Đang cách ly tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 sau khi hoàn thành chuyến bay, tiếp viên trưởng Phạm Xuân Trường kể với PV Tiền Phong, khi máy bay đáp xuống sân bay Bata của Guinea Xích đạo, trời đổ mưa rả rích. Một sân bay nhỏ, hạ tầng đơn sơ. Phía xa, trong 1 nhà để máy bay, lao động Việt Nam đứng cả dậy vẫy tay chào.
“Thấy máy bay là thấy hy vọng, giúp họ xua đi mệt mỏi, những triệu chứng của căn bệnh COVID-19 như sốt, ho, khó thở đang siết lấy họ trong những ngày qua”, anh Trường nói. Nơi người lao động Việt Nam tập trung chờ chuyến bay không ghế ngồi, không quạt, không nước uống.
Theo kế hoạch, máy bay chỉ đỗ lại sân bay nước bạn khoảng 3 giờ để tiếp nhiên liệu và đón khách. Tuy nhiên, do hạn chế về phục vụ mặt đất của nước bạn, nên máy bay phải đỗ lại tới 6 giờ để tiếp nhiên liệu.
Lao động Việt Nam lên máy bay tại sân bay Bata. Ảnh người lao động cung cấp
Theo Phạm Xuân Trường, khi trời nhá nhem tối, mưa mỗi lúc một nặng hạt, lúc này việc tiếp nhiên liệu mới xong và khách được mời lên máy bay. Từng tốp 5 người giãn cách, vừa đi vừa chạy dưới cơn mưa tầm tã. Lên tới máy bay, họ đã ướt sũng. Nhưng điều đó với họ không hề gì, vì được nhanh về nước là quan trọng nhất, nên trên ánh mắt mỗi người đều thể hiện sự vui mừng. Tất cả hành khách cùng hợp tác để việc chuẩn bị, hướng dẫn diễn ra nhanh nhất cho máy bay cất cánh. Đúng 19h30 ngày 28/7 (giờ địa phương), máy bay cất cánh rời Guinea Xích đạo hướng về Hà Nội.
Là 1 trong 2 tiếp viên xung phong phục vụ tại khoang 129 hành khách dương tính với SARS-CoV-2, tiếp viên Trương Anh Tú kể, nhiệm vụ của anh là hướng dẫn các bệnh nhân lên và xuống máy bay; hướng dẫn họ cách gọi hỗ trợ khi gặp vấn đề sức khỏe. Phục vụ khoang này là đối mặt nguy hiểm, do nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao nhất. Khi máy bay cất cánh rời sân bay Bata được khoảng 1 tiếng, các tín hiệu nhờ hỗ trợ y tế từ khoang bệnh nhân liên tục phát lên.
Đầu tiên 1 bệnh nhân, rồi 2, 3 người báo sốt cao. Lúc cao điểm trên chuyến bay có đến 10 người sốt cao, sau khi tiếp nhận thông tin, được các bác sĩ và y tá trên máy bay hướng dẫn xử lý. Vừa trợ giúp xong người bị sốt, Tú lại phải hỗ trợ 1 trường hợp đau ngực khó thở, 2 trường hợp tiêu chảy, mất nước… Tiếp viên phục vụ ở khoang hành khách bị bệnh và y tá hỏi thăm từng trường hợp, sau đó thông báo cho bác sĩ ở khoang phía trên xin chỉ dẫn xử lý.
Khi hành khách đã được hỗ trợ, tất cả trở nên ổn định, mỗi 30 phút hoặc 1 tiếng, các bác sĩ lại dùng hệ thống liên lạc và loa trên máy bay để hỏi thăm hành khách, động viên họ cùng vượt qua khó khăn.
“Xúc động nhất là khi bác sĩ tư vấn và chia sẻ với hành khách bị tức ngực, khó thở để động viên, cổ vũ tinh thần. Những lời tư vấn được phát trên tất cả loa của máy bay để mọi người cùng nghe. Đó là khi máy bay còn khoảng 3 giờ bay nữa sẽ hạ cánh. Bác sĩ nói với anh, bệnh nhân cố gắng giữ nhịp thở, uống thuốc theo đúng chỉ dẫn, vì sắp tới nhà rồi”, anh Tú nhớ lại. May mắn nhất là các hành khách đều không phải sử dụng tới biện pháp y tế đặc biệt để hỗ trợ, cáng và máy thở trên máy bay chưa phải dùng tới.
Mặc bỉm để không sử dụng nhà vệ sinh
Đây là chuyến bay bay tới châu Phi đầu tiên trong đời của Cơ phó A350 Ngô Trung Đức. Trong suốt hành trình, việc liên lạc, chỉ dẫn từ mặt đất không phải lúc nào cũng thông suốt, vì bay qua nhiều khu vực, nhiều quốc gia, nên phi công cũng vất vả và căng thẳng hơn các chuyến bay khác.
