Đồng Nai ghi nhận hơn 2.200 ca mắc và 2 ca tử vong do sốt xuất huyết - Ảnh 1.

Bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất.

Số ca sốt xuất huyết tăng nhanh

Chỉ qua 1 thời gian ngắn, từ đầu tháng 4, Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất ghi nhận 200 bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết. Theo BSCKI. Bùi Thị Nhung, Khoa Bệnh Nhiệt đới, đây là con số tương đối lớn khi mùa mưa mới chỉ bắt đầu.

Khoa thu dung điều trị bệnh nhân từ những xã phường của TP. Biên Hòa và những ca bệnh từ tuyến dưới chuyển lên. Hầu hết những bệnh nhân nhập viện đều có dấu hiệu cảnh báo như chảy máu răng, máu mũi, mệt nhiều, đa số bệnh nhân nhập viện vào ngày thứ 4 của bệnh.

Điển hình như, bệnh nhân N.T.H (28 tuổi, trú tại xã Suối Trầu, huyện Trảng Bom) đã nhập viện điều trị được 4 ngày, hiện sức khỏe dần ổn định nhưng chỉ số bạch cầu vẫn còn cao nên bệnh nhân phải ở lại bệnh viện theo dõi thêm.

"Trước khi nhập viện, tôi bị sốt liên tục 3 ngày, tự uống thuốc hạ sốt. Mặc dù có hạ, nhưng lại bị nôn ói, tiêu chảy, có chảy máu răng, máu mũi, người mệt mỏi chỉ muốn nằm, tôi đi bệnh viện khám thì được biết là sốt xuất huyết" - bệnh nhân H. chia sẻ.

Hay trường hợp bệnh nhân N.V.T (40 tuổi, trú tại TP. Biên Hòa) bị bệnh thận mạn đang thực hiện lọc máu chu kỳ tại Khoa Nội thận cũng phải nhập viện cấp cứu do sốc sốt xuất huyết Dengue 1.

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng huyết áp thấp, các chỉ số về máu thấp. Khoa Bệnh nhiệt đới xử trí như một ca sốc sốt xuất huyết, được thực hiện truyền máu, sau khi tạm ổn, bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy để tiếp tục theo dõi. Đây là ca bệnh nặng do bệnh nhân có bệnh nền.

Người dân cần chủ động phòng bệnh

BSCKI. Phan Văn Phúc, Trưởng Khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai cho biết: "Năm nay, dự báo là chu kỳ bùng phát dịch sốt xuất huyết trở lại. Ngoài ra, đây bệnh lưu hành địa phương, qua hệ thống giám sát còn cho thấy mật độ muỗi cao. Tại một số ổ dịch, còn phát hiện cùng lúc 2 chủng là DEN-1 và DEN-2. Điều này có nghĩa là sẽ ghi nhận nhiều ca bệnh nặng trong năm nay. Hiện, số ca bệnh ghi nhận đã bằng cùng kỳ năm 2021".

Theo báo cáo giám sát sốt xuất huyết của Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh tại huyện Tân Phú, từ trước tới nay, huyện Tân Phú là nơi ghi nhận ca mắc thấp nhất của tỉnh Đồng Nai, nhưng đến năm 2021, số ca mắc có dấu hiệu gia tăng và tăng mạnh. Địa phương đã có những hoạt động kịp thời để xử lý tuy nhiên còn hạn chế và chưa tương xứng với quy mô dịch. Dịch sốt xuất huyết tại đây gia tăng liên tục và chưa có dấu hiệu suy giảm.

Chỉ tính riêng tuần 18, huyện Tân Phú ghi nhận 334 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 10 ca nặng và 1 ca tử vong (xã Phú Điền). So với cùng kỳ năm 2021, số ca mắc sốt xuất huyết tăng 142%. Số ca mắc tập trung chủ yếu tại xã Phú Sơn (74 ca), xã Phú Trung (61 ca)… Riêng tại xã Phú Sơn, số ca mắc tăng từ tháng 4 và còn có dấu hiệu tăng và lan rộng toàn bộ 4/4 ấp.

Kết quả điều tra thực địa cho thấy: Các dụng cụ có lăng quăng chủ yếu là đồ phế thải, chậu cảnh xung quanh nhà. Khu vực hộ dân đều có vườn trồng cây lâu năm, có nhiều vật dụng chứa nước không được thu gom, xử lý.

Để phòng bệnh, ngành Y tế khuyến cáo: Mỗi người dân cần chủ động bảo vệ cho chính mình và người thân bằng cách diệt muỗi và hạn chế môi trường sinh sống của muỗi như đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Thực hiện thường xuyên các biện pháp diệt lăng quăng bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ như bát kê chân chạn, lọ hoa, khay nước của tủ lạnh hay điều hòa, máng thoát nước, máng gia súc/gia cầm, bể cây cảnh... Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày. Hạn chế treo trong nhà áo quần đã mặc.

"Không có muỗi và ấu trùng của muỗi thì không có sốt xuất huyết. Vì vậy, người dân cần thực hiện các biện pháp phòng chống và phối hợp với ngành Y tế trong các đợt phun hóa chất diệt muỗi. Khi phát hiện các dấu hiệu của bệnh sốt xuất huyết cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị" - bác sĩ Phúc nhấn mạnh.