Nguyễn Hà Đông. Ảnh Maika Elan
Vào tháng 4 năm ngoái, Nguyễn Hà Đông, một chàng trai 28 tuổi sống với cha mẹ ở Hà Nội với công việc hàng ngày là làm chương trình định vị cho taxi đã dành ngày cuối tuần để thiết kế game di động. Anh muốn đó sẽ là một game đơn giản nhưng thử thách, với tinh thần của trò chơi Nintendo mà anh đã chơi từ nhỏ. Và đó là bước khởi đầu để Flappy Bird, chú chim có đôi mắt to, môi dày đập cánh bay qua các đường ống màu xanh ra đời.
Vượt ngoài mọi trông đợi của tác giả, Flappy Bird đã trở thành một trong số những game hot nhất, đứng đầu các bảng xếp hạng ở hơn 100 quốc gia và được tải về hơn 50 triệu lượt. Hà Đông kiếm được khoảng 50.000 USD một ngày.
Bất chấp việc Flappy Bird trở thành một cơn sốt, Nguyễn Hà Đông vẫn là một điều bí ẩn. Anh tránh né báo chí và từ chối cho chụp ảnh. Anh đã bị gọi là kẻ gian lận, tên bịp bợm và một kẻ ăn cắp khi một số blogger buộc tội anh ăn cắp ý tưởng từ Nintendo.
Đến ngày 9/2, một thông báo xuất hiện trên tài khoản Twitter của Đông: "Tôi xin lỗi những người đang sử dụng Flappy Bird. Sau 22 tiếng nữa, tôi sẽ gỡ Flappy Bird xuống. Tôi không thể chịu đựng điều này hơn được nữa".
Việc Hà Đông gỡ bỏ game này đã khiến hàng triệu người hụt hẫng với câu hỏi: Anh chàng này là ai vậy và anh ta đã làm cái quái gì vậy?
Lớn lên ở Vạn Phúc, một ngôi làng ngoại thành Hà Nội, Nguyễn Hà Đông chưa bao giờ tưởng tượng mình lại trở thành nhà thiết kế game nổi tiếng thế giới. Mặc dù bố của anh có một cửa hàng bán linh kiện máy tính và mẹ anh làm việc cho cơ quan nhà nước, gia đình cũng không thể trang trải chi phí cho sở thích chơi game của Hà Đông và em trai.
Nhưng cuối cùng, họ cũng đã có thể mua được một thiết bị đồ chơi điện tử Nintendo và từ đó, Hà Đông đã dành thời gian rảnh của mình để khám phá trò chơi Super Mario Bros.
Đến năm 16 tuổi, chàng trai đã học cách mã hóa trò chơi cờ vua trên máy tính của mình. 3 năm sau đó, trong khi đang học chuyên ngành máy tính tại một trường đại học ở Hà Nội, anh đã được xếp vào top 20 trong một cuộc thi lập trình và vào làm việc tại công ty chuyên về trò chơi điện tử một thời gian.
Vào thời gian rảnh, Hà Đông viết chương trình game cho vui. Trước khi cho ra đời trò chơi Flappy Bird, anh đã từng viết một vài game khác. Dù chúng không thực sự thu hút sự chú ý, Hà Đông vẫn khá hài lòng với các thành quả của mình. Sự thành công bất ngờ của Flappy Bird thực sự vượt ngoài trông đợi của tác giả khi nó tạo thành một cơn sốt và khiến người ta không thể cưỡng lại hoặc ngừng chơi.
"Thấy trò chơi vượt lên đầu bảng xếp hạng, tôi cảm thấy phấn khởi", Hà Đông nhớ lại. Tuy nhiên, thay vì đi mua một chiếc Mac mới hay đưa bạn bè đi khao, anh lại không thực sự quá thích thú. "Tôi không thể quá vui sướng được. Tôi không biết tại sao", anh nói một cách trầm lặng. Thậm chí Hà Đông còn không để cho em trai mình kể cho bố mẹ nghe. "Bố mẹ tôi không hiểu về các trò chơi điện tử", anh giải thích.
Chỉ đến khi số tiền mà Nguyễn Hà Đông kiếm được trở thành đề tài nóng trên các mặt báo và truyền hình thì bố mẹ anh mới biết con trai mình thiết kế trò chơi điện tử. Các tay săn tin nhanh chóng "bao vây" nhà bố mẹ Hà Đông và anh không thể đi ra ngoài mà không gây chú ý. Trong khi điều này có thể coi là cái giá khá nhỏ cho danh tiếng và tiền tài, thì với Hà Đông, sự chú ý này khiến anh ngột ngạt. "Đó là điều tôi chưa bao giờ muốn. Làm ơn hãy để cho tôi được yên".
Đến tháng 2 vừa qua, áp lực của mọi việc, từ sự đeo bám, sự chỉ trích và buộc tội không ngừng, bắt đầu trở nên ngột ngạt. Hà Đông không thể ngủ, tập trung hay đi ra ngoài. Bố mẹ của anh rất lo lắng về sức khỏe của con trai. "Tôi có thể nói Flappy Bird là một sự thành công. Nhưng nó cũng hủy hoại cuộc sống của tôi. Vì thế giờ tôi ghét nó", anh từng nói.
Nhưng điều khó khăn nhất, Hà Đông chia sẻ, đó là một thứ hoàn toàn khác. Đó chính là tin nhắn mà Hà Đông đã lưu lại ở một mục riêng. Chia sẻ với tác giả viết bài, Hà Đông cho biết một phụ huynh học sinh ở Mỹ đã "mắng" Đông về việc trò chơi đã "làm xao nhãng tất cả trẻ em trên thế giới". Một người khác lại than thở "13 học sinh ở trường của tôi đã đập vỡ điện thoại vì trò chơi của anh, nhưng bọn chúng vẫn chơi không ngừng như bị nghiện".
Hà Đông kể về những email từ những viên chức công sở vừa mất việc, một người mẹ đã không còn nói chuyện với con mình. "Đầu tiên tôi tưởng họ chỉ nói đùa", Hà Đông nói, "Nhưng tôi nhận ra là họ đã thực sự tự làm tổn thương chính mình".
Những điều kể trên gợi nhắc cho Hà Đông nhớ về thời mình cũng đã bị trượt trong một bài kiểm tra ở trường vì mải chơi Counter-Strike. Và đó là lý do chính anh gỡ bỏ trò chơi này.
Khi tác giả tuyên bố sẽ gỡ bỏ Flappy Bird, chỉ trong vòng 22 tiếng, hơn 10 triệu người đã tải trò chơi này. Và khi Hà Đông nhấn nút, Flappy Bird biến mất.
Sẽ mua một chiếc ô tô và một căn hộ
Về phần Đông, việc hàng triệu người tải game về chơi đảm bảo cậu vẫn kiếm được hàng chục ngàn USD mỗi ngày. Nguyễn Hà Đông cuối cùng đã kết thúc mọi chuyện và nói rằng mình đang suy nghĩ về việc mua một chiếc Mini Cooper và một căn hộ. Giờ đây, anh đang bận rộn tập trung vào công việc mình yêu thích nhất: làm game.
Kể từ khi gỡ bỏ Flappy Bird, Hà Đông cho biết anh cảm thấy nhẹ nhõm: "Tôi không thể quay lại cuộc sống của mình trước đây, nhưng giờ thì tôi ổn rồi". Còn với tương lai của chú chim Flappy Bird, tác giả trẻ hiện vẫn từ chối mọi lời đề nghị mua lại. Nhưng liệu chú chim Flappy Bird có bay trở lại nữa hay không? Với câu hỏi này, Hà Đông cho hay anh đang suy nghĩ. "Tôi đang cân nhắc điều đó", anh nói.
Rolling Stone là tạp chí âm nhạc hàng đầu thế giới, nhưng thường có
những bài viết chân dung cô đọng và sắc sảo về những nhân vật nổi tiếng,
từ chính trị gia, ngôi sao ca nhạc, thể thao, nhân vật của công chúng
có uy tín lớn. chỉ riêng việc xuất hiện trên tạp chí này đã là một niềm
vinh hạnh đối với nhiều người, chứng tỏ vai vế của họ trong xã hội. Theo Vietnam+ |