Theo anh Đức, việc tiếp cận hạ cánh tại sân bay Bata không quá khó, nhưng hạ tầng phục vụ mặt đất lại rất yếu. Cả sân bay chỉ có 1 xe tiếp nhiên liệu loại 16 tấn, nên phải mất 5 lần tiếp (mỗi lần 1 tiếng 15 phút) mới đủ nhiên liệu cho máy bay về. Vì thế, chuyến bay bị chậm 3 tiếng so với kế hoạch. Khi nhận khách lên máy bay, vì không có xe đưa đón khách, nên từng tốp 5 lao động phải chạy bộ khoảng 300m từ vị trí tập trung ra máy bay dưới cơn mưa nặng hạt. Khi lên máy bay, ai cũng ướt sũng.
Về ăn uống và cả chuyện không ai muốn kể là đi vệ sinh, suốt hành trình bay, tiếp viên Trương Anh Tú kể, ở chiều bay đi máy bay vẫn sạch bệnh, nên mọi người sinh hoạt thoải mái. Khi máy bay chuẩn bị hạ cánh xuống sân bay Bata, tất cả phi hành đoàn tranh thủ xử lý toàn bộ nhu cầu cá nhân, như ăn, uống, vệ sinh “nặng, nhẹ”. Sau đó, mọi người mặc bỉm để không sử dụng nhà vệ sinh, mặc 2 bộ đồ bảo hộ y tế, riêng tiếp viên và y tá phục vụ khoang chở khách nhiễm COVID-19 họ phải mặc 3 bộ lên người. Khi khách đã yên vị, tất cả phi hành đoàn cởi bỏ 1 bộ đồ bảo hộ ngoài.
Ngày 29/7 lao động Việt Nam rời máy bay lên xe về Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. Ảnh: Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài
“Ở chiều bay về, thành viên phi hành đoàn chủ yếu uống sữa, ăn bánh giàu protein. Trước khi ăn, uống, lần lượt từng người vào phòng áp lực dương, rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn, bỏ khẩu trang, mỗi người chỉ được xử lý mọi việc 1-2 phút để nhường chỗ cho người khác vào. Nếu không quá đói hoặc khát, việc ăn uống cũng rất hạn chế, cố nhịn về nhà ăn sau”, anh Tú nói.
Nói về cảm xúc lúc này, tất cả thành viên phi hành đoàn của chuyến bay đặc biệt đều vui, nhẹ nhõm, khi mọi người đã về nước an toàn, những người nhiễm bệnh đều có chuyển biến tốt. Cùng với đó, 219 gia đình các lao động đã có thể ngủ ngon, bớt âu lo. Có nhiều người khi máy bay hạ cánh đã đồng thanh thốt lên “về nhà rồi”.
Khi bước chân ra cầu thang, họ gọi điện ngay về nhà thông báo đã đến nơi an toàn, khoẻ mạnh.
“Nếu nói tôi không lo, không sợ khi tham gia chuyến bay này cũng không đúng. Nhưng tôi đã xác định từ trước khi đi, đây là nhiệm vụ và là trách nhiệm với đồng bào mình. Cũng rất cảm ơn tất cả hành khách, khi đã hợp tác tốt suốt chặng đường để chuyến bay thành công”, Trương Anh Tú nói thêm.
Còn tiếp viên Phạm Xuân Trường chia sẻ:
“Giờ đây, tất cả chúng ta đều đã về tới tổ quốc mình an toàn, dù người có bệnh hay không, tất cả đều ổn. Đó là điều quan trọng nhất, hạnh phúc nhất. Hy vọng những bệnh nhân sẽ sớm chiến thắng virus, không có thêm người nhiễm bệnh, để tất cả cùng sớm được về trong vòng tay gia đình”.
Ngay khi nhận được chỉ đạo của Chính phủ về việc sớm đưa toàn bộ lao động Việt Nam tại Guinea Xích đạo về nước, Vietnam Airlines, Bộ Ngoại giao, Y tế, Giao thông Vận tải đã bắt tay ngay vào công việc chuẩn bị. Chuyến bay được xác định đặc biệt phức tạp, vì có hơn 100 người đã nhiễm COVID-19, chặng bay kéo dài hơn 13 giờ. Do đó, đây là chuyến bay chuẩn bị lâu nhất, với thời gian gần 1 tháng.
Đại diện Vietnam Airlines cho biết, sau khi có hướng dẫn từ Bộ Y tế về biện pháp phòng chống dịch, các trang thiết bị mang theo, đội ngũ kỹ thuật của hãng đã bắt tay vào "thiết kế lại máy bay"; để vừa đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch, cấp cứu khi cần thiết, vừa đảm bảo an toàn bay. Đó là nghiên cứu để lắp thêm máy lọc không khí, lắp buồng áp lực dương, chia các khoang, lắp cáng… Trong 1 tháng chuẩn bị, rất nhiều phương án bay được đưa ra theo điều kiện của sân bay nước bạn. Rất may, tới sát ngày bay, sân bay Bata đã đảm bảo được nguồn cung nhiên liệu, xe cứu hoả cho máy bay A350 để thực hiện bay thẳng, thay vì phải bay nhiều chặng. Cùng với đó, nhân sự được lựa chọn kỹ càng, tất cả đều là người có nhiều kinh nghiệm, chuẩn bị sẵn phụ tùng thay thế, để đảm bảo máy bay không phải hạ cánh khẩn cấp dọc đường.