Bão số 1 sắp đạt cực đại
Theo thông tin từ Trung tâm khí tượng Thuỷ văn, sáng 17/7 bão số 1 Talim đang tiến dần vào khu vực vịnh Bắc Bộ.
Vào hồi 10 ngày 17/7, bão số 1 với sức gió mạnh cấp 12 (118-133km/h), giật cấp 15; tốc độ di chuyển 15-20km/h. Cơ quan khí tượng dự báo, bão số 1 sẽ giữ nguyên cường độ và đạt cực đại trong những giờ tới.
Tác động của bão trên vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 8-9, vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12, giật cấp 15. Biển động dữ dội.
Từ khoảng chiều nay ngày 17/7, Bắc vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô) có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão cấp 10-11, giật cấp 14. Biển động dữ dội.
Như vậy là trong đêm nay khu vực Vịnh Bắc Bộ đã chịu ảnh hưởng mưa to và gió mạnh.
Từ gần sáng ngày mai 18/7, vùng ven biển khu vực từ Quảng Ninh đến Nam Định có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, vùng gần tâm bão cấp 9-10, giật cấp 13; khu vực sâu trong đất liền phía Đông Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9.
Trên đất liền: Từ gần sáng ngày 18/7, vùng ven biển khu vực từ Quảng Ninh đến Nam Định có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, vùng gần tâm bão cấp 9-10, giật cấp 13; khu vực sâu trong đất liền phía Đông Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9.
Diễn biến đợt mưa lớn ở miền Bắc
Do ảnh hưởng của bão số 1, từ đêm 17/7 đến đêm 18/7, ở khu vực Bắc Bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 150-300mm, cục bộ có nơi trên 400mm; khu vực Thanh Hóa và Nghệ An có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 40-90mm, cục bộ có nơi trên 130mm.
Ngày 19/7, ở khu vực Bắc Bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 50-70mm, cục bộ có nơi trên 100mm; khu vực Thanh Hóa và Nghệ An có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 30-60mm, cục bộ có nơi trên 70mm.
Trong khi đó, khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ cũng sẽ có mưa diện rộng:
Từ ngày 17-18/7, khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có mưa rất to với lượng mưa phổ biến 50-100mm, có nơi trên 150mm.
Mưa lớn ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ còn có khả năng kéo dài trong nhiều ngày tới. Người dân cần đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp; đề phòng mưa với cường độ lớn trong một thời gian ngắn gây ngập úng tại các khu đô thị.
Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Nước dâng do bão, nguy cơ ngập lụt vùng ven biển:
Ven biển các tỉnh Quảng Ninh - Hải Phòng có nước dâng do bão từ 0,5-0,7m, mực nước tổng cộng cao từ 2,3-2,9m.
Nguy cơ cao ngập úng ở khu vực trũng thấp tại khu vực ven biển, cửa sông, sạt lở bờ biển do tác động kết hợp của triều cường và sóng lớn vào chiều ngày 18/7.
Dự báo tình hình mưa ở Hà Nội
Theo dự báo từ cơ quan khí tượng, đến 19 giờ tối 18/7, áp thấp nhiệt đới ở trên khu vực đất liền Đông Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7, giật cấp 9. Hà Nội sẽ nằm trong vùng ảnh hưởng của ATNĐ.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão Talim, từ đêm 17/7, Hà Nội bắt đầu có mưa, sau đó có mưa vừa, mưa to đến rất to. Dự báo đỉnh điểm của mưa lớn tập trung trong ngày và đêm 18/7. Trong hai ngày 19-20/7, Hà Nội tiếp tục có mưa vừa, mưa to đến rất to.
Tổng lượng mưa khu vực trung tâm và các huyện phía Bắc Hà Nội dự báo đạt từ 180-280mm, có nơi trên 300mm. Các huyện phía Tây và phía Nam thành phố, tổng lượng mưa phổ biến từ 150-250mm, có nơi trên 250mm.
Cùng với mưa lớn, Hà Nội sẽ có gió giật mạnh trong ngày 18/7. Từ gần sáng ngày 18/7, gió mạnh dần lên cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7.
Cơ quan khí tượng lưu ý, mưa bão có thể gây ngập úng diện rộng ở Hà Nội. Gió giật mạnh có thể gây ảnh hưởng đến cơ sở hạ tầng, cây xanh đổ gãy.
Để chủ động ứng phó, đêm 16/7, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP. Hà Nội đã ban hành Công điện số 02/CĐ-BCH về việc tập trung ứng phó với cơn bão số 1 năm 2023.
Thời điểm bão đổ bộ được dự báo vào khoảng chiều và tối ngày 18/7, chính vì vậy khuyến cáo người dân hạn chế ra đường trong thời gian bão đổ bộ, mưa lũ lớn để bảo đảm an toàn. Đồng thời, bão đổ bộ sẽ gây ra mưa lớn và gió giật mạnh, công điện yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT& TKCN các quận, huyện, thị xã, các sở, ban, ngành:
Thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, tình hình thời tiết, thiên tai mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất trên các phương tiện thông tin đại chúng; thông tin cảnh báo kịp thời đến người dân để chủ động phòng tránh.
Rà soát các phương án phòng, chống, ứng phó thiên tai, sự cố, và tìm kiếm cứu nạn đảm bảo theo phương châm “4 tại chỗ”, sẵn sàng triển khai khi có tình huống xảy ra.
Chuẩn bị tổ chức lực lượng kiểm soát, phân luồng, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, các điểm đen thường xuyên ngập úng trong khu vực dân cư; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn; hạn chế người dân ra đường trong thời gian bão đổ bộ, mưa lũ lớn để đảm bảo an toàn.