1. Hiểu lý do khiến các con lười vận động
Trẻ em ngày nay phải đối mặt với lịch học dày đặc và sự hấp dẫn của điện thoại, máy tính bảng. Bên cạnh đó, cha mẹ đi làm suốt ngày, việc kết nối bạn bè ngoài giờ học rất khó khăn.
Nhiều gia đình ở thành phố có diện tích nhà nhỏ, không có địa điểm cho vui chơi. Những điều đó khiến trẻ dễ có thói quen lười hoạt động.
2. Lên lịch hoạt động
Ngay từ khi con còn bé, cha mẹ cần khuyến khích con tham gia các hoạt động thể chất nhẹ nhàng và đặt con vào lịch trình hàng ngày như một thói quen. Ví dụ, cha mẹ và con cái sẽ cùng chơi trò gì đó sau khi đi làm, đi học về khoảng 30 phút.
Ở nhà có thể tạo góc phi tiêu, ném bóng hay xà đơn để luyện cơ, sự chính xác, sự kiên trì. Hay trước khi đi ngủ, cha mẹ và con cùng tập các động tác thư giãn trên giường 20 phút.
Cuối tuần là thời gian phù hợp cho những hoạt động như đi xe đạp, đi bộ hoặc tổ chức trò chơi thể thao tại công viên… Cách này giúp trẻ nhận ra vận động không phải là điều ép buộc mà là một phần thiết yếu trong cuộc sống.
3. Khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động ngoại khoá
Các câu lạc bộ thể thao hoặc lớp học nghệ thuật là môi trường lành mạnh giúp trẻ có thêm bạn bè, học hỏi kỹ năng mới và vận động.
Cha mẹ có thể tìm hiểu xem con thích loại hình vận động nào và đăng ký cho con tham gia một lớp phù hợp như bơi, học võ, trượt patin, chơi nhạc cụ, leo núi trong nhà, nhảy, múa...
Khi vận động trong một tập thể, trẻ thường cảm thấy vui hơn và dễ duy trì thói quen vì cần luyện tập tại nhà.
4. Nói với con về lợi ích của vận động
Trẻ thường thích biết lý do cho mọi thứ. Cha mẹ có thể giải thích cho con về lợi ích của vận động đối với sức khỏe, như tăng cường thể lực, giúp ngủ ngon, tập trung hơn, được chơi với cha mẹ, có thể tham gia các cuộc thi để tăng cường thành tích...
Đôi khi, việc biết rõ về lợi ích sẽ giúp trẻ có động lực hơn trong việc tham gia các hoạt động thể chất.
5. Không gây áp lực cho trẻ
Đôi khi, áp lực quá lớn từ cha mẹ có thể khiến trẻ chống lại việc vận động. Hãy bắt đầu bằng những mục tiêu nhỏ và động viên con khi đạt được từng bước. Lời khen ngợi và sự khích lệ sẽ giúp trẻ cảm thấy tự tin và hứng thú hơn trong quá trình thay đổi thói quen.
Việc giúp trẻ hình thành thói quen vận động không chỉ có ý nghĩa về thể chất mà còn giúp trẻ có tinh thần thoải mái và khả năng tập trung tốt hơn. Cha mẹ cần kiên nhẫn và linh hoạt trong cách hướng dẫn con, tạo ra môi trường khuyến khích vận động thay vì ép buộc.
Chính sự đồng hành và thấu hiểu của cha mẹ là động lực để con có thể thích và hứng thú với việc vận động hằng ngày như cơm ăn, nước uống, giúp trẻ phát triển toàn diện và hạnh phúc.