Văn phòng Truyền thông Nhà nước Khu vực Somali cho biết trong một tuyên bố: "Hơn 20 người đã tử vong trong lũ lụt và hơn 12.000 gia đình phải di dời".
Việc bão lỹ phá hủy cầu và đường được cho là đã gây khó khăn cho việc tiếp cận các khu vực bị ảnh hưởng, do đó làm phức tạp thêm nỗ lực cứu hộ.
Tờ Le Monde cho rằng lượng mưa trên mức trung bình ở Đông Phi trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 12 là do hiện tượng thời tiết El Nino, trích dẫn dữ liệu từ Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA). Do El Nino, dòng khí phản lực Thái Bình Dương di chuyển xa hơn về phía Nam và phía Đông, thường làm nhiệt độ tăng lên ở một số khu vực và gây mưa lớn ở những khu vực khác, bao gồm cả Đông Phi.
OCHA đưa tin hôm 4/11: "Lũ lụt do mưa lớn đã ảnh hưởng đến ít nhất 405.652 người, với 14 người thiệt mạng" kể từ khi bắt đầu mùa gió mùa ở Vùng Somali, kéo dài từ tháng 10 đến tháng 12. "Ít nhất 47.100 người đã di dời đến những vùng đất cao hơn để tránh nguy cơ lũ lụt", cơ quan này cho biết thêm.
(Ảnh: Ethiopian Broadcasting Corporation)
Các khu vực xung quanh bờ sông Juba, ở bang Jubbaland của Somalia cũng đã hứng chịu lũ lụt do những trận mưa lớn bắt đầu diễn ra từ tháng 10.
Đầu năm nay, thị trấn Beledweyne của Somalia đã bị nhấn chìm do nước lũ sông Shabelle tràn bờ, buộc khoảng 250.000 người phải rời bỏ nhà cửa.
Trong khi đó, vào ba tuần trước, Ghana cũng bị ảnh hưởng bởi lũ lụt. Hơn 4.000 người buộc phải sơ tán khi đập Akosombo bị vỡ trong mùa mưa.
Những đợt thời tiết khắc nghiệt gần đây đã ảnh hưởng đến gần hai triệu người và cuốn trôi hàng nghìn vật nuôi ở Burundi, Djibouti, Kenya, Ethiopia, Somalia, Tanzania, Nam Sudan và Uganda.
Hội Chữ thập đỏ Kenya cho biết: "Biến đổi khí hậu đang khiến lũ lụt xảy ra thường xuyên và nghiêm trọng hơn. Cần phải đầu tư cấp thiết vào các biện pháp thích ứng với khí hậu để bảo vệ cộng đồng khỏi tác động tàn khốc của lũ lụt và các điều kiện thời tiết bất lợi khác".