Năm nay đã ở cái tuổi ngoài bát tuần, cụ N. (ở Hà Trì, Hà Đông, Hà Nội) không chỉ được cả họ biết đến về sự minh mẫn, khỏe mạnh, giọng nói sang sảng mà còn được biết đến với một lẽ "là cụ cao tuổi nhất họ vẫn ham thích chơi lô, đề".
 
Cụ là người gốc gác ở Hòa Bình nhưng làm dâu đất Hà Đông từ những năm 18 tuổi nên trong cách ăn nói của cụ vẫn toát lên vẻ nào đấy của "sư tử Hà Đông" (lời cụ tự thú nhận). Cụ N. kể, cụ đã có không dưới 50 năm buôn đủ các thứ từ rau củ, tôm cá đến hàng khô tại chợ Hà Đông. Chồng lại vốn là nhân viên của ngành tài chính, vật giá Hà Đông cộng với tài buôn bán của cụ nên gia đình với ba mặt con này không quá khó khăn trong những năm bao cấp, đói kém.
 
Cái "máu" cờ bạc của cụ bắt đầu từ những lúc buôn bán ế ẩm, nghỉ chợ chị em thường túm tụm lại làm vài ván tổ tôm, chắn. "Lúc đầu tôi cũng không chơi nhưng rồi thấy chúng nó chơi, nó rủ mà đánh thắng cũng được vài đồng nên mình cũng bắt đầu học chơi rồi ham lúc nào không hay", cụ N kể. 

Quán nước ở Hà Nội vừa là nơi "buôn" chuyện kiêm ghi lô đề
được rất nhiều cụ già lui tới.
Nhưng cái thời đánh tổ tôm, chắn nhanh chóng qua đi. Nghỉ bán hàng ở chợ, cùng với sự phát triển của xã hội, cụ bị cuốn theo những con lô, số đề từ những năm 90. Lúc đầu cụ cũng chỉ đánh vài nghìn lẻ cho vui, rồi càng đánh càng thấy ham, bao nhiêu tiền lương hàng tháng của người chồng đã khuất mà cụ được hưởng, tiền con cháu biếu hàng tháng, tiền cho thuê mấy gian nhà trọ của cậu con trai, cụ nướng hết vào những con đề, điểm lô.
 
Năm 2010, sau cái lễ thượng thọ tuổi 80, cụ nằng nặc bắt con dâu mua cho cái điện thoại di động với lý do để liên lạc với con cháu cho dễ.  "Cụ nói là liên lạc nhưng thực chất ra là cụ nhờ mấy đứa cháu gửi tin nhắn hàng ngày để cập nhật kết quả lô, đề cho nhanh hơn mà thôi", chị Th (con dâu cụ) kể. 

Hầu như ở Hà Nội, quầy xổ số nào cũng thêm dịch vụ ghi lô, đề.
Vừa kết thúc cuộc gọi với cô chủ ghi đề ngay đầu ngõ, cụ N đã nhẩm tính, nguyên từ đầu tháng 7 gần cuối tháng, cụ đã "nướng" ngót nghét 8 triệu đồng vào những con đề, điểm lô (hơn cả xuất lương của 1 người con cụ đang làm công chức nhà nước).
 
Cụ cũng kể, năm ngoái theo con đề "bạch thủ" đến gần 1 tuần không về, lần cuối tiền trong túi hết cụ lấy cả đôi bông tai mà các con mua cho để đánh nhưng "tiền thì mất mà về lại bị chúng nó mắng cho đến mấy ngày", cụ bảo.

Dù vậy, nhưng chỉ sau mấy ngày con cháu nguôi ngoai, cụ lại chơi tiếp. Khi được hỏi cụ cười móm mém bảo: "đánh thế này khó nói lắm nhưng chủ yếu là thua thôi chứ thắng chả được là bao đâu. Tôi cũng biết là thua đấy nhưng cũng chẳng bỏ được, cái cờ bạc này nó ăn vào máu rồi. Tôi cũng già lắm rồi chả sống được mấy nữa, có tiền cứ thì cứ cố chơi nhỡ vận may nó lại đến lúc cuối đời thì sao" ...

