Đông chí là ngày ngắn nhất trong năm, mang theo nhiều bí ẩn tự nhiên và truyền thuyết văn hóa. Dân gian thường nói "Đông chí một ngày nắng, khỏi cần hỏi thần tiên" hay "Nhất sợ Đông chí trời quang". Vậy Đông chí ngày 21/12 năm nay nếu trời quang mây tạnh, đặc biệt có nắng thì đó là điềm báo gì?

Tiết Đông chí là gì?

Trước hết, hãy cùng tìm hiểu về tiết Đông chí. Đông chí là tiết khí thứ 22 trong 24 tiết khí, thường rơi vào ngày 21 hoặc 22 tháng 12 hàng năm. Vào ngày này, ban ngày ở Bắc bán cầu ngắn nhất, ban đêm dài nhất, bức xạ mặt trời yếu nhất, báo hiệu giai đoạn lạnh nhất trong năm sắp đến, mang ý nghĩa thiên văn rõ ràng. Trong văn hóa truyền thống, Đông chí được coi là thời khắc chuyển giao Âm Dương, tượng trưng cho "Âm cực, Dương sinh", cái lạnh bắt đầu giảm dần và sự ấm áp đang đến gần. Tuy nhiên, thời tiết trong ngày Đông chí lại được người xưa gán cho nhiều ý nghĩa biểu tượng.

Còn câu "Đông chí một ngày nắng, khỏi cần hỏi thần tiên" hay "Nhất sợ Đông chí trời quang" là cách người xưa dự đoán thời tiết năm sau dựa vào việc quan sát thời tiết ngày Đông chí. Người xưa thường dùng cách này để chiêm đoán tốt xấu và đều cho rằng nếu trời nắng vào ngày Đông chí thì năm sau có thể sẽ không được như ý. 

Điều này chủ yếu là do trời nắng vào Đông chí thường đồng nghĩa với việc thời tiết những ngày tiếp theo sẽ ấm hơn, không có lợi cho sự sinh trưởng của cây trồng, đặc biệt là lúa mì và các loại cây trồng mùa đông khác. Tình trạng thời tiết như vậy đối với người xưa sống trong xã hội nông nghiệp rõ ràng là một điều không mong muốn.

Tại sao người xưa lại nói: "Đông chí một ngày nắng, khỏi cần hỏi thần tiên" và lời thì thầm của thời tiết về mùa màng năm tới - Ảnh 1.

Ngày Đông chí trời nắng dự báo điều gì?

Câu "Đông chí một ngày nắng, khỏi cần hỏi thần tiên" hay "Nhất sợ Đông chí trời quang" ẩn chứa sự quan sát tinh tế và dự đoán mộc mạc của người xưa về sự thay đổi thời tiết trong tiết Đông chí. Theo quan niệm của người xưa, nếu trời quang đãng vào ngày Đông chí thì thời tiết cũng ấm hơn. Tuy nhiên, sự ấm áp này không phải là điều tốt, vì nó có thể báo hiệu hạn hán và sâu bệnh gia tăng vào mùa xuân năm sau.

Xét về góc độ sản xuất nông nghiệp, tình hình thời tiết trong tiết Đông chí có ảnh hưởng quan trọng đến năng suất cây trồng năm sau. Dân gian có câu "Đông chí trời quang, năm sau mưa nhiều; Đông chí mưa, tháng Giêng trời quang". Điều này có nghĩa là nếu trời quang vào ngày Đông chí thì lượng mưa vào mùa xuân năm sau có thể tương đối nhiều. 

Tuy nhiên điều này cũng có thể dẫn đến độ ẩm của đất quá cao, không thuận lợi cho sự sinh trưởng của cây trồng. Ngược lại, nếu Đông chí có mưa thì tháng Giêng trời quang đãng, thuận lợi cho việc gieo trồng mùa xuân. Ngoài ra, câu tục ngữ "Đông chí tuyết rơi, Hạ chí nước dâng đầy sông" cũng thể hiện ảnh hưởng tích cực của việc tuyết rơi vào Đông chí (ở Trung Quốc) hay mưa rét, lạnh sâu (ở Việt Nam) đến lượng nước sông ngòi năm sau, báo hiệu nguồn nước tưới tiêu dồi dào cho cây trồng.

