Giờ phút đen tối nhất của đại dịch Covid-19

Những thành phố ở Đông Nam Á, một trong những khu vực phát triển nhanh nhất thế giới đang bị ảnh hưởng nặng nề do các lệnh phong tỏa và các biện pháp hạn chế đi lại được thực hiện tại nhiều nơi.

Tuần này, các biện pháp khẩn cấp đã được mở rộng ở Jakarta, các chuyến bay đến và rời Bangkok đều bị tạm dừng trong khi Kuala Lumpur bước vào tháng thứ hai thực hiện lệnh cấm ra đường và đóng cửa các cửa hàng trong một đợt phong tỏa nghiêm ngặt trên toàn quốc.

Đông Nam Á đang trải qua “giờ phút đen tối nhất” của đại dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Một gia đình cầu nguyện trước mộ người thân ở phía bắc Jakarta, Indonesia. Ảnh: Getty

Đường phố ở những thủ đô này và thậm chí nhiều thành phố nhỏ hơn đều trống trơn, một hình ảnh tương tự như những gì xảy ra ở Mỹ và châu Âu vào năm ngoái. Cùng với đó, hàng nghìn người ở Đông Nam Á đang chết vì Covid-19 mỗi ngày trong khi hệ thống y tế chật vật đối phó với số ca mắc không ngừng tăng cao.

Thậm chí ở Singapore, nơi một nửa dân số đã được tiêm vaccine đầy đủ, số ca mắc trong ngày đã tăng đến mức cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát, buộc chính phủ phải một lần nữa hạn chế tụ tập đông người và đóng cửa các nhà hàng.

"Đây là giờ phút đen tối nhất trong đại dịch Covid-19 ở Đông Nam Á", Richard Maude, giám đốc chính sách tại Hiệp hội nghiên cứu châu Á tại Australia nhận định.

"Các chính phủ trong khu vực đang nỗ lực đối phó với đỉnh điểm của sự gia tăng số ca mắc Covid-19 bằng những biện pháp như năm 2020 trước biến thể Delta. Người dân ở nhiều quốc gia đã mệt mỏi trong cuộc chiến dường như không thấy hồi kết này và tỷ lệ tiêm vaccine quá chậm chạp đang khiến virus tự do lây lan", ông Maude cho hay.

"Ở Indonesia, hệ thống bệnh viện không thể đối phó được với dịch bệnh. Ở Myanmar, nước này đang bị chia rẽ bởi cuộc chính biến vừa qua. Hàng nghìn người chết trong tuyệt vọng và cô đơn bởi họ không thể đến được bệnh viện hay thậm chí là tiếp cận với nguồn oxy. Đây là một tình huống vô cùng tồi tệ, đặc biệt là với người nghèo", ông Maude đánh giá.

Chuyên gia này cho rằng: "Với hàng chục triệu người bị phong tỏa và nhiều ngành công nghiệp giới hạn hoạt động, sự gia tăng số ca mắc trên khắp khu vực diễn ra ngay khi các nền kinh tế Đông Nam Á đang nỗ lực thoát khỏi cuộc suy thoái vào năm ngoái”.

“Con đường khôi phục sau đại dịch sẽ chậm hơn và khó khăn hơn, vết sẹo đói nghèo về dài hạn và sự bất bình đẳng sẽ ngày càng sâu sắc hơn", chuyên gia Maude nói.

Nỗ lực tìm kiếm lối thoát

Khắp Đông Nam Á, các chính phủ đang nỗ lực hết sức để tiêm vaccine cho người dân. Ở Indonesia, quân đội, cảnh sát và hàng nghìn nhân viên công vụ, bao gồm cả những người làm việc trong Cơ quan Tình báo Quốc gia đã được huy động. Nhiều người đã tới từng nhà để tiêm vaccine cho những người tuổi cao, sức yếu.

"Vaccine cho tất cả" đã trở thành một châm ngôn, Arya Sandhiyudha, giám đốc điều hành Sáng kiến Dân chủ Indonesia và là giám đốc cơ quan hợp tác thuộc Hội Chữ Thập đỏ Indonesia ở Jakarta cho hay.

"Số ca mắc cao cùng với việc nhiều người tử vong vì Covid-19 đã khiến người dân Indonesia nhận ra những điều quan trọng. Họ hiểu mối đe dọa từ Covid-19 là có thật và cách hiệu quả nhất để đối phó với nó là tuân thủ các giao thức y tế, các chính sách mà chính phủ đưa ra, bao gồm cả các lệnh hạn chế và trên hết là đi tiêm vaccine".

"Những người ủng hộ chính phủ, hay những người ủng hộ các đảng đối lập, các lãnh đạo cộng đồng và tất cả người dân Indonesia từ mọi tầng lớp cần hợp tác với nhau bởi Covid-19 không lựa chọn ai sẽ là nạn nhân của nó", ông Arya Sandhiyudha bình luận.

Dù vậy, tâm lý ngần ngại tiêm vaccine vẫn là một vấn đề. Hơn 1/3 những người tham gia khảo sát của Viện Khảo sát Indonesia trong cuộc nghiên cứu gần đây nói rằng họ không sẵn sàng tiêm vaccine bởi họ lo ngại về những tác dụng phụ của nó.

Mặc dù chính phủ Indonesia thừa nhận vaccine Sinovac không hiệu quả trong việc chống lại biến thể Delta so với các loại vaccine khác nhưng các tác dụng phụ không phải là vấn đề.

Quan chức thuộc Bộ Y tế phụ trách việc theo dõi các tác dụng phụ Hindra Irawan Satari đã nhiều lần khẳng định về sự an toàn của vaccine.

Ông Hindra Irawan Satari cho biết, nếu vaccine được sử dụng cho chương trình tiêm chủng toàn quốc, tính an toàn của nó đã được đánh giá cẩn thận. Ông cũng khẳng định, việc tiêm vaccine sẽ tiếp tục được giám sát và đánh giá hàng ngày.

"Hiện tại, tiêm vaccine vẫn tốt hơn là không tiêm và vaccine tốt nhất là loại vaccine đang có sẵn", chuyên gia này cho hay.

Số ca mắc Covid-19 ở Indonesia đã đạt mốc 1 triệu vào cuối tháng 1, chưa đầy 11 tháng sau ca mắc đầu tiên được ghi nhận. Tổng số ca đã vượt mốc 2 triệu sau 5 tháng vào cuối tháng 6 vừa qua và sẽ cán mốc 3 triệu ca vào cuối tuần này./.