Tờ SciTech Daily gọi đó là một cách tiếp cận mang tính cách mạng, cung cấp một giải pháp thay thế tiềm năng cho liệu pháp gien trong việc đảo ngược tuổi tác.
Phát hiện này được kỳ vọng giúp thay đổi phương pháp điều trị các bệnh liên quan đến tuổi tác, tăng cường y học tái tạo và có tiềm năng giúp con người đạt đến ước mơ trẻ hóa toàn bộ cơ thể.
Phương pháp mới có tiềm năng giúp con người trẻ lại chỉ bằng cách uống một số viên thuốc - Ảnh minh họa từ SCITECH DAILY
Công trình được dẫn đầu bởi Trường Y khoa Harvard (thuộc Đại học Harvard), với sự góp mặt của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) và Trường Đại học Maine (Mỹ).
Họ đã dựa trên các yếu tố Yamanaka, là sự biểu hiện của các gien cụ thể có thể biến đổi tế bào trưởng thành thành tế bào gốc đa năng cảm ứng (iPSC), đã từng giành được giải Nobel.
Phát triển thêm một bậc, nhóm khoa học gia Mỹ tìm kiếm các phân tử có thể đồng thời đảo ngược quá trình lão hóa tế bào và làm mới tế bào người. Cuối cùng, họ xác định được 6 sự kết hợp hóa học có thể đưa protein nhân tế bào chất và hồ sơ phiên mã trên toàn bộ gien trở về trạng thái trẻ trung trong chưa đầy một tuần.
Các bước nghiên cứu dựa trên nhiều cơ quan khác nhau trên cơ thể chuột gồm thần kinh thị giác, não, thận và cơ đã đạt được kết quả thần kỳ.
Trong bước đi mới nhất, họ đã cải thiện được thị lực của khỉ trong một thí nghiệm vào tháng 4-2023, theo bài công bố mới đây trên tạp chí Aging.
Những phát hiện này có thể mở đường cho y học tái tạo và khả năng làm trẻ hóa toàn bộ cơ thể, cũng như giúp thay đổi lớn cách điều trị lão hóa và chấn thương nói chung.
Theo GS-TS David A.Sinclair từ Khoa Di truyền học và đồng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu sinh học về lão hóa Paul F. Glenn của Trường Y khoa Harvard, cho đến gần đây con người mới chỉ làm chậm được quá trình lão hóa. Phương pháp mới này sẽ là cuộc đảo ngược thực sự.
Ưu điểm lớn tiếp theo đó là đây là một phương pháp hóa học - có thể ra đời dưới dạng một viên thuốc đơn giản giúp vết thương mau lành hơn, mắt sáng trở lại và chữa khỏi các bệnh do lão hóa khác - chứ không phải áp dụng công nghệ chỉnh sửa gien gây tranh cãi.
Sau thành công với khỉ, nhóm nghiên cứu đang lên kế hoạch tiến tới thử nghiệm lâm sàng, tức thử nghiệm trực tiếp trên con người.