Nằm lọt thỏm giữa cánh đồng ở huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) là ngôi nhà dựng bằng tre, lợp ngói pro-xi-măng của vợ chồng ông Lê Viết Đức (81 tuổi) và bà Trương Thị Quy (57 tuổi). Nếu không phải người dân bản địa thì ít ai biết rằng trong lùm tre rậm rạp này lại có người ở.
Dù chỉ cách thành phố Vinh khoảng 3km nhưng 50 năm qua cuộc sống của vợ chồng ông Đức vẫn không thay đổi, mọi thứ dường như vẫn tách biệt với bên ngoài.
Ngôi nhà nằm trong lùm tre giữa cánh đồng.
Ngôi nhà của vợ chồng ông Đức chỉ cách Quốc lộ 1A (đường tránh TP. Vinh) chừng 100m, nhưng con đường duy nhất vào nhà là bờ ruộng lầy lội nên ai muốn đến chỉ còn cách lội bộ.
Đang cấy đám ruộng gần nhà, thấy người lạ đến nên bà Quy vội bỏ dở về hỏi han. Biết là những người đã từng đến thăm nên bà Quy rất vui mừng.
Bà Quy kể, gần 50 năm trước, ông Đức cùng chị gái ra bãi đất hoang giữa đồng dựng nhà ở để canh tác ruộng. Không lâu sau chị mất thì ông Đức ở một mình.
Ngôi nhà lụp xụp nhìn từ bên ngoài. Nhờ lùm tre che chắn nên ngôi nhà vẫn còn "vững" suốt 50 năm qua.
Hơn 20 năm trước, nhờ người mai mối nên ông Đức và bà Quy về sống chung vợ chồng.
Năm 1997, vợ chồng ông bà sinh được đứa con gái, đặt tên là Lê Thị Xuân Sinh. Cuộc sống vốn nghèo nên từ khi có con, vợ chồng bà càng thêm khốn khó.
Từ đó đến nay, trải qua hàng chục năm nhưng gia đình ông Đức vẫn sống trong cảnh heo hút, biệt lập ấy. Ngôi nhà lợp bằng tre nứa, không có điện.
Bên trong lỉnh kỉnh đồ không tên và đầy chuột, bọ.
Cả năm trời gần như không có ai ghé thăm ông bà, bởi đường quá khó đi.
3 năm trước, ông Đức trèo sửa nhà bị ngã gãy tay. Không có tiền đi viện, giờ đây tay ông bị tật, co quắp lại không làm được gì.
"Gần đây sức khoẻ ông ấy yếu hẳn, người phù, tay đau nên chỉ nằm một chỗ mà không sinh hoạt được gì. Thỉnh thoảng ông gắng mãi mới ngồi dậy được", bà Quy chia sẻ.
Quý giá nhất trong nhà ông bà là bàn thờ gia tiên.
Hàng ngày, bà Quy ngoài thời gian đi làm ruộng thì thỉnh thoảng vẫn sang ngôi đền cạnh đó lấy nước sạch về sinh hoạt và lấy nến về thắp vì không có điện.
Chị Xuân Sinh - con gái ông bà xin được việc phụ bán quần áo ở TP. Vinh nên sáng sớm đi làm và tối về. Có lúc, trời tối không về được nhà thì Sinh vào trong làng ngủ nhờ nhà người thân.
Nói đến ngày Tết, bà Quy thở dài ngao ngán. Bởi hàng chục năm qua gần như gia đình bà chưa có cái Tết nào đúng nghĩa và trọn vẹn.
Không có giếng nên bà Quy phải múc nước ở đoạn ruộng ngập vào tắm rửa, sinh hoạt.
Sống giữa lùm tre cộng với nhà nghèo nên bà Quy muốn sắm Tết cũng chẳng có tiền. Bà bảo, Tết cũng chẳng có ai ghé chơi. Vậy nên gia đình bà coi Tết cũng như ngày thường.
Bà Quy tiết lộ, với gia đình bà thì ngày Tết chỉ khác ngày thường là làm mâm xôi, con gà để cúng đêm Giao thừa.
Ông Đức đau yếu ngồi 1 chỗ trên giường.
"Nhà nuôi được mấy con gà mà không dám ăn để Tết làm thịt cúng đêm Giao thừa. Ngày thường đói thế nào chứ Tết là vẫn phải có để thắp hương", bà Quy tâm sự.
Sang năm mới, bà Quy chỉ mong ước hai vợ chồng có sức khoẻ. Khi hỏi gia đình có muốn sang nơi khác đông dân cư ở không, bà Quy ái ngại rồi từ chối với lý do chồng không muốn và sống ở đây cũng đã quá quen với cảnh nghèo.
Bàn tay bà Quy đã nhuốm sự khắc khổ của thời gian. Bà mong lúc nào đó sẽ được đón cái Tết đúng nghĩa, đủ đầy.
Mọi sự quan tâm, giúp đỡ cho những người có hoàn cảnh khó khăn xin gửi về Quỹ Tấm lòng Thiện, Báo điện tử Trí Thức Trẻ.
Tài khoản: 1912.832.546.5015
Báo Điện tử Trí Thức Trẻ - Techcombank Hai Bà Trưng - Hà Nội
Địa chỉ: Tầng 21 Toà nhà Center Building, Hapulico. Số 1 Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân, Hà Nội.
Tòa soạn sẽ là nhịp cầu nối Tấm lòng thiện của độc giả tới những hoàn cảnh khó khăn.