Ăn vặt văn phòng là một cái thú

Ngày đi học, ăn vặt trong lớp khiến người ta thích thú bao nhiêu, thì lớn lên, việc ăn vặt trong văn phòng cũng khiến người ta hứng khởi bấy nhiêu. Mười cô nhân viên công sở thì cả mười cô đều thích tha lôi đồ ăn vào văn phòng. Còn các nam nhi có sẵn thì cũng thích ăn chẳng hề từ chối. Kể ra, nhiều người thích thú đến vậy cũng có nhiều nguyên do. Đầu tiên là đỡ phải ló mặt ra đường, vừa đỡ mang tiếng không tuân thủ thời gian làm việc. Sau đó là ăn vặt trong văn phòng thường rôm rả. Mỗi người một miếng, vừa ăn vừa tán chuyện sao không vui. Cuối cùng là góp phần giảm bớt... áp lực công việc theo lí lẽ của nhiều người!

Cứ tầm 3-4h là văn phòng Huyền lại rôm rả, nhộn nhịp. Nào bánh tráng, đồ khô, nào là xoài ổi, cóc, mía... Tất cả đều để phục vụ nhu cầu ăn vặt. Thực đơn mỗi ngày mỗi thay đổi theo đề xuất của các thành viên trong nhóm. Vừa ăn vừa nói, vừa ăn vừa làm, đó dường như trở thành thói quen đối với Huyền và nhiều đồng nghiệp khác.

Thỉnh thoảng thiếu nguồn “lương thực”, Huyền còn được cử đi mua thêm. Nếu sếp có hỏi, thì: “Huyền nó đi sang gặp đối tác rồi ạ”. Thế thì sếp nào nỡ la mắng khi sau chuyện đi công việc, nhân viên tạt qua mua vài túi đồ ăn mang về. Lâu lâu đồ ăn vặt còn được khoe trên danh nghĩa... quà của đối tác. Ngồi gần các chị các em "lép bép" suốt ngày, nhiều anh chàng cũng không thoát khỏi bị “nhiễm” luôn.


(Ảnh minh họa.)

Sếp thoải mái, nên chỉ cần khi ăn đừng rầm rộ quá, và khéo léo mang vào phòng mời sếp. Như vậy, sếp có không thích, nhưng cũng khó lòng mà “răn đe”. Còn khi sếp đi công tác thì coi như cả văn phòng Huyền vui như trẩy hội. Đâu đâu cũng ngập lụt thức ăn. Nào là đồ nhắm mang từ nhà, nào là thức ăn mua đem vào. Nhiều khi cuộc vui đang cao trào, thì còn nhậu nhẹt, lên mạng chọn thêm đồ nhắm lai rai thêm. Giờ ăn trưa, giờ ăn xế đôi khi chiếm cả nửa ngày đi làm.

Không thiếu những văn phòng hiện đại không chỉ có nhịp độ làm việc cao mà còn kèm theo nhịp độ ăn uống trong văn phòng của nhân viên cũng cao không kém. Đối với nhiều nhân viên, đó còn là thú vui khi đi làm. Nhưng bên cạnh đó, việc ăn uống thái quá trên công sở cũng để lại không ít hậu quả bi thương.

Cái miệng hại cái thân

Văn hóa ăn vặt trong văn phòng phổ biến với hầu hết các nhân viên. Thế nhưng không phải sếp nào cũng dễ dãi và đồng ý cho nhân viên mình vừa ăn vừa làm. Nhiều sếp vẫn nghĩ rằng như vậy khiến công việc ì ạch, hay ít nhất là khiến nhân viên thiếu sự tập trung và phòng làm việc thiếu chuyên nghiệp. Tất nhiên, cũng có những sếp không quá chú trọng đến việc vừa ăn vừa làm của nhân viên, nhưng quả thật con số này không nhiều.

Hùng Long là một trong những nhân viên đúng nghĩa thiếu may mắn cũng vì hay ăn vặt. Làm việc chuyên nghiệp, có tài, nhưng Hùng Long mắc phải tội bừa bãi, thích ăn uống bày bừa trong công ty. Ngay cả khi có khách hàng đến, thì anh chàng cũng vẫn thói cũ, vừa ăn vừa làm, khiến khách hàng nhăn mặt. Nhiều lần sếp nhắc nhở, nhưng ngoài chuyện vẫn hoàn thành công việc tốt, Long chẳng thay đổi mấy. Có lần, Long còn nói dối đi gặp đối tác bàn công việc, thì bị vợ sếp bắt gặp đang ngồi tán dóc, ăn hàng với người yêu.

Ắt hẳn cũng vì những lần như thế, đến khi sếp cân nhắc lên chức, Long cũng bị “hụt ăn”. Một nam nhân viên khác, có phần không xuất sắc bằng Long đã được chọn. Bởi người kia rất nghiêm túc thực hiện công việc và có tác phong làm việc chuyên nghiệp hơn.

Nhiều sếp dễ tính, không thiết quản luật giờ giấc với nhân viên, hoặc phòng sếp được đặt ở vị trí không "soi" được thì nhân viên thoải mái "vượt rào". Thế nhưng trăm lần cũng có lần bị bắt nếu cứ thích qua mặt. Việc đó để lại ấn tượng xấu cho sếp vì chuyện như thế thì chẳng hay chút nào.

Ăn vặt lâu ngày thành quen, thiếu ngày nào thì lại thấy "buồn mồm" ngày ấy. Nó không phải văn hóa xấu trong văn phòng. Thỉnh thoảng, nó khiến các nhân viên xả xì-trét vô cùng hiệu quả. Vấn đề ở đây là đừng để nó sa đà quá. Nghĩa là cái gì cũng đúng giờ đúng giấc, không kiểu lúc nào cũng vừa nhóp nhép vừa làm và nhất là không nên để ảnh hưởng đến công việc chung, hay mất cảm tình của sếp nhé!