“Bóc phốt” đồng nghiệp cũ nhận bê tráp lại hủy ngang, cô dâu tưởng được bênh ai dè phản ứng ngược

Trong một hội nhóm trên MXH mới đây, cộng đồng mạng thảo luận rôm rả về bài viết do cô dâu đăng tải, “bóc phốt” người bê tráp của mình. Theo đó, cô dâu bày tỏ sự bức xúc khi một người đồng nghiệp cũ đã nhận lời đi bê tráp trong đám hỏi của mình nhưng đến phút cuối lại “quay xe” hủy kèo. Tuy nhiên sau khi bài viết được đăng tải, cộng đồng mạng lại thể hiện sự phẫn nộ, không đồng tình với cô dâu mà chọn đứng về phía người đồng nghiệp được nhờ đi bê tráp. 

Cụ thể, cô dâu đăng trọn vẹn cuộc nói chuyện trong nhóm, gồm các bạn bè thân thiết của mình và người đồng nghiệp cũ để nhờ đi bê tráp. Đáng nói, khi người đồng nghiệp ngỏ lời nhờ cô dâu đón thì lại nhận được câu trả lời ráo hoảnh: “Gọi grab đi”.

Người đồng nghiệp này cũng cho biết khoảng cách từ nhà mình đến nhà cô dâu là khoảng 700m. Tuy nhiên, không có phương tiện di chuyển và đi bộ với trang phục áo dài, giày cao gót, trang điểm,... cũng không khả thi. Còn về việc gọi xe ôm cũng “hên xui” vì không phải lúc nào cũng gọi ngay được, gây ảnh hưởng đến giờ giấc nên muốn nhờ cô dâu chủ động. 

Đồng nghiệp cũ nhận bê tráp nhưng tức giận huỷ ngang vì cô dâu bảo tự bắt xe ôm đến, 700m không đón: Ai đúng, ai sai? - Ảnh 1.

Tin nhắn người đồng nghiệp cũ nhờ cô dâu sang đón vào ngày bê tráp (Ảnh: MXH)

Song, khi đang giải thích thì cô dâu và hội bạn thân liên tiếp chen ngang, nói những lời lẽ cọc cằn, khó nghe. Chính vì điều này, người đồng nghiệp đã quyết định rời khỏi nhóm và từ chối không đi bê tráp. Người đồng nghiệp này cũng bày tỏ mối quan hệ của cô và cô dâu cũng không đến mức quá thân thiết, chỉ từng cùng chỗ làm. Ngoài ra, ban đầu cô gái này cũng đã có việc bận vào đám hỏi hôm đó nhưng vì lời nhờ từ cô dâu nên cố gắng nán lại để giúp đỡ nhưng không ngờ lại bị “bóc phốt” trên MXH. 

Sau khi đăng tải câu chuyện, cô dâu nhận loạt phản ứng ngược từ cộng đồng mạng về cách ứng xử với người được nhờ. Thậm chí, vì nhận nhiều bình luận chỉ trích, cô dâu còn phải xóa bài đăng trong nhóm và khóa trang cá nhân. 

Nhiều người cho rằng, khoảng cách 700m nếu đi xe máy thì không mất bao lâu nhưng nếu để đi bộ thì quả thật là rất xa và mệt. Chưa kể, nếu thời tiết nắng nóng thì càng dễ trôi lớp trang điểm, quần áo không chỉn chu,... Ngoài ra, người đồng nghiệp trong câu chuyện cũng được cho là đã rất nhiệt tình, có ý tốt cho đám hỏi của cô dâu. Bên cạnh đó, phần đông netizen đều bày tỏ, khi đã có lời nhờ thì dù có được nhận tiền lì xì, vẫn nên tiếp đãi, ứng xử lịch sự, tử tế để tránh những tình huống không mong muốn xảy ra. 

Đồng nghiệp cũ nhận bê tráp nhưng tức giận huỷ ngang vì cô dâu bảo tự bắt xe ôm đến, 700m không đón: Ai đúng, ai sai? - Ảnh 2.

Sau khi đồng nghiệp cũ từ chối bê tráp, cô dâu gửi một tin nhắn dài bày tỏ cảm xúc (Ảnh: MXH)

Đồng nghiệp cũ nhận bê tráp nhưng tức giận huỷ ngang vì cô dâu bảo tự bắt xe ôm đến, 700m không đón: Ai đúng, ai sai? - Ảnh 3.

