Bài viết này dựa theo kết quả tìm tòi của bạn Trần Đặng Đăng Khoa (29 tuổi, quê Tiền Giang). Các con đường ngắn nhất Sài Gòn chỉ tính trên những đường có tên cụ thể và có một thời gian tồn tại tương đối đủ dài, không tính đến những còn đường Số 1, Số 2, đường mới mở ở các đô thị và khu dân cư mới nên thông tin chưa thể chính xác hoàn toàn.
Gần 10 năm sinh sống ở Sài Gòn, Khoa luôn tự hỏi rằng con đường ngắn nhất là ở đâu, đặc biệt là sau khi đọc bài viết "Những con phố ngắn nhất Hà Nội". Cả một thời gian dài tìm kiếm tài liệu trên mạng, trên sách, mò tìm trên google maps, tính cự li, lộ trình, lên kế hoạch chụp ảnh... thì mãi nửa năm sau mới tạm hoàn tất, tạm thời cho ra kết quả 10 con đường ngắn trên dưới 100m tại TP HCM theo sự kiểm chứng cá nhân.
Con đường ngắn nhất Sài Gòn mang tên Đỗ Văn Sửu (quận 5) chỉ dài khoảng 45m. Đường nằm ngay bên chân cầu Chà Và, giao với đường Lương Nhữ Học. Nếu không nhìn kĩ bảng tên đường, nhiều người chỉ nghĩ đây là con hẻm cụt, khi đi vài bước chân là dụng chân cầu.
Gần hết không gian của con đường là chung cư cũ Đỗ Văn Sửu. Chung cư với tuổi đời khoảng 50 năm đã nhuốm màu thời gian càng cho thấy sự lâu đời của đường này.
Đường Đinh Lễ (quận 4) chỉ dài 56m, giới hạn bởi đường Lê Quốc Hưng - Lê Thạch. Toàn bộ con đường này là không gian của chợ Xóm Chiếu. Ngôi chợ còn là một trong những điểm ăn uống nổi tiếng của Sài Gòn.
Không chỉ ngắn mà con đường Đinh Lễ còn có sự độc đáo là chỉ có một số nhà duy nhất, chính là số 1, là trụ sở của Ban quản lý chợ Xóm Chiếu.
Ở vị trí thứ 3 là con đường Phú Định (quận 5), dài khoảng 65m, bị giới hạn bởi đường Nguyễn Án và đường Lương Nhữ Học. Nổi bật là đền Phú Nghĩa Hội quán, thờ Trần Thương Xuyên - người có công đưa người Hoa định cư ở miền Nam từ năm 1679.
Con đường này thuộc khu vực sinh sống của cộng đồng người Hoa tại TP.HCM cũng như là một phần của Chợ Lớn ngày xưa.
Những chiếc đèn lồng, mái nhà xưa cũ khiến nhiều người dễ dàng liên tưởng đến phố cổ Hội An khi đi vào con đường Phú Định. Được biết, đường này trước năm 1975 có tên là Bến Phú Định.
Có lẽ không nhiều người dân Sài Gòn biết đến sự tồn tại của con đường Trần Doãn Khanh (quận 1). Đường dài khoảng 70m, tựa như hẻm nhỏ với không gian rất yên tĩnh. Con đường nhỏ này ẩn mình giữa hai con đường cũng tương đối vắng vẻ không kém là đường Nguyễn Văn Thủ và Nguyễn Thành Ý. Hai bên đường rợp bóng những loài cây leo, xen kẽ là một vài căn nhà với kiến trúc xưa còn xót lại.
Đường Nguyễn Thiệp (quận 1) dài 90m có lẽ là một trong những con đường ngắn và lâu đời nhất Sài Gòn, gắn liền với quá trình phát triển của thành phố từ khi người Pháp vào. Vào thời Pháp có tên là đường Carabelli. Sau này chính quyền Sài Gòn đổi tên Nguyễn Thiệp. Sau năm 1975 đường vẫn giữ tên cũ, hiện nay đường giới hạn bởi đường Đồng Khởi phố đi bộ Nguyễn Huệ.
Chỉ dài chưa đầy 100m, con đường này hiện này là khu vực chuyên bán các mặt hàng lưu niệm, cà phê, quán ăn, đổi ngoại tệ.... cho khách du lịch. Trên đường này trước năm 1975 có nhiều tiệm bánh tây, quán cà phê và cửa hàng tơ lụa nổi tiếng.
Một trong những quán cà phê nổi tiếng Sài Thành hồi ấy là quán Brodard nằm ở góc đường Nguyễn Thiệp - Đồng Khởi. Brodard trước kia có phòng cà phê trên lầu ấm cúng và một quầy bar bên dưới, một thời là trung tâm báo chí của Sài Gòn. Ở đó, những tên tuổi hàng đầu thế giới về báo chí đều từng có thời gian la cà, chờ đợi với những thông tin nóng bỏng nhất của chiến tranh Việt Nam. Ngoài cà phê thì quán Brodard còn bán rất nhiều loại bánh ngọt kiểu Âu Châu nức tiếng. Quán Brodard chỉ tồn tại ở vị trí cũ đến năm 2012. Hiện nay, quán này chỉ là một cơ sở nhỏ ở đường Nguyễn Thiệp.
Dài nhỉnh hơn đường Nguyễn Thiệp một chút là đường Hưng Long (Quận 10), dài 92m. Đường bị giới hạn bởi đường Nguyễn Chí Thanh và Đào Duy Từ, ngay đối diện với nhà máy bia Sài Gòn. Không ai rõ con đường này có từ khi nào.
Đường ngắn nên rất yên tĩnh. Nổi bật trên đường là vài quán cà phê trở thành nơi tụ hội của những người yêu chim. Nơi đây luôn rộn ràng tiếng chim hót mỗi ngày.
Hường Huyền Quang (quận 1), dài 94m. Con đường ngắn, hẹp nên dễ bị lầm tưởng là hẻm. Dù vậy, tuổi đời của con đường là cả trăm năm. Ngày xưa có tên gọi là đường Génibrel,rồi đổi tên là Huyền Quang từ năm 1955. Génibrel là tên một giáo sĩ người Pháp đã dịch Truyện Kiều của Nguyễn Du và Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu sang tiếng Pháp. Đường giới hạn bởi đường Thạch Thị Thanh và Nguyễn Phi Khanh. Trên đường, có vài nhà, mở các dịch vụ cà phê, trường mẫu giáo, in ấn...
Đường Nguyễn Hữu Thân (quận 5), dài 95m, dẫn ra ngay cổng chính chợ Bình Tây, khu chợ sầm uất của cộng đồng người Hoa. Phía sau đường là bến xe Chợ Lớn. Hai bên đường, người dân buôn bán nhộn nhịp.
Đường Phan Van Đạt (quận 1) dài 103m cũng là một trong những con đường lâu đời của Sài Gòn. Đường nằm ngay góc công trường Mê Linh và Mạc Thị Bưởi.
Tên đường được đặt theo tên Người sĩ phu yêu nước Phan Văn Đạt có số phận khá bi đát, mất khi tuổi đời chỉ vừa tròn 33 tuổi. Hai bên đường hiện nay chủ yếu là các tòa nhà cao ốc.
Đường Mã Lộ, phía sau lưng chợ Tân Định cũng hình thành từ lâu đời. Đường dài 105m, giới hạn bởi đường Bà Lê Chân - Nguyễn Hữu Cầu. Cái tên Mã Lộ có từ khi đường ra đời năm 1928. Đúng như cái tên, đường cho xe ngựa đi hoặc chỗ để đổ xe ngựa chuyên chở hàng hóa tạm dừng nghỉ ngơi lúc đang bốc dở hàng hóa. Sau đó, khi các loại xe động cơ được nhập về, hình ảnh những cỗ xe ngựa chở người chở khách dần lui vào dĩ vãng, nhưng cái tên Mã Lộ vẫn còn được sử dụng đến tận bây giờ.
Hiện nay, hầu hết hai bên đường là khu chợ, một phần của chợ Tân Định.Ngoài ra, ở Sài Gòn còn rất nhiều con đường có tên và rất ngắn như đường Hoa Thị dài 38m, Hoa Lài dài 43m, Hoa Trà dài 44m... Tuy nhiên các con đường trên chỉ vừa mới mở, không mang nhiều ý nghĩa lịch sử.