Tuy nhiên, thời tiết quang đãng vào Đông chí cũng có thể mang đến một mối nguy hiểm khác, đó là sự gia tăng của sâu bệnh. Trong môi trường ấm áp và ẩm ướt, tốc độ sinh sản của sâu bệnh sẽ tăng nhanh, làm tăng nguy cơ cây trồng bị sâu bệnh hại vào mùa xuân năm sau. Vì vậy, đối với người nông dân, thời tiết quang đãng vào Đông chí chắc chắn là một tín hiệu đáng lo ngại.

Ngoài ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, thời tiết quang đãng vào Đông chí cũng có thể tác động đến cuộc sống hàng ngày của con người. Ở khu vực phía Bắc, đặc biệt như Trung Quốc, nếu thời tiết quang đãng vào Đông chí, lượng tuyết rơi trong cả mùa đông có thể giảm, dẫn đến không khí khô hanh và nhiệt độ dao động lớn. Điều kiện thời tiết này không chỉ bất lợi cho sức khỏe con người mà còn có thể gây ra một số khó khăn cho giao thông đường bộ và việc cung cấp nhiệt.

Tại sao người xưa lại nói: "Đông chí một ngày nắng, khỏi cần hỏi thần tiên" và lời thì thầm của thời tiết về mùa màng năm tới - Ảnh 2.

Đông chí trong cuộc sống hiện đại

Vậy thời tiết quang đãng vào Đông chí có thực sự đáng sợ như người xưa nói không? Thực ra không hẳn là như vậy. Với sự phát triển của khí tượng học hiện đại, con người đã có nhận thức khoa học hơn về biến đổi khí hậu trong tiết Đông chí. Mặc dù trí tuệ và kinh nghiệm chứa đựng trong các câu tục ngữ truyền thống vẫn có giá trị tham khảo nhưng công nghệ dự báo thời tiết hiện đại có thể cung cấp thông tin chính xác hơn về những thay đổi thời tiết trong thời gian tới. 

Vì vậy, bên cạnh việc tận hưởng niềm vui và sự ấm áp mà ngày lễ truyền thống Đông chí mang lại, chúng ta cũng nên chú ý đến dự báo thời tiết do cơ quan khí tượng thủy văn đưa ra để sắp xếp hợp lý công việc sản xuất và cuộc sống.

Bên cạnh việc theo dõi dự báo thời tiết, nhiều nước phương Đông cũng có thể chào đón Đông chí bằng một số phong tục truyền thống. Những phong tục tập quán và tín ngưỡng này không chỉ thể hiện sự kính sợ và tôn thờ của người xưa đối với các thế lực tự nhiên mà còn gửi gắm khát vọng và theo đuổi cuộc sống tốt đẹp của họ.

Ở Trung Quốc, với người miền Bắc, người ta có tục lệ ăn bánh bao, sủi cảo vào ngày Đông chí, với ý nghĩa đoàn viên và xua tan giá lạnh. Còn ở miền Nam, người ta lại thích ăn bánh trôi, tượng trưng cho sự hòa thuận và may mắn. Những phong tục này không chỉ thể hiện mong ước và kỳ vọng về một cuộc sống tốt đẹp mà còn cho thấy vị trí quan trọng của tiết Đông chí trong văn hóa truyền thống.

Ngoài ra, một số nơi còn tổ chức các hoạt động cúng bái tổ tiên vào ngày Đông chí để bày tỏ lòng thành kính và tưởng nhớ đến tổ tiên. Ngoài ăn sủi cảo và cúng bái tổ tiên, Đông chí còn có nhiều phong tục tập quán và tín ngưỡng khác. Ví dụ, ở một số nơi, người ta sẽ động thổ, cầu phúc, an giường, dựng chuồng ngựa vào ngày Đông chí để cầu mong bình an và may mắn cho năm sau. Mặc dù những phong tục tập quán và tín ngưỡng này khác nhau nhưng đều thể hiện sự coi trọng và kính sợ của người xưa đối với tiết khí quan trọng này.

