Nhưng gần đây, con đã được chẩn đoán mắc chứng rối loạn trầm cảm nặng. Tôi đưa con đến gặp chuyên gia, hiện tại con đang được điều trị bằng cách uống thuốc và gặp bác sĩ trị liệu thường xuyên.
Con được hỗ trợ từ gia đình, trường học và các chuyên gia y tế, nhưng con vẫn không cảm thấy mình đang được giúp đỡ. Có hôm con không chịu đi học. Vì con đã nghỉ học quá nhiều nên tôi đành phải nói dối: “Con đã hết ngày nghỉ ở trường rồi. Nếu tiếp tục nghỉ, con sẽ không thể tham dự các kỳ thi”.
Tôi không ý thức được lời nói dối đó tác động tốt hay không tốt đến con, vì hiện tại tâm lý con vô cùng bất ổn. Cuối cùng, chính tôi cũng phải trò chuyện với bác sĩ trị liệu. Ông ấy giải thích rằng, khi một đứa trẻ đang chống chọi với chứng rối loạn trầm cảm, nó sẽ gây căng thẳng và khó chịu cho không chỉ người trải qua nó mà còn cả các thành viên trong gia đình.
“Tôi có thể tưởng tượng điều này khó khăn như thế nào đối với chị. Thật tuyệt khi chị đã đưa con gái mình đi điều trị, đây là một bước quan trọng trong việc đối phó với chứng trầm cảm” – ông nói.
Sau buổi trò chuyện với bác sĩ, tôi hiểu những người bị trầm cảm có một loạt các triệu chứng liên quan bao gồm tâm trạng buồn bã, thiếu năng lượng, kém tập trung và ít động lực. Vì vậy, không có gì lạ khi trẻ em bị trầm cảm và không muốn đến trường.
Bác sĩ cũng cảnh báo việc không chịu đến trường có thể góp phần làm cho chứng trầm cảm của con tôi ngày càng nghiêm trọng hơn. Ông khuyên tôi nên thuyết phục con đi học. Một phần công việc trong quá trình điều trị là tìm hiểu về những điều giúp chống lại chứng trầm cảm và xây dựng một cuộc đối thoại trung thực giữa tôi và con gái để tôi không phải nói dối để thuyết phục con đến trường.
Bác sĩ hướng dẫn tôi rất tỉ mỉ: “Để giúp chống lại chứng trầm cảm, hãy cố gắng khuyến khích con gái của chị tích cực tham gia hoạt động ngoài trời. Cô bé không nhất thiết phải hoạt động thể chất, nhưng bất cứ điều gì khơi dậy tâm trí hoặc hứng thú của cô bé đều là điều tốt. Chẳng hạn, chị có thể tham gia cùng con trong một cuộc thảo luận hoặc một trò chơi.
Mục tiêu của chúng ta là ngăn những đứa trẻ bị trầm cảm nằm trên giường và không làm bất cứ điều gì hoặc nhìn chằm chằm vào màn hình trong nhiều giờ. Đây được gọi là kích hoạt hành vi và thực sự là một trong những phần điều trị trầm cảm. Vì vậy, chị hãy nhắc nhở con gái rằng duy trì hoạt động là một cách để chiến đấu với chứng trầm cảm và chị đang hỗ trợ con bằng mọi cách có thể.
Nếu con gái chị đang phải vật lộn với nỗi lo lắng mà không được giải quyết trong việc điều trị, đó có thể là một trong những lý do khiến con không khỏi bệnh. Trong trường hợp này, chị có thể muốn thực hiện một cuộc đánh giá để xem liệu con có đang phải vật lộn với lo lắng hay không.
Chị biết không, liệu pháp hành vi nhận thức là phương pháp điều trị được giới chuyên gia chúng tôi khuyến nghị dựa trên bằng chứng cho thanh thiếu niên mắc cả trầm cảm và lo lắng, vì vậy, hy vọng con gái chị đang tham gia vào liệu pháp này”.
Lời khuyên của bác sĩ trị liệu giúp tôi yên tâm phần nào. Ít nhất thì tôi đã tìm ra hướng đi cho hành trình của mình và con gái. Tôi hiểu, trầm cảm là căn bệnh không dễ can thiệp, thế nên, ngoài sự kiên nhẫn, tôi cần có niềm tin và sự hỗ trợ tinh thần cực lớn từ gia đình và những ai đồng cảm với căn bệnh này.