Một thông tin đáng mừng về nền kinh tế Việt Nam cho thấy, quy mô nền kinh tế đạt 176 tỷ USD (khoảng 3,7 triệu tỷ đồng), thu nhập bình quân theo đầu người đã đạt gần 2.000 USD (khoảng 42 triệu đồng), cụ thể là 1.960 USD/năm (khoảng 41,4 triệu đồng).
Con số trên là thành quả của Việt Nam đã nỗ lực đổi mới và cải cách suốt gần 30 năm, thoát khỏi cái vị trí nước nghèo, trở thành nước có thu nhập trung bình.
Nếu như năm 1992, thu nhập của người dân bình quân mới chỉ 140 USD/năm (khoảng 2,9 triệu đồng) thì nay, đã gấp 14 lần, trong vòng 21 năm. Chỉ trong 3 năm qua, thu nhập của người dân đã tăng tới 84%. Còn nếu so với năm ngoái, thu nhập người dân đã tăng 27%.
Tuy nhiên, một câu hỏi đặt ra là, tốc độ tăng thu nhập đó thực sự thuộc về phần đông trong 90 triệu dân hay không?
Nhân theo tỷ giá hiện nay, mức thu nhập bình quân trên tương ứng 41,4 triệu đồng/năm, mỗi tháng 3,4 triệu đồng/tháng.
Mức thu nhập bình quân theo đầu người cả nước đã gấp hơn 3 lần so với mức lương tối thiểu vừa áp dụng kể từ 1/7 vừa qua, gấp khoảng 2,4 lần thu nhập của người nông dân (1,4 triệu đồng theo Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn tổ chức tháng 10 ) nhưng cũng chỉ mới bằng 38% mức thu nhập khởi điểm đóng thuế thu nhập cá nhân.
Trong khi đó, trên các kênh truyền thông, không dễ để nhận ra người Việt Nam ở đâu đó vẫn rất rất giàu, dù kinh tế khó khăn. Các tỷ phú ngày càng lộ diện, với những cái tên doanh nhân hay giới siêu giàu như chúa đảo Tuần Châu Hồng Tuyển, bầu Đức của Hoàng Anh Gia Lai, Dũng lò vôi. Các thú chơi xa xỉ nhất thế giới cũng có sự góp mặt của người Việt như Cường đô la mê đắm siêu xe, Lê Ân mua giường 6 tỷ cho dân ngắm….
Việt Nam có 195 người siêu giàu, sở hữu tới 20 tỷ USD (khoảng 420 nghìn tỷ đồng) – theo Công ty tư vấn Wealth-X (Singapore) và Ngân hàng UBS (Thụy Sĩ). Khối tài sản này của số ít này đã chiếm tới 11,4% GDP cả nước. Việt Nam xếp thứ hai về mức tăng số lượng người siêu giàu trong một năm qua là 14,7%.
Theo các chuyên gia kinh tế, gần 2.000 USD/năm (khoảng 42 triệu đồng) là được tính theo cách lấy GDP cả năm chia cho hơn 90 triệu dân. Thế nhưng, trong GDP đó, đã bao gồm phần lớn đóng góp của khối các DN FDI.
Tổng thu nhập quốc dân GNI mới là con số phản ánh chân thực kinh tế Việt Nam mà theo công bố mới đây của Ngân hàng thế giới, đang có sự chênh lệch rất lớn giữa 2 con số GDP và GNI này. Năm 2012, chênh lệch là 7,5 tỷ USD (khoảng 157,5 nghìn tỷ đồng), tăng 16 lần so với năm 2003.
Thu nhập mới ngưỡng trung bình, nhưng ở Việt Nam, người dân lại phải tiêu dùng cho những thứ hàng hóa đắt nhất thế giới.
Ví dụ như sữa. Hồi năm 2009, giá sữa Việt Nam đã được cho là đứng hàng cao nhất thế giới, ngang với Mỹ và Canada. 3 năm sau, giá sữa tăng tới 30 lần. Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương công bố vào tháng 7/2012 cho biết, giá sữa Việt Nam cao hơn 23% so với Philippines,14% so với Malaysia, 45% so với Indonesia, đắt hơn 33% so với Thái Lan.
Ví dụ như ô tô ở Việt Nam. Với việc cõng 5 loại thuế và 9 loại phí, Tổng giám đốc Porsche Việt Nam cho biết, người Việt Nam phải mua xe đắt gấp 2-3, thậm chí 4 lần so với thế giới, dù mức thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam chỉ bằng 1/50 của Mỹ. Việt Nam là một trong những nước có giá xe bán ra đắt đỏ nhất thế giới.
Kế đến là giá nhà đất ở Việt Nam cũng thuộc hàng cao nhất thế giới. Các chuyên gia bất động sản cho hay, giá nhà đất Việt Nam tăng 100 lần trong vòng 20 năm. Trung bình, giá nhà cao hơn 25 lần so với thu nhập bình quân hàng năm của người lao động, lớn hơn gấp 5 lần so với các nước phát triển và gấp 10 lần so với nước chậm phát triển.
Thu nhập gần 2.000 USD (42 triệu đồng) chỉ mua nổi 4m2 căn hộ diện nhà ở xã hội và 1m2 căn chung cư hạng trung.
Loại nhiên liệu thiết yếu nhất của đời sống là xăng, vốn thường được cơ quan quản lý nói thấp hơn các nước láng giềng, nhưng thông tin của hiệp hội xăng dầu Việt Nam lại cho biết, trung bình tháng 11 vừa qua, giá xăng Việt Nam xếp thứ thứ 41, cao hơn ở Philippines, Indonesia, Ấn Độ, Malaysia, Canada Mỹ (0,86 USD/lít), ngang ngửa giá xăng Thái Lan, Brazin.
Ngay cả sản phẩm thời thường như Iphone 5s, mới đây, cũng bị tổ chức Mobile Unlocked xếp đắt thứ hai trên thế giới, chỉ sau Ấn Độ.
Lại nhớ, chỉ cách đây không lâu, Ngân hàng Thế giới đã cho biết, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam tụt hậu tới 51 năm so với Indonesia, 95 năm so với Thái Lan và 158 năm so với Singapore.
Thu nhập trung bình của người Việt Nam vẫn còn khoảng cách rất xa so với các nước trong ASEAN và Trung Quốc. Dự báo rằng, khá lâu nữa Việt Nam mới đuổi kịp Trung Quốc và các nền kinh tế ASEAN, theo nghiên cứu cấp Nhà nước về mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2011-2020 do ĐH Kinh tế Quốc dân thực hiện, theo yêu cầu của Ủy ban kinh tế, hồi tháng 8 mới đây.