Netizen nghiêng nhiều về phía người đồng nghiệp cũ, cho rằng cô dâu có cách ứng xử chưa thực sự tinh tế (Nguồn ảnh: MXH)

Một số bình luận của cộng đồng mạng: 

- “Cô dâu và bạn cô dâu sai. 700m mà cho đi bộ bằng giày cao gót thì cũng ngất xỉu. Với lại nhà có việc, sao không nhờ người nhà đón bạn gái kia là xong nhỉ?”. 

- “Nhờ vả người ta đi bê tráp hộ mà nói giọng cỡ đó, bó tay. Mà còn là đồng nghiệp cũ, chắc họ cũng nhiệt tình mới nhận lời vậy mà bảo đón lại nói câu ráo hoảnh như kia”. 

- “Chẳng hiểu bạn cô dâu đang muốn bóc phốt hay tự thể hiện bản thân ích kỷ, nhỏ nhen và không biết ứng xử. Cho dù bạn có tiền lì xì sau khi bê tráp nhưng vẫn cần đưa đón khi họ cần bởi mình đang nhờ người ta giúp mà”. 

- “Mình từng đi bê tráp giúp bạn, cũng được cô dâu chủ động hỏi han về vấn đề xe cộ, đưa đón chứ không bảo mình tự bắt xe thế này. 700m đôi khi xe ôm người ta cũng không nhận, rồi ảnh hưởng giờ giấc thì lúc đó cũng thành cãi nhau”. 

- “Vấn đề là cách nói chuyện của cả hai đều bất ổn. Thêm nữa lại có mấy người bạn thân cô dâu trong nhóm nói ra, nói vào lại thành không hay”. 

“Nếu không có hội bạn chung đông đủ người, tốt nhất là thuê đội bê tráp ngoài” 

Bên cạnh những lời bàn luận về câu chuyện trên, nhiều dân tình cũng “hiến kế” cho cô dâu, chú rể khi cần dàn bê tráp trong đám hỏi. Theo đó, những ai đã từng có kinh nghiệm đều cho rằng việc bê tráp, vui nhất vẫn là được bạn bè thân thiết giúp đỡ. Bởi điều đó cũng phần nào thể hiện cô dâu, chú rể là những người ngoại giao tốt, có nhiều bạn bè, mối quan hệ thân cận để khi cần là có. 

Tuy nhiên, hội bạn bê tráp nên là những người chơi chung với nhau, không nên ghép từ những nhóm lẻ. Bởi nếu cùng chung một hội bạn, việc thống nhất giờ giấc, trang phục hay nhưng thông tin khác đều rất nhanh gọn, thuận tiện và dễ bàn luận. Còn trong trường hợp ghép từ những nhóm bạn nhỏ, lẻ tẻ sẽ xảy ra một số tình huống bất đồng như người này không thích người kia, mỗi người một ý kiến, khó tập trung,... 

Do đó, cộng đồng mạng cho rằng hiện nay, các dịch vụ cho thuê dàn bê tráp đều rất phát triển và ngày càng chuyên nghiệp hơn. Vì vậy nếu muốn đám hỏi được diễn ra suôn sẻ, tốt nhất vẫn nên thuê đội bê tráp ngoài. Bởi khi họ đã làm dịch vụ, sẽ quen việc hơn, có người đứng đầu để chịu trách nhiệm, cô dâu chú rể cũng bớt đi một phần việc khi phải đốc thúc từng người trong đám hỏi của mình. 

Netizen bình luận: 

- “Tốt nhất nếu không đủ người bê tráp trong hội bạn chung thì các cô dâu, chú rể nên thuê dịch vụ bên ngoài. Còn bạn bè chỉ đến dự, góp mặt thôi, như vậy là tiện nhất”. 

- “Tránh trường hợp nhờ những người lẻ tẻ để bê tráp nhé bạn. Vì người được nhờ nếu không quen ai trong đội họ cũng khá ngại. Chưa kể, các thông tin về trang phục, kiểu tóc,... cũng khó thống nhất nếu như không chung nhóm bạn”. 

- “Thôi nghe tôi, cứ thuê dịch vụ bê tráp. Họ làm việc chuyên nghiệp rồi, với cả ký hợp đồng với công ty, có vấn đề gì mình làm việc cũng dễ hơn. Thân quen khó làm việc lắm”. 

- “Nhờ được bạn bè thì vui, mà không thì cứ chi tiền thuê ngoài đi các cô dâu à. Tránh được nhiều trường hợp khó xử như này”.