Cảnh báo đột quỵ đến từ những dấu hiệu ít ai ngờ
Cánh tay của bạn bỗng dưng bị tê hoặc yếu, giọng nói của bạn tạm thời bị "méo mó"... Khi những triệu chứng đáng lo ngại này qua đi, có thể bạn nghĩ rằng mình đã an toàn.
Nhưng các bác sĩ nhấn mạnh, các triệu chứng giống như đột quỵ biến mất ngay sau đó không phải là thứ bạn nên bỏ qua. Đừng nghĩ đơn giản vì chúng dường như không để lại tổn thương lâu dài.
Những dấu hiệu cảnh báo này có thể là cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua (TIA). Đây còn được gọi là cơn đột quỵ mini, đột quỵ cảnh báo. Các triệu chứng của nó tương tự như các triệu chứng của đột quỵ như khuôn mặt chảy xệ, cánh tay yếu, giọng nói bị "méo mó".
"Điểm khác biệt duy nhất là chúng không dẫn đến tổn thương thần kinh vĩnh viễn", TS Ahmed Itrat (Trưởng khoa Đột quỵ tại Cleveland Clinic Akron General, Mỹ) cho biết.
Những người bị thiếu máu cục bộ thoáng qua thường bị đột quỵ tái phát. Đây là một tình trạng bệnh lý nghiêm trọng đe dọa tính mạng khi nguồn cung cấp máu cho một phần não bị cắt đứt, trong những ngày hoặc tuần sau đó.
TS Brandon Giglio (Trưởng khoa Thần kinh mạch máu tại Bệnh viện NYU Langone, Mỹ) nói với tờ Huffington Post: "Nhiều người thực sự lo lắng về việc ai đó sẽ bị đột quỵ ngay cả trong vòng 48 giờ tới. Và chắc chắn, họ cũng lo lắng trong vòng 7 ngày, 30 hay 90 ngày tới".
Nghệ sĩ guitar huyền thoại của ban nhạc Queen, Brian May, gần đây đã chia sẻ rằng anh đã bị "đột quỵ nhẹ", tạm thời mất kiểm soát cánh tay trái của mình.
Các bác sĩ khuyên anh nên nghỉ ngơi sau sự cố sức khỏe. "Tôi không được phép ra ngoài, lái xe, lên máy bay, tôi không được phép làm tăng nhịp tim quá cao. Nhưng tôi ổn", Brian chia sẻ trong một video gửi đến người hâm mộ. Đây chính là một dẫn chứng cho hậu quả đáng sợ của đột quỵ cảnh báo.
Thông tin về đột quỵ cảnh báo và những điều bạn cần làm nếu bị đột quỵ
Các triệu chứng của đột quỵ cảnh báo là gì?
Theo NHS, đột quỵ cảnh báo có thể xảy ra khi nguồn cung cấp máu lên não bị gián đoạn tạm thời. Giống như đột quỵ, các triệu chứng chính của đột quỵ cảnh báo có thể được ghi nhớ bằng cụm từ BE FAST:
- Thăng bằng: Bạn có thể bị thay đổi về thăng bằng hoặc mất thăng bằng.
- Thị lực: Những thay đổi về thị lực, như mờ mắt, mất thị lực hoặc nhìn đôi là những dấu hiệu cần chú ý.
- Khuôn mặt: Khuôn mặt có thể bị chảy xệ 1 bên. Bạn có thể không thể cười, miệng hoặc mắt có thể bị sụp xuống.
- Cánh tay: Bạn không thể nâng cả 2 cánh tay và giữ chúng ở vị trí cao vì một cánh tay bị yếu hoặc tê.
- Lời nói: Bạn có thể bị nói lắp hoặc nói ngọng, hoặc không thể nói dù có vẻ vẫn tỉnh táo.
- Thời gian: Lúc này bạn cần gọi 911 ngay lập tức nếu có bất cứ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào ở trên.
Những triệu chứng này kéo dài bao lâu?
Theo TS Joshua Willey (chuyên gia về thần kinh học tại Đại học Columbia, Mỹ), đột quỵ cảnh báo có thể kéo dài trong khoảng 5-10 phút, đôi khi chỉ trong 30-60 giây.
NHS cho biết thêm, các tác động kéo dài từ vài phút đến vài giờ và hoàn toàn biến mất trong vòng 24 giờ. Mặc dù thời gian ngắn nhưng các chuyên gia nhấn mạnh rằng bạn không bao giờ nên bỏ qua.
Theo định nghĩa, các cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua là thoáng qua. Tuy nhiên, khi một người có triệu chứng, không có cách nào để dự đoán liệu tình trạng đó có thuyên giảm sau này, hoặc các triệu chứng sẽ kéo dài và dẫn đến tàn tật hay không.
Điều đó có nghĩa là bạn không nên coi nhẹ một phút đau cánh tay hoặc mờ mắt. Mặc dù cảm giác khó chịu có thể biến mất trong vài giây nhưng nó có thể báo hiệu những hậu quả nghiêm trọng hơn trong nhiều ngày, hoặc nhiều tháng sau đó.
Bạn phải làm gì nếu bị đột quỵ cảnh báo?
Đầu tiên, nếu bạn nghĩ rằng mình đã bị đột quỵ cảnh báo, bạn nên tìm kiếm sự trợ giúp y tế ngay lập tức.
Bạn cũng nên uống aspirin ngay nếu bạn hoặc người khác nghi ngờ mình bị đột quỵ cảnh báo.
Ngay cả khi các triệu chứng biến mất trong khi bạn đang chờ xe cứu thương đến, bạn vẫn cần được kiểm tra tại bệnh viện.
Nếu bạn nghĩ rằng mình có thể đã bị đột quỵ cảnh báo trước đây, nhưng không tìm kiếm lời khuyên y tế tại thời điểm đó, hãy đặt lịch hẹn khẩn cấp với bác sĩ đa khoa.
Phương pháp điều trị sẽ khác nhau tùy theo độ tuổi và tiền sử bệnh của bạn. Bạn có thể được tư vấn về những thay đổi lối sống có thể làm giảm nguy cơ đột quỵ, được kê đơn thuốc để điều trị nguyên nhân gây ra đột quỵ cảnh báo.
Điều gì có thể khiến bạn dễ bị đột quỵ?
Mặc dù động mạch có thể hẹp tự nhiên theo tuổi tác, nhưng các yếu tố khác có thể đẩy nhanh quá trình này, bao gồm:
- Hút thuốc
- Béo phì
- Uống quá nhiều rượu
- Huyết áp cao
- Mức cholesterol cao
- Bệnh tiểu đường
- Căng thẳng
- Lười tập thể dục
Việc kiểm soát những yếu tố nguy cơ này giúp bạn phòng tránh đột quỵ hiệu quả.
(Ảnh minh họa: Internet)
(Nguồn: The Sun, Huffington Post, NHS)