy và H. hiện giờ đã sống với nhau được hơn 5 năm rồi. Vì tôi xem con dâu như con cái trong nhà cho nên cứ ai hỏi gì là tôi trả lời nhà tôi có 3 người con trong cộng đồng LGBT.

Việc chấp nhận các con sống đúng giới tính của mình là việc không phải phụ huynh nào cũng can đảm làm được. Chị có từng nghĩ về tương lai, về những đứa con của Vy và Nhật sau này sẽ như thế nào không?

Tôi nghĩ điều trăn trở và mong mỏi nhất của mọi người mẹ là muốn được tận mắt nhìn thấy con mình có một cuộc sống hạnh phúc dưới mái nhà có đầy đủ những thành viên trong gia đình. Lúc trước, tôi chỉ nghĩ mái ấm với những đứa trẻ chỉ có thể tồn tại trong gia đình dị tính. Nhưng sau khi thấy được tình yêu của Vy với H., tôi đã thay đổi hoàn toàn quan điểm, miễn là chúng nó yêu nhau, hiểu nhau, thông cảm cho nhau và chấp nhận đến với nhau thì điều đó cũng quá hạnh phúc rồi. Còn về con cái thì chúng nó có thể xin con nuôi hoặc thụ tinh nhân tạo, bây giờ thời đại khoa học tiên tiến, đầu óc con người cũng cởi mở hơn trước nên tôi cũng có ý nghĩ rằng cháu đích tôn mới cần thiết.

Trước kia, tôi nghĩ xã hội chưa cởi mở, vẫn còn những định kiến, kì thị nặng nề, tôi rất đau đớn và đã có một thời gian bị trầm cảm, luôn luôn tự trách mình rằng tại sao lại sinh ra những đứa con như thế để rồi tương lai sau này của chúng nó sẽ đi về đâu? Tôi tự nhủ lòng mình hãy cố làm thật nhiều để bù đắp cho các con, thâm chí tôi còn nghĩ tự tay mình sẽ tạo dựng sự nghiệp và tương lai cho các con vì xã hội còn phân biệt những người LGBT, các con sẽ rất khó khăn trong chuyện việc làm. Bây giờ không những ở Việt Nam, thế giới ngày một rộng mở hơn đối với những người trong cộng động LGBT nên tôi cũng thấy an tâm được phần nào.


Minh Nhật là con trai út của cô Nguyệt và là người đồng tính nam.

Kể từ lúc biết con mình là người LGBT, chị có tìm hiểu thêm về những kiến thức giới tính, hoặc đã có những hoạt động gì để gần gũi, hiểu về các con của mình nhiều hơn?

Trước kia, tôi chưa từng biết khái niệm LGBT là gì cả, nhưng tôi vẫn biết những giới tính ấy đã và đang tồn tại vì tôi cũng thích đọc báo, tuy rằng báo hồi xưa nội dung về LGBT không nhiều và phổ biến như hiện nay. Người ta hay dùng từ “ long” là đồng tính luyến ái hoặc pê – đê để chỉ chung những người trong cộng đồng LGBT.

Suốt khoảng thời gian sau này, tôi cũng hay lên mạng, xem báo về những thông tin, kiến thức về giới. Đặc biệt từ khi tôi được tham gia khóa tập huấn kiến thức về giới tính do tổ chức bảo vệ và thúc đẩy quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới (ICS) tổ chức, tôi càng hiểu rõ hơn về khái niệm LGBT cũng như là kiến thức về đa dạng giới tính.


Chị Nguyệt tại buổi tập huấn kiến thức của trung tâm ICS dành cho thành viên PFLAG.

Người ta nói, làm một người mẹ tốt, thông cảm và gần gũi với con cái đã khó, làm mẹ của người LGBT còn khó hơn. Chị nhìn nhận quan điểm này thế nào? Theo chị, là phụ huynh có con LGBT, họ phải có cách cư xử thế nào để không làm tổn thương con cái?

Tôi chỉ nghĩ con mình là do mình tạo ra. Lúc trước tôi luôn tự trách bản thân rằng tại sao lại sinh ra 2 đứa nhỏ như vậy để rồi bị xã hội chối bỏ, nhưng tôi chưa từng một lần nào chối bỏ 2 con của mình mà ngược lại tôi cảm thấy mình là người đã đem sự bất hạnh cho con. Do đó tôi luôn luôn tế nhị trong cách ứng xử hằng ngày đối với con cái, luôn luôn gần gũi để lắng nghe tâm tư của con, động viên và an ủi con từng ngày khi có những buồn phiền...

Tôi nghĩ những định kiến của xã hội hằng ngày đã quá đủ với con mình rồi, bản thân là bậc làm cha, làm mẹ chúng ta hãy là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho các con, đồng tính không phải căn bệnh, nó là một giới tính trong muôn vàn giới tính mà con người vẫn chưa khám phá ra hết mà thôi. Thay vì cố chấp chối bỏ thì hãy mở lòng và chấp nhận nó, tôi mong rằng phụ huynh của các em hãy thấu hiểu và cảm thông nhiều hơn nữa cho con mình, hãy tìm đọc những tài liệu, những thông tin về LGBT đang ngày một phổ biến trên mạng để hiểu hơn về những giới tính này.

Cảm ơn chị Nguyệt và chúc gia đình chị luôn hạnh phúc.