Vừa nhung nhớ bâng khuâng, vừa rộn ràng háo hức. Đó là đêm giao thừa tại cố đô Ubub đảo Bali (Indonesia).
Giáp tết, chúng tôi bay từ Kuala Lumper sang Denpasar, trước khi đi, mấy người bạn ở Malaysia đã dự báo, sẽ không có hội hè tết nhất gì trên đảo Bali đâu, vì người theo đạo Hồi, đạo Hindu không ăn Tết Nguyên đán như các nước Trung Quốc, Việt Nam hay một bộ phận dân cư ở Malaysia.
Hỏi thăm người lái taxi từ sân bay về Ubud xem quanh vùng có khu cư dân nào đón tết âm lịch không để đến chơi chung, đáng tiếc, câu trả lời nhận được lại không. Chuẩn bị tinh thần chỉ có chúng ta chờ đợi giao thừa theo giờ Việt Nam trên đảo Bali thôi.
29 Tết. Sau mấy ngày ổn định nơi ở và khám phá sơ bộ Ubub, chúng tôi có nhiều thời gian hơn để quyết định xem mình sẽ “ăn tết” thế nào để không nhớ nhà, nhớ gia đình. Cà phê Lotus, một địa điểm được nhiều khách du lịch đến Ubud đều ưa thích được đưa vào kế hoạch.
Đây là một quán cà phê nằm bên cạnh một ngôi đền thờ với khuôn viên và cảnh quan vô cùng thơ mộng và xinh đẹp. Ngay trước cửa ngôi đền là một khoảng sân thường được sử dụng làm sân khấu để biểu diễn các chương trình nghệ thuật truyền thống của Bali như múa Barong.
Ở đây vào mỗi buổi chiều xuống, khách thư thái nhấp một ngụm trà hay một ly cà phê Indonesia, ngắm sen nở trong hồ hay quan sát một người đàn ông trong chiếc váy sarong truyền thống cầm lửa thắp đèn dầu trên cây cầu dẫn vào ngôi đền.
Trên sân khấu, đoàn ca nhạc (thường được lập theo làng và các gia đình trong làng nhà ai cũng có người góp sức trong chương trình) sẽ sửa soạn nhạc cụ, trang trí sân khấu, sắp xếp ghế ngồi cho buổi biểu diễn tối.
Đám trẻ con ngồi nghịch gần đó, không để ý đến du khách đang say sưa chụp hình.
Khung cảnh bình yên và có phần huyền hoặc, từng chi tiết nhỏ ở cà phê Lotus nói riêng và Ubub hay Bali nói chung vừa cầu kỳ vừa mộc mạc, vừa lộng lẫy vừa dễ thương.
Tôi ngồi dưới một cây nêu mỏng manh, bên cạnh là những hình trang trí tết bằng lá dừa tuyệt đẹp, tết bằng tay, khéo léo và tỉ mẩn đến kinh ngạc. Chiều như tan chảy trong từng khoảnh khắc thời gian.
30 Tết. Chúng tôi vẫn chưa đủ thời gian để tìm hiểu xem có thể đi chợ ở đâu để mua gà, mua thịt lợn gói giò, mua gạo nếp và lá dong gói bánh. Khi ngồi chơi ở hàng hiên của homestay, một người làm công cho nhà nghỉ vừa ăn trưa vừa nói chuyện với chúng tôi bằng vốn tiếng Anh ít ỏi.
Tôi hỏi anh nơi ít nhất có thể mua một con gà sống để đón giao thừa theo kiểu ở Việt Nam, vì sau khi dạo chợ và siêu thị mới phát hiện ra gà đều bị pha thành nhiều phần khác nhau đem bán chứ không để nguyên con bao giờ.
“Một con gà sống, chạy được”, bạn tôi vừa khua tay vừa chạy chạy thể hiện hình dạng một con gà sống động. Người đàn ông hiểu ra và khuyên chúng tôi nên tới một ngôi làng, ở đó có chợ gà, nhưng chỉ họp vào sáng sớm!
Hôm nay đã 30 Tết, làm sao có thể kịp sáng sớm mà mua gà bây giờ. Chúng tôi quyết định thuyết phục người đàn ông về làng của mình và mua giùm chúng tôi một con gà của hàng xóm. Khi ông nhận lời và hẹn sẽ mang gà cho chúng tôi vào 3g chiều, khỏi nói chúng tôi đã hân hoan cỡ nào.
Chúng tôi buộc con gà ở ngoài sân, dưới chân một bức tượng vui vẻ thường được cài hoa lên tai vào mỗi buổi sáng bởi bà vợ chủ nhà. Người dân ở Bali có thói quen nấu ăn vào buổi sáng và để chạn ăn cả ngày. Nên khi chúng tôi hỏi sử dụng bếp, ông chủ nhà có vẻ hơi ngạc nhiên và thậm chí ngỡ ngàng khi đến gần nửa đêm, lại thấy chúng tôi hì hục “nấu cháo”.
Sớm 30 tôi đã kịp đi chợ và siêu thị, mua được gạo nếp và đỗ xanh, mua được ít hoa tươi, chuẩn bị một mâm ngũ quả bằng các sản vật tìm được. Mọi người bày biện lên chiếc bàn gỗ đặt dưới mái hiên rồi cùng nhau đi... thịt gà.
Dưới bàn tay thành thạo của bạn tôi, một chú gà “nguyên vẹn kiểu Việt Nam” đã được đặt lên đĩa, cài bông hoa giấy xinh xinh lên miệng, một đĩa xôi đỗ nấu kiểu cơm nếp và một đĩa xào. Vậy là có một bữa tất niên tươm tất cho cả nhóm.
Đêm 30 Tết. Ubub đã bắt đầu đi vào giấc ngủ. Những quán bar muộn cũng dần vắng khách, tiếng nhạc dặt dìu, đường phố im lìm trong bóng tối. Chúng tôi ngồi quây quần bên nhau bên ấm trà nóng, ngoài kia cánh đồng lúa rì rào, những tán lá dừa cọ vào nhau rì rào, nghe thầm thì như người nói chuyện.
Bật máy tính lên, bắt Internet và tìm kênh VTV3 quen thuộc. Cũng như mọi 30 Tết ở Việt Nam, chúng tôi đã tìm “Táo quân” và vừa chuẩn bị tết, vừa xem chương trình được chờ đợi nhất trong năm này.
Đón Tết ở Ubud tuy không nhiều công việc lặt vặt như ở nhà, nhưng cũng không dễ dàng vì lạ nước, lạ cái, nhiều thứ mình muốn tìm lại không có, hoặc mình không biết, chưa biết chỗ để mua.
Cái tết đầu tiên xa nhà, có chút bâng khuâng. Nhớ bố mẹ, nhớ không khí ấm áp bên nồi bánh chưng, nhớ mùi hương trầm nhẹ lan trong vườn nhà. Ở đây, không được ra phố hái lộc hay hòa vào dòng người du xuân, lên chùa cầu may.
Tự nhiên chúng tôi ngồi sát lại, câu chuyện bớt rôm rả. Năm mới đã đến rồi, năm mới ở Việt Nam...