Đã có thông báo nghỉ Tết dương lịch, Uyên khấp khởi nửa mừng nửa lo. Cô được nghỉ hẳn 4 ngày nhưng không biết kế hoạch về quê ngoại có thực hiện được không. Lấy chồng xa nên khổ vậy, nhiều khi nhớ nhà, nhớ bố mẹ nhưng lại vướng nọ, bận kia chẳng thể về thăm nhà đôi ba hôm. Cũng đã gần 1 năm rồi, Uyên thèm cái không khí ở quê vô cùng.
Nhà đẻ Uyên cách đây 500km nhưng mẹ chồng cô luôn mặc định nó xa như 5 nghìn cây số vậy. Hễ mỗi lần cô xin cho con về ngoại chơi là y như rằng bà vịn đủ lý do. Nào là xa xôi, sợ cháu ốm, nào là nhà có công nọ việc kia không thể thiếu con dâu. Đến khi không còn lý do nào nữa thì bà "lăn" ra bệnh khiến chồng Uyên đâu thể làm ngơ.
Uyên vừa nghe điện thoại của mẹ gọi ra. Giọng bà như nghẹn lại, nhớ con, nhớ cháu mong mòn mong mỏi ngày được đoàn tụ. Sức khỏe bố Uyên không được tốt nên mẹ cô lúc nào cũng phải túc trực bên cạnh. Mang tiếng nhà có hai anh em mà anh trai Uyên lại vào nam làm ăn rồi lấy vợ ở lại hẳn trong đó. Thế nên chỉ có mỗi ông bà quanh quẩn bên nhau. Trong khi đó, nhà chồng Uyên lại đông anh em. Cứ cuối tuần tụ tập lại cả con cái, dâu rể cũng phải gần chục người. Vậy mà chẳng bao giờ mẹ chồng chịu hiểu cho tâm lý của Uyên.
"Sao lại về quê, không được đâu, ngày nghỉ thật nhưng nhà nhiều việc lắm con ơi. Giỗ cụ cố phải về nhà thờ tổ, rồi nhà dì Huyền tân gia, phải sang đỡ đần dì ấy chứ", mẹ chồng Uyên gạt phắt đi khi cô bày tỏ mong muốn về quê trước cả tuần. Từ ngày Uyên lấy chồng, những ngày nghỉ đối với người ta đúng nghĩa là ngày nghỉ nhưng với riêng cô thì chả khác nào ngày bị "hành xác". Ai bảo cô đi lấy cháu đích tôn, con trai trưởng của nhà người ta làm gì cho khổ thế này?
Uyên ngán ngẩm với chuỗi ngày sắp tới. Nhìn bạn bè, đồng nghiệp nô nức lên lịch về quê mà cô thèm vô cùng. Vừa nhớ mẹ lại thương cho cái số mình, Uyên đánh liều rủ rỉ vào tai chồng cái ước vọng nhỏ nhoi. Không ngờ, anh tỏ thái độ ngoài sức tưởng tượng của Uyên: "Giỗ chạp cái gì, mẹ chỉ lắm chuyện, cụ cố họ bắn đại bác không đến. Còn nhà dì Huyền sửa lại với trồng tầng lên thì làm sao phải tân gia, mấy ông rủ nhau nhậu nhẹt thôi. Để đấy anh bảo mẹ".
Nghe chồng nói mà Uyên hả lòng hả dạ quá. Chồng cô hơi khô khan tí nhưng được cái thương vợ, biết phải biết trái chứ không bao giờ bênh mẹ. Phải mỗi cái tội không biết nói khéo nên toàn làm Uyên bị hiểu lầm. Thấy chồng ủng hộ, cô chợt nghĩ ra một cách.
"Ơ hay, mấy cái đứa này, mẹ nói