Ở môi trường nào cũng vậy, chị em không thể chiều lòng tất cả mọi người cũng như làm tất cả mọi người yêu quý mình. Trong số rất nhiều người thích, cũng sẽ có đôi ba cá nhân cảm thấy không vừa mắt đối với chúng ta. Điều này càng đặc biệt đúng trong môi trường công sở - nơi mà sự đa dạng là “đặc sản” và những mâu thuẫn giữa người với người là câu chuyện xảy ra như cơm ngày 3 bữa.

Về phần mình, bơ đi mà tiếp tục tập trung vào công việc có lẽ là cách tốt nhất chị em nên làm khi bị đồng nghiệp ghét. Đừng cố làm hài lòng cũng như phấn đấu để khiến họ thích mình trở lại, bởi điều đó vốn không mấy khả thi vì định kiến của một người là thứ rất tốn thời gian để thay đổi. Tuy nhiên, chị em cũng nên chú ý một số đặc điểm để nhận biết được có phải đồng nghiệp đang không ưa mình hay không?

Đồng nghiệp có một trong những dấu hiệu này, chị em công sở nên đề phòng vì họ chẳng ưa gì mình đâu - Ảnh 1.

1. Chẳng buồn cười nói khi đối mặt

Một nụ cười nhẹ nhàng thay cho lời chào là cách dân văn phòng vẫn thường dành cho nhau để tăng tính tương tác, keo sơn, thắm thiết. Tuy nhiên, nếu một người đồng nghiệp cứ mãi lướt ngang chị em mà chẳng buồn cười “sương sương” để chào hỏi thì chắc hẳn đã có vấn đề. Nếu việc này chỉ xảy ra một hai lần thì chắc họ quá bận rộn hoặc đang có chuyện không vui. Mặc khác, nếu chuyện này diễn ra quá nhiều lần thì nhiều khả năng người đồng nghiệp ấy chẳng ưa chị em chút nào.

Đồng nghiệp có một trong những dấu hiệu này, chị em công sở nên đề phòng vì họ chẳng ưa gì mình đâu - Ảnh 2.

2. Chẳng muốn nhìn thẳng mặt

Theo như các chuyên gia ngôn ngữ hình thể, việc nhìn vào mắt đối phương trong giao tiếp là dấu hiệu thể hiện sự tin tưởng và tôn trọng. Nếu đồng nghiệp cứ mãi dán mắt vào màn hình máy vi tính hoặc điện thoại thay vì nhìn thẳng vào mắt chúng ta thì nhiều khả năng họ muốn truyền đi thông điệp “còn có nhiều việc quan trọng tôi cần làm hơn là phí thời gian nói chuyện với bạn”. Và khi đã không muốn làm việc với nhau thì nhiều khả năng chị em đã và đang là cái gai trong mắt họ.

Đồng nghiệp có một trong những dấu hiệu này, chị em công sở nên đề phòng vì họ chẳng ưa gì mình đâu - Ảnh 3.

3. Đồn thổi, thêu dệt câu chuyện

Hóng hớt, “bò lê đôi mách” vốn là đặc sản của dân văn phòng. Tuy nhiên, tại sao không phải là một ai khác mà luôn là chúng ta. Chị em cần cân nhắc khi một người đồng nghiệp nào đó luôn cố gắng “dìm hàng” mình bằng những câu chuyện vô căn cứ và không rõ tính xác thực. Đó là hành vi khá trẻ con và chúng ta cũng chẳng cần phải quá để tâm.

4. Chẳng buồn nói chuyện xã giao

Nói những câu chuyện bâng quơ không đầu không cuối là một việc khá dễ dàng mà bất kỳ ai cũng có thể làm được. Tuy nhiên, nếu một người đã không ưa chúng ta thì họ sẽ tránh toàn bộ những cuộc giao tiếp kiểu này. Do đó, nếu đồng nghiệp đang bơ chị em một cách toàn tập, chúng ta cũng nên hiểu ý mà tránh xa và hạn chế giao tiếp.

Đồng nghiệp có một trong những dấu hiệu này, chị em công sở nên đề phòng vì họ chẳng ưa gì mình đâu - Ảnh 4.

5. Thể hiện cử chỉ tiêu cực

Những cử chỉ không thiện cảm như ủ rũ, đi chậm như lê từng bước chân, hoặc gật đầu thật nhanh như muốn nói "Ừ, vậy hả, hay quá ha" chính là cách mà nhiều người sử dụng để “đánh tiếng” cho người khác biết rằng họ chẳng vui vẻ gì khi phải nói chuyện với đối phương. Nên nếu ai đó thường xuyên có những cử chỉ không thân thiện như vậy, chị em hãy chấp nhận một sự thật là họ chỉ muốn nhanh chóng tránh xa chúng ta mà thôi.

6. Coi như chúng ta không tồn tại

Một số đồng nghiệp sẽ không thể hiện ra mặt rằng họ không thích chúng ta. Tất nhiên, chúng ta cũng cần phải để ý đến cả những hành vi gây hấn thụ động (biểu lộ cảm xúc tiêu cực một cách gián tiếp thay vì công khai giải quyết chúng). Hãy thật tinh ý khi đồng nghiệp cố tình cô lập chị em khỏi những sự kiện phổ biến của văn phòng, như các bữa tiệc nhỏ hay tiệc sinh nhật.