Dọn nhà đón Tết là thói quen của biết bao người Việt, vừa giúp ngôi nhà sạch sẽ, vừa mang nhiều ý nghĩa quan trọng. Nhiều chị em kĩ tính mỗi năm phải dành ra đến 1 - 2 ngày làm sạch hết các ngõ ngách trong nhà, nhưng đôi khi lại chủ quan, bỏ qua những món đồ nhỏ nhặt mà lẽ ra cũng cần được đổi mới ngay lập tức.
1. Khăn mặt - 3 tháng/lần
Món này nhanh bẩn thế nào chắc chắn nhiều người biết nhưng lại “ngó lơ”. Vì những chiếc khăn mặt thường xuyên dính nước ẩm ướt nên sẽ nhanh chóng biến thành môi trường lý tưởng để vi khuẩn sinh sôi dù có chăm giặt đến mấy. Thường thì lũ vi khuẩn này là vô hại, nhưng chị em nào dễ lên mụn hay đang bị xước da trên mặt thì nên cẩn thận.
Tốt nhất, cứ mỗi 3 tháng thì nên thay khăn mặt cho cả nhà. Các loại khăn tắm ít dùng hơn thì có thể lâu hơn, nhưng đừng dùng quá 6 tháng nhé.
2. Thảm chùi chân - 6 tháng/lần
Cũng như khăn mặt, thảm chùi chân sẽ sớm biến thành ổ vi khuẩn chỉ sau một thời gian ngắn sử dụng, nhất là thảm phòng tắm. Hơi ẩm cùng các chất bẩn sẽ tích tụ lại, bám ngược lên chân hoặc bay vào không khí làm ảnh hưởng tới sức khỏe cả nhà.
Theo gợi ý, chị em nên thay thảm chùi chân mỗi 6 tháng và khoảng 2 - 4 tuần thì giặt sạch một lần. Riêng thảm phòng tắm, chị em có thể cân nhắc dùng các loại thảm đá thấm hút tốt, bề mặt luôn khô ráo nên không tích tụ vi khuẩn nữa.
3. Ruột gối - 1 năm/lần
Không ít chị em thường chỉ thay vỏ gối thường xuyên nhưng lại bỏ qua phần ruột vì nghĩ mình không tiếp xúc trực tiếp với nó. Sự thật thì đây chính là nơi trú ngụ hoàn hảo cho chất bẩn, mạt bụi, mốc và vi khuẩn, lâu ngày sẽ phát tán ra không khí, dính lên chăn ga vỏ gối, lên mặt các thành viên trong gia đình.
Lời khuyên cho chị em là chỉ nên dùng 1 ruột gối khoảng 6 tháng - 1 năm rồi thay mới, đồng thời thường xuyên giặt giũ hoặc làm sạch bằng các loại máy hút bụi, diệt khuẩn cho giường đệm.
4. Miếng mút rửa bát - 1 tháng/lần
Cũng thường xuyên ẩm ướt và tiếp xúc với chất bẩn, miếng mút rửa bát thực sự cần thay thế chỉ trong 1 tháng sử dụng. Thử nghiệm hồi năm 2017 của các chuyên gia người Đức cho thấy, một miếng mút rửa bát có chứa tới hơn 300 loại vi khuẩn khác nhau, số lượng lên tới 45 tỉ con trên 1 cm2. Đặc biệt, dù đã làm sạch, diệt khuẩn hoàn toàn bằng hóa chất thì chỉ cần 2 ngày sau, số lượng vi khuẩn sẽ quay về mốc cũ.
Ngoài lựa chọn thay thế mút rửa bát 1 tháng/lần, chị em có thể nghiêm túc đầu tư các loại máy rửa bát vốn dùng nước nóng và hóa chất tẩy rửa để làm sạch, hạn chế tối đa tình trạng vi khuẩn xâm nhập ngược lên bát đũa, đồ dùng bếp.
5. Thớt - 1 - 2 năm/lần
Các loại thớt, nhất là thớt gỗ với bề mặt nhiều vết lõm, khe nứt chính là nơi trú ngụ của chất bẩn từ thực phẩm sống. Vi khuẩn cũng từ đó mà “ăn tiệc buffet” rồi sinh sôi nảy nở, gây lây nhiễm chéo giữa đồ tươi và đồ chín… Nhẹ thì gây đau bụng, nặng thì có thể ngộ độc hoặc rối loạn tiêu hóa.
Nếu thấy chiếc thớt gỗ đã quá cũ, xuất hiện nhiều vết sứt mẻ trên bề mặt vì dao cứa lên thì đã đến lúc phải thay rồi chị em ạ. Ngoài ra có thể tham khảo các loại thớt với bề mặt kháng khuẩn tự nhiên để dùng được lâu hơn.