Hiểu đúng về đột quỵ
Theo TS BS Nguyễn Bá Thắng, Trưởng Trung tâm Khoa học Thần kinh BV Đại học Y Dược TP HCM, thời gian qua có khá nhiều trường hợp người nổi tiếng ra đi vì đột quỵ, điều này khiến không ít người lo lắng. BS cho biết chúng ta cần phải hiểu đúng đột quỵ là gì để có những can thiệp đúng khi người thân không may bị đột quỵ.
Dân gian có một số khái niệm về đột quỵ (đột ngột quỵ xuống), điều này gây ra những sự nhầm lẫn. Nhiều người vẫn lầm tưởng rằng đột ngột quỵ xuống là đột quỵ. Tuy nhiên, triệu chứng đột ngột quỵ xuống có thể là nhồi máu cơ tim, cơn ngất hoặc động kinh.
Đột quỵ là bệnh lý về não bộ do tổn thương mạch máu não. 85% nguyên nhân là thiếu máu não cục bộ (tắc mạch máu não), 15% là do xuất huyết não và xuất huyết dưới nhện (vỡ mạch máu não).
Bác sĩ Thắng đang thăm khám cho bệnh nhân đột quỵ - Ảnh BSCC.
Não bộ có rất nhiều vùng và mỗi vùng sẽ có những chức năng riêng, ví dụ như vùng cảm giác, vùng thị giác, vùng vận động, vùng suy nghĩ, vùng ngôn ngữ… Khi mạch máu bị tổn thương gây ra thiếu máu/chảy máu ở vùng nào thì vùng đó không hoạt động (mất chứng năng), hay còn gọi mất chức năng thần kinh.
Ví dụ, nếu mạch máu tổn thương ở vùng ngôn ngữ sẽ gây ra méo miệng, nói ngọng, rối loạn lời nói…
Tuỳ theo kích thước tổn thương của mạch máu tại các vùng trên não mà sẽ có các triệu chứng xuất hiện. Tổn thương rộng thì có thể có tất cả các triệu chứng và có thể kèm theo hôn mê.
Dấu hiệu đột quỵ
TS.BS Thắng cho hay, theo số liệu của Tổ chức đột quỵ thế giới, đột quỵ là nguyên nhân tử vong đứng thứ 2 sau ung thư. Cứ mỗi 6 giây có 1 người tử vong vì đột quỵ. Một năm có 6,5 triệu người chết vì đột quỵ. Trên thế giới 1 năm có 17 triệu người bị đột quỵ. Đột quỵ là nguyên nhân đứng đầu gây tan phế.
Tại Việt Nam, theo số liệu của Bộ Y tế, đột quỵ là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở cả nam và nữ.
Theo bác sĩ Thắng, chúng ta cần nghĩ tới đột quỵ khi một người có các triệu chứng như: méo – ngọng – xuôi tay (mềm rũ). Hoặc có thể nhớ tới đột quỵ bằng từ F.A.S.T, chẩn đoán được từ 90-95% các trường hợp đột quỵ.
- F (face): Khuôn mặt bị mất cân đối, yếu liệt mặt, một bên mặt bị chảy xệ, cười méo mó. Có thể bảo bệnh nhân cười và quan sát.
- A (arm): Cử động khó khăn hoặc không thể cử động tay chân, yếu liệt một bên cơ thể. Hãy bảo bệnh nhân giơ tay lên và so sánh, nếu hai tay không thể nâng qua đầu cùng lúc thì có khả năng người đó bị đột quỵ.
- S (speech): Giọng nói bị thay đổi, nói ngọng, dính chữ. Có thể yêu cầu người đó nói những câu đơn giản, nếu không thể nhắc lại được thì người đó có dấu hiệu bị đột quỵ.
- T (time): Khi một người có những triệu chứng trên thì rất có thể họ đã bị đột quỵ, vì vậy hãy gọi ngay cấp cứu (115) hoặc đưa bệnh nhân đến ngay cơ sở y tế gần nhất có khả năng điều trị bằng phương tiện phù hợp. Bệnh nhân được đưa đến bệnh viện càng sớm thì tổn thương càng ít, khả năng phục hồi càng cao, ngược lại đưa đến bệnh viện càng trễ thì càng có nhiều biến chứng nguy hiểm.
TS BS Nguyễn Bá Thắng cảnh báo, mỗi phút não bị thiếu máu sẽ mất gần hai triệu tế bào thần kinh, vì thế người bệnh đột quỵ cần được cấp cứu ngay lập tức để đảm bảo an toàn và hạn chế tối đa những tổn thương về não. BS khuyến cáo:
- Với người bệnh đột quỵ, người thân nên liên hệ hệ thống cấp cứu 115 để được hướng dẫn sơ cứu tại chỗ và chuyển người bệnh đến các bệnh viện có đơn vị đột quỵ trong thời gian sớm nhất để đạt hiệu quả cao nhất.
- Cần hạn chế tự chuyển người bệnh bằng xe hai bánh do có nguy té ngã, bỏng bô, chân liệt bị kẹt vào bánh xe hoặc va chạm xuống mặt đường.
- Đặc biệt không được cạo gió, chích máu, hoặc cho người bệnh uống thuốc, nhất là các thuốc truyền miệng để tránh mất thời gian vàng, không hiệu quả mà còn có thể gây hại cho người bệnh.
Để phòng tránh đột quỵ, người dân cần tự trang bị những kiến thức cần thiết thông qua các cổng thông tin y tế chính thống. Bên cạnh đó, cần tầm soát sức khỏe định kỳ, duy trì chế độ dinh dưỡng lành mạnh, tập luyện hợp lý và phòng ngừa các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường, xơ vữa động mạch, tăng cholesterol trong máu, hút thuốc lá, béo phì, ít vận động…