Sáng 10/9 (giờ Hà Nội), hãng tin tức Sky News dẫn nguồn tin từ Bộ Nội vụ Maroc cho hay số người thiệt mạng trong trận động đất kinh hoàng xảy ra tối 8/9 (giờ địa phương) đã tăng từ 1.305 lên 2.012. Số người bị thương cũng tăng lên đến 2.059. Trong đó, 1.404 người đang trong tình trạng nguy kịch.

Động đất ở Maroc: Chạy đua với thời gian tìm người sống sót, cảnh hiện trường đổ nát hoang tàn - Ảnh 1.

Một người dân di chuyển qua đống đổ nát ở Marrakesh, Maroc vào ngày 9/9.

Các chuyên gia cảnh báo số người chết có thể còn tăng khi lực lượng cứu hộ tiếp tục tìm kiếm bên dưới các đống đổ nát và tiếp cận những khu vực xa xôi.

Chạy đua với thời gian

Giám đốc một tổ chức nhân đạo toàn cầu cảnh báo rằng 24 đến 48 giờ tới là “rất quan trọng” để cứu sống nhiều người ở Maroc. Ít nhất 1.200 người đã thiệt mạng và hơn 1.800 người bị thương gần thành phố lịch sử Marrakesh. Một số khu vực bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là vùng sâu vùng xa và miền núi, khiến việc tiếp cận khó khăn.

Động đất ở Maroc: Chạy đua với thời gian tìm người sống sót, cảnh hiện trường đổ nát hoang tàn - Ảnh 2.

Người dân đau buồn trước sự ra đi của các nạn nhân động đất ở Moulay Brahim, Maroc, ngày 9/9.

Caroline Holt, giám đốc điều hành toàn cầu của Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) cho biết: "Chúng tôi biết điều gì sẽ xảy ra. Cần có phương án xử lý nhanh chóng đối với thi thể các nạn nhân. Cần phải cung cấp nguồn nước an toàn cho người sống sót. Chúng ta cần đảm bảo không có thảm họa trong thảm họa. Vấn đề đảm bảo vệ sinh thực sự cần được duy trì. 24 đến 48 giờ tới sẽ rất quan trọng trong việc cứu sống mọi người”.

IFRC đang đánh giá tình hình và sẵn sàng triển khai các đội ứng phó khẩn cấp.

Tiến sĩ Hossam Elsharkawi, giám đốc khu vực Trung Đông và Bắc Phi của IFRC cảnh báo công tác khắc phục hậu quả của trận động đất lịch sử này có thể kéo dài nhiều tháng hoặc nhiều năm.

Động đất ở Maroc: Chạy đua với thời gian tìm người sống sót, cảnh hiện trường đổ nát hoang tàn - Ảnh 3.

Một tòa nhà bị hư hại ở Maroc vào ngày 9/9.

Ông nói: “Sẽ không phải là một hoặc hai tuần. Như cả thế giới đã chứng kiến với trận động đất lớn ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria hồi đầu năm nay. Một lần nữa tôi muốn nhấn mạnh là chúng tôi đang xem xét phương án khắc phục trong nhiều tháng, nếu không muốn nói là nhiều năm”.

Cư dân của một ngôi làng ở Maroc đã bắt đầu chôn cất người chết khi tình trạng hỗn loạn do trận động đất gây ra vẫn tiếp diễn. Tang lễ được tổ chức tại làng Douar Tagadirte Tidili, cách thành phố Ouarzazate khoảng 85 km.

Động đất ở Maroc: Chạy đua với thời gian tìm người sống sót, cảnh hiện trường đổ nát hoang tàn - Ảnh 4.

Nhân viên cứu hộ tìm kiếm trong đống đổ nát ở Amizmiz, Maroc, ngày 9/9.

"Tôi cảm thấy đau lòng"

Khi các nỗ lực cứu hộ tiếp tục, ngày càng có nhiều bức ảnh được chụp từ các khu vực trong và ngoài thành phố lịch sử Marrakesh.

Tại làng Tansghart, một số ngôi nhà bị phá hủy và các tòa nhà bị hư hại. Abdellatif Ait Bella, người bị thương trong trận động đất, nằm bơ phờ trên mặt đất. Anh và vợ Saida Bodchich chuẩn bị trải qua đêm thứ 2 phải ngủ ngoài trời.

Động đất ở Maroc: Chạy đua với thời gian tìm người sống sót, cảnh hiện trường đổ nát hoang tàn - Ảnh 5.

Anh Abdellatif Ait Bella bị thương trong trận động đất.

Cụ ông Hamid Idsalah, hướng dẫn viên leo núi 72 tuổi, cho biết ông và nhiều người khác vẫn còn sống nhưng tương lai phía trước trở nên mờ mịt. Ngôi nhà của ông bị hư hỏng nặng, căn bếp tan thành tro bụi. Về lâu dài, ông và nhiều người khác cũng không có đủ khả năng tài chính để gây dựng lại.

“Tôi không thể xây dựng lại ngôi nhà của mình. Tôi không biết mình sẽ làm gì. Tuy nhiên, tôi vẫn còn sống nên tôi sẽ hy vọng”, ông Hamid nói. “Tôi cảm thấy đau lòng”.

Động đất ở Maroc: Chạy đua với thời gian tìm người sống sót, cảnh hiện trường đổ nát hoang tàn - Ảnh 6.

Một người phụ nữ đứng trước ngôi nhà bị trận động đất phá hủy ở Marrakesh, Maroc vào ngày 9/9.

Ở thành phố lịch sử, người dân tụ tập trên đường phố, không dám quay lại bên trong những tòa nhà bị hư hỏng. Nhà thờ Hồi giáo Koutoubia nổi tiếng của thành phố, được xây dựng vào thế kỷ 12, đã bị hư hại nhưng mức độ chưa rõ ràng ngay lập tức.

Tòa tháp cao 69 mét cũng bị tàn phá. Người dân Maroc cũng đăng tải các đoạn video cho thấy một phần bức tường đỏ nổi tiếng bao quanh thành phố cổ, một Di sản Thế giới được UNESCO công nhận, bị động đất tàn phá.

Tại Ijjoukak, một ngôi làng ở khu vực xung quanh Toubkal, đỉnh núi cao nhất vùng Bắc Phi, người dân ước tính gần 200 tòa nhà đã bị san bằng. Đệm ghế, dây điện, đồ đạc... nằm rải rác trong đống đổ nát khổng lồ cùng với những con cừu chết, cây trồng trong nhà. Một cư dân địa phương tên Mohamed Messi, 34 tuổi, nói: “Cảm giác như một quả bom phát nổ".

Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ cho biết trận động đất có cường độ ban đầu là 6,8 độ richter khi xảy ra lúc 23h11' (giờ địa phương), với rung lắc kéo dài vài giây. Một dư chấn mạnh 4,9 độ richter xảy ra 19 phút sau đó. Sự va chạm của các mảng kiến tạo châu Phi và Á-Âu xảy ra ở độ sâu tương đối nông khiến trận động đất trở nên nguy hiểm hơn.

Theo các chuyên gia địa chất, động đất hiếm khi xảy ra ở Bắc Phi. Ông Lahcen Mhanni, Trưởng phòng Giám sát và Cảnh báo địa chấn tại Viện Vật lý Địa cầu Quốc gia, nói với 2M TV rằng trận động đất này là trận động đất mạnh nhất từng được ghi nhận trong khu vực.

Nguồn: AP, Sky News, CNN