Một quán xổ số gần siêu thị sách Tiền Phong (Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội)
được nhiều cụ già chọn đề ghi lô, đề.
Dạo qua một vòng các quán nước, xổ số trá hình tại khu vực đường Nguyễn Trãi, Khương Đình, Kim Giang… vào mỗi buổi chiều, chúng tôi không quá khó để bắt gặp cảnh những cụ già tuổi đã ngoài thất thập, đầu tóc bạc phơ đang ngồi tra sổ, tính toán để ghi những điểm lô, số đề. Chủ quán trà đá kiêm lô đề tiết lộ, khách hàng của quán có tới gần phân nửa là các cụ già răng móm mém.
 
Còn theo ông T (năm nay gần 70 tuổi trú tại khu ngõ 20 Kim Giang, Thanh Xuân) thì, rất nhiều các cụ cùng sinh hoạt trong hội người cao tuổi với ông cũng thường xuyên chơi lô, đề. “Tôi từng bảo già rồi đừng nên chơi thì các cụ ấy bảo, chơi cho nó đỡ buồn, ở nhà mãi trong bốn bức tường bí lắm nên chơi cho nó khuây khỏa mà thắng được chút tiền may cũng thấy nó vui hơn cho cái tuổi già, có cụ lại bảo chơi thế cũng chẳng đáng là bao mà nó giúp cho đỡ nhớ bà vợ đã mất. Nói như vậy thì mình cũng đành chịu”, ông T tâm sự.
 
Chồng già một niêu, vợ già một nồi vì... lô, đề
 
Từ một người mẹ hiền lành, chịu thương chịu khó vì các con suốt một thời son trẻ, nhưng sau khi người chồng về với tổ tiên cách đây 3 năm, bà S (gần khu chợ Hà Đông, Hà Nội) bỗng đổi tính, đổi nết, mê những con lô, đề. Khi những người con gái phát hiện ra tật xấu của mẹ thì đôi hoa tai, dây chuyền gần 5 chỉ vàng cùng cuốn sổ tiết kiệm gần 40 triệu dành khi cụ "hai năm mươi" đã không đi theo những con số "ma quái".

Vào mỗi buổi chiều có khá nhiều các cụ cao tuổi tụ tập tại các quán nước
đối diện chợ Kim Giang để ghi lô, đề.
Tại một điểm ghi lô, đề ở khu vực Lĩnh Nam (Thanh Trì, Hà Nội), chúng tôi  được người chủ kể về câu chuyện hai vị khách từng rất đặc biệt của quán. Đó là cặp vợ chồng ông L và bà H, dù đều đã ngoài 70 tuổi nhưng tính tình ông bà rất hiền lành, yêu thương nhau, không bao giờ to tiếng, chỉ nguyên có việc đều có niềm ham thích với lô đề.
 
Hàng ngày ông ở nhà ngồi tính toán còn bà ngoài nhiệm vụ đón cháu có thêm việc đến để đánh những con số, số tiền đánh mà ông đưa ra. Thường số lần ông bà đánh trúng cũng phải lên đến 30 - 40%. Nên ông bà càng ham thích.
 
Thế nhưng trong một lần, ông đưa ra ba số bảo bà đi đánh nhưng không hiểu vì lý do gì hôm đó bà lại quên mất không báo ghi con số 55, con số mà ông tâm đắc nhất, dành tận 200.000 đồng vừa được cô con gái biếu để đánh. Thật không may, tối đó kết quả báo đúng con số 55, cứ ngỡ mình trúng lớn, ông tất tả ra báo với chủ đề nhưng tìm đi tìm lại trong sổ thì không có, hỏi đến tích - kê thì ông ngớ người khi biết bà quên không đánh.
 
"Cũng chả hiểu do tiếc vì tuột mất số tiền trúng lớn, tiếc công hay do gì đó mà tiếng càu nhàu của ông dần tăng lên, bà ngồi nghe không chịu được cũng nói lại. Lời qua, tiếng lại suốt một ngày, rồi mặc cho con cháu can ngăn, đến giờ ông ăn một niêu, bà ăn một nồi, đúng là chỉ vì mỗi cái con đề quỷ quái mà hai ông bà từng là điểm sáng hòa thuận của cả làng bỗng trở thành như vậy", một người hàng xóm của ông, bà ngậm ngùi bảo.