Hơn nữa, Đông chí năm nay còn có một số điểm đặc biệt. Đầu tiên, đó là một "Đông chí muộn". Trong tháng 11 Âm lịch, nếu Đông chí đến sớm, ví dụ như vào đầu tháng, thì gọi là "Đông chí sớm"; đến muộn, ví dụ như vào cuối tháng, thì gọi là "Đông chí muộn". Đông chí năm nay rơi đúng vào ngày 21 tháng 11 Âm lịch, đúng là một "Đông chí muộn" đích thực. Sự trùng hợp này được coi là một điềm lành trong dân gian, người xưa cho rằng, những năm như vậy thường báo hiệu một năm mùa màng bội thu và may mắn.

Đi kèm với "Đông chí muộn" có thể là thời tiết lạnh giá kéo dài hơn. Bởi vì Đông chí muộn thường có nghĩa là mùa đông đến muộn, nhưng nhiệt độ sẽ giảm mạnh, mọi người phải mặc áo ấm dày để chống chọi với cái lạnh. Đặc biệt là trong những ngày rét đậm rét hại, càng phải mặc áo dày mới có thể chống chọi được. Tình trạng thời tiết như vậy sẽ mang đến những thách thức nhất định cho cuộc sống và sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên, dù Đông chí có thể mang đến cái lạnh và sự bất tiện, nhưng người ta vẫn luôn tràn đầy sự kính trọng và mong đợi đối với tiết khí này. Bởi vì Đông chí không chỉ là dấu mốc của khí hậu mà còn là đỉnh cao của các hoạt động dân gian, đặc biệt là các nước Trung Quốc, Hàn Quốc. Cứ mỗi độ Đông chí về, nhà nhà lại sum họp, quây quần bên bếp lửa, tận hưởng tình thân và hơi ấm đặc trưng của tiết khí này. Bầu không khí ấm áp và nét văn hóa đậm đà này đã biến Đông chí thành cầu nối giữa quá khứ và tương lai, nhắc nhở chúng ta trong xã hội hiện đại đang phát triển nhanh chóng này, đừng quên sự an ủi về tinh thần và chỗ dựa tâm linh mà văn hóa truyền thống mang lại.

Tại sao người xưa lại nói: "Đông chí một ngày nắng, khỏi cần hỏi thần tiên" và lời thì thầm của thời tiết về mùa màng năm tới - Ảnh 3.

Nhìn lại dòng chảy lịch sử, tiết khí Đông chí đã đồng hành cùng văn hóa phương Đông hàng nghìn năm. Trong suốt những năm tháng dài đằng đẵng đó, Đông chí không chỉ chứng kiến biết bao buồn vui, hỉ nộ ái ố của con người mà còn mang trong mình bề dày văn hóa dân gian và đời sống xã hội. 

Trong xã hội hiện đại, mặc dù chúng ta đã có những phương tiện khoa học kỹ thuật tiên tiến để dự báo thời tiết và giải thích các hiện tượng tự nhiên, nhưng những câu nói và phong tục truyền thống vẫn còn ảnh hưởng rộng rãi ở nhiều nơi. Chúng giống như “mật mã tự nhiên” do người xưa để lại, nhắc nhở chúng ta sống hài hòa với thiên nhiên, quan tâm đến ảnh hưởng của sự thay đổi thời tiết đối với cuộc sống và sản xuất. Đồng thời, những câu nói và phong tục này cũng mang đậm tình cảm gia đình và hy vọng về một cuộc sống tốt đẹp, giúp chúng ta tìm thấy sự bình yên và ấm áp giữa cuộc sống hiện đại bận rộn.