Lương thưởng Tết là một trong những vấn đề được người lao động quan tâm nhất dịp cuối năm. Bộ LĐ-TB-XH đã có văn bản gửi các Sở LĐ-TB-XH trên cả nước yêu cầu nắm bắt tình hình thực hiện chính sách tiền lương, thưởng tết. Song đến nay vẫn chưa có địa phương nào phản hồi nội dung này.
Trao đổi với báo chí, ông Tống Văn Lai, Cục phó Cục Quan hệ lao động và Tiền lương cho biết, quan sát những năm gần đây, mức thưởng Tết đều tăng trưởng nhẹ, nhưng không có đột biến. Năm nay, Tết Dương lịch 2020 và Tết Nguyên đán Canh Tý khá gần nhau, do đó nhiều doanh nghiệp sẽ phải cân đối, tập trung nhiều hơn về thưởng Tết Nguyên đán. Ông Tống Văn Lai cho rằng mức thưởng Tết năm 2020 có thể sẽ không cao hơn nhiều so với năm 2019.
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, theo báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV tăng trưởng kinh tế khoảng 6,8%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế có xu hướng tăng lên. Bên cạnh đó, hiện nay nhiều doanh nghiệp cũng đang rơi vào tình trạng khan hiếm lao động.
Theo nhận định của ông Bùi Sỹ Lợi, mức thưởng Tết của các doanh nghiệp năm 2020 có thể tăng cao hơn năm trước một chút.
“Nếu không có chế độ đãi ngộ tốt, người lao động sẽ không quay trở lại làm việc tại doanh nghiệp sau Tết Nguyên đán. Hơn nữa, việc tăng trưởng kinh tế tốt, doanh nghiệp phát triển nên khả năng thưởng Tết khả quan, đặc biệt rơi vào một số ngành ngân hàng, tài chính có mức thưởng nổi bật.
Tiền thưởng tết khả quan thì người lao động có động lực làm việc, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp và tạo ra động lực phát triển cho nền kinh tế của đất nước", ông Bùi Sỹ Lợi nhận định.
Không nên thưởng Tết bằng hiện vật
Luật Lao động hiện hành không quy định doanh nghiệp phải có tiền thưởng Tết cho người lao động. Việc thưởng Tết ra sao hoàn toàn phụ thuộc vào lòng hảo tâm của chủ doanh nghiệp, tình hình sản xuất của đơn vị và thỏa thuận giữa 2 bên. Do đó vẫn có tình trạng nơi thưởng Tết tiền trăm triệu, nhưng cũng có những doanh nghiệp chỉ thưởng cho người lao động bằng hiện vật, sản phẩm của công ty.
Theo quan điểm của ông Bùi Sỹ Lợi, đã gọi là thưởng thì không nên thưởng bằng hiện vật. Khi tặng bằng hiện vật những thứ người lao động không cần và không ưa thích thì sẽ không có giá trị, hoặc họ mang ra thị trường bán sẽ không đảm bảo bằng giá trị tiền thưởng.
"Doanh nghiệp thưởng cao thì rất hoan nghênh, có những doanh nghiệp thưởng cho có thì không nên. Tâm lý của người lao động là “trăm đồng tiền công không bằng một đồng tiền thưởng”. Tiền thưởng mang ý nghĩa rất sâu sắc", ông Lợi nhấn mạnh.
Ông Doãn Mậu Diệp, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH cho biết, ngoài tiền mặt, doanh nghiệp trong nước đã và đang có nhiều hình thức khuyến khích người lao động, gồm thưởng cổ phiếu, các chuyến tham quan du lịch, các dịch vụ khác. Thậm chí hình thức thưởng còn là các hiện vật có giá trị như tủ lạnh, tivi, ô tô hay xe máy…
Tuy nhiên, ông Doãn Mậu Diệp cũng cho biết việc quyết định hình thức thưởng ra sao còn phải được sự đồng thuận của đại diện người lao động tại cơ sở. Do đó, việc thưởng bằng hiện vật hay tiền mặt cần có sự thảo luận với người lao động.
“Do vậy không thể có chuyện cuối năm doanh nghiệp tự áp dụng thưởng cho người lao động bằng gạch hay sản phẩm gần hết hạn sử dụng, như dư luận vài năm trước từng nêu ở đâu đó…”, ông Diệp nói.
Theo yêu cầu của Bộ LĐ-TB-XH, chủ sử dụng lao động cần phối hợp, trao đổi với tổ chức công đoàn cơ sở rà soát lại hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, quy chế trả lương, quy chế thưởng để thực hiện các chế độ tiền lương, thưởng đối với người lao động theo nội dung thỏa thuận.
Về tiền thưởng cuối năm, cơ quan quản lý lao động tiền lương ở trung ương yêu cầu các doanh nghiệp xây dựng phương án thưởng theo kết quả sản xuất, kinh doanh năm 2019 của Bộ luật Lao động và thông báo cho người lao động trong doanh nghiệp biết…
Quy định về thưởng Tết, theo Bộ luật Lao động 2019, có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 vẫn được giữ nguyên so với Luật Lao động hiện hành.
Theo đó, “thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động”.