Nhận định xu thế thời tiết thủy văn mùa Đông Xuân năm 2016-2017, Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết các phân tích và dự báo mới nhất cho thấy trong ba tháng cuối năm 2016, bão và áp thấp nhiệt đới sẽ còn có khả năng xuất hiện trên Biển Đông khoảng bốn cơn và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam khoảng hai cơn.
Tần suất bão, áp thấp nhiệt đới có khả năng tập trung nhiều hơn ở khu vực giữa, Nam Biển Đông và các tỉnh thuộc Trung Bộ. Ngoài ra, bão, áp thấp nhiệt đới nhiều khả năng còn hoạt động trên khu vực phía Nam Biển Đông trong tháng 1-2/2017.
Rét đậm xảy ra tại Bắc Bộ
Từ tháng 11-12/2016, nhiệt độ trung bình phổ biến ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Từ tháng 1-4/2017, tại Bắc Bộ, nhiệt độ trung bình phổ biến ở mức cao hơn 0,5-1 độ C so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ; nhiệt độ ở khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Các đợt rét đậm, rét hại ở khu vực miền Bắc tập trung nhiều vào thời kỳ giữa tháng 12/2016 đến tháng 1/2017 và có khả năng không kéo dài. Đợt rét đậm đầu tiên ở Bắc Bộ có khả năng xảy ra vào khoảng giữa tháng 12 và sớm hơn so với trung bình nhiều năm.
Lượng mưa ở khu vực Bắc Bộ trong mùa Đông Xuân 2016-2017 phổ biến ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ từ 10-20%; riêng tháng 12/2016 có thể thiếu hụt từ 20-40%. Lượng mưa ở khu vực từ Thanh Hóa đến Nghệ An từ tháng 11/2016 đến 4/2017 ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm cùng thời kỳ; riêng tháng 12 ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 10-20%.
Lượng mưa tại khu vực từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận từ tháng 11/2016 đến tháng 2/2017 phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ từ 10-30%, từ tháng 3- 4/2017 phổ biến ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 10-20%.
Lượng mưa ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ tháng 11 và 12/2016 ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm cùng thời kỳ; tháng 1-2/2017 phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm từ 15-30%; tháng 3- 4/2017 phổ biến thấp hơn từ 5-15% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Các đợt không khí lạnh có xu hướng hoạt động mạnh dần từ nửa cuối tháng 10, nhưng mưa xảy ra không nhiều, thời tiết lạnh và khô ở Bắc Bộ đến Nghệ An trong những tháng đầu mùa đông (tháng 11-12).
Khu vực miền Trung có xu hướng tăng mưa trong những tháng cuối năm 2016 và hai tháng đầu năm năm 2017. Từ tháng 3-4/2017 mưa có xu hướng giảm hơn so với trung bình nhiều năm tại khu vực này.
Nhìn chung, mùa mưa năm nay ở Trung Bộ có khả năng kết thúc muộn hơn so với năm 2015. Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ trong tháng 1-2/2017 có khả năng xảy ra hiện tượng mưa trái mùa.
Về thủy văn, trong tháng 11 hoặc tháng 12, lũ muộn có khả năng xảy ra tương tự như năm 2015. Từ tháng 11/2016 đến tháng 4/2017, mực nước trên các sông suối có xu thế biến đổi chậm và xuống dần.
Nguồn dòng chảy thượng lưu sông Thao và sông Lô có khả năng thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 15-40%, trên sông Đà thiếu hụt từ 10-20%. Mực nước thấp nhất tại trạm Hà Nội có thể xuống mức 0,3-0,4m vào tháng 2-3/2017.
Khu vực Bắc Bộ sẽ xảy ra thiếu nước cục bộ, đặc biệt ở vùng núi cao phía Bắc và trung du Bắc Bộ. Cấp nước, giao thông thủy và phát điện trong các tháng cuối mùa khô năm 2016-2017 sẽ khó khăn hơn năm 2015-2016.
Trong các tháng 10-11/2016, trên các sông thuộc Trung Bộ có khả năng xuất hiện 2-4 đợt lũ, khu vực Tây Nguyên có khả năng xuất hiện 1-2 đợt lũ. Lượng dòng chảy trên các phần lớn các sông ở Trung Bộ, Tây Nguyên tăng nhiều so với các tháng trước nhưng vẫn ở mức thấp và thiếu hụt so với trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 25-60%.
Tháng 12, trên các sông từ Quảng Bình đến Ninh Thuận khả năng xuất hiện 1-2 đợt lũ nhỏ, các sông khác thuộc Trung Bộ có dao động. Lượng dòng chảy tháng 12 trên phần lớn các sông giảm dần so với tháng 11, thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 30-60%, cá biệt có nơi thiếu hụt trên 75%.
Đỉnh lũ năm 2016 trên các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên ở mức cao hơn đỉnh lũ năm 2015, đỉnh lũ năm vùng hạ lưu các sông từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh ở mức báo động 1-báo động 2, thượng lưu báo động 2-báo động 3, xấp xỉ đỉnh lũ trung bình nhiều năm; các sông từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi ở mức báo động 2-báo động 3, xấp xỉ đỉnh lũ trung bình nhiều năm. Nguy cơ cao xuất hiện lũ lớn, lũ quét, sạt lở đất trên các sông suối nhỏ và vùng núi, thượng nguồn các lưu vực sông; ngập úng ở vùng trũng thấp và xảy ra nhiều hơn so với năm 2015.
Hạn, mặn ít gay gắt hơn
Trong những tháng mùa khô 2016-2017, dòng chảy trên các sông suối ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên giảm dần và có khả năng thiếu hụt so với trung bình nhiều năm phổ biến từ 20-60%, trên các sông ở khu vực Nam Trung Bộ thiếu hụt trên 70%. Do thiếu hụt dòng chảy trên các sông Trung Bộ, Tây Nguyên nên trong các tháng mùa khô 2016-2017 sẽ xảy ra tình trạng thiếu nước nhưng không gay gắt bằng mùa khô 2015-2016.
Đỉnh lũ năm 2016, trên sông Tiền tại Tân Châu và sông Hậu tại Châu Đốc ở mức xấp xỉ báo động 1, cao hơn năm 2015 và thấp hơn so với trung bình nhiều năm.
Trong mùa khô 2016-2017, tổng lượng dòng chảy sông Mekong về khu vực Đồng bằng sông Cửu Long khả năng thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 15-35%. Tình hình xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2016-2017 ở khu vực Nam Bộ ít gay gắt hơn năm 2015-2016 nhưng vẫn cao hơn trung bình nhiều năm. Độ mặn lớn nhất mùa khô năm 2016-2017 tại vùng cửa sông Nam Bộ có khả năng xuất hiện trong khoảng tháng 2-3/2017.
Vào những ngày giữa tháng 10,11,12/2016, ở vùng hạ nguồn các sông Nam Bộ và sông Sài Gòn chịu ảnh hưởng của 3 đợt triều cường mạnh, trong những đợt triều cường này mực nước tại các trạm vùng hạ lưu có khả năng lên mức báo động 3 và trên báo động 3, nguy cơ cao xảy ra tình trạng ngập úng ở các vùng trũng thấp và khu vực nội thành Thành phố Hồ Chí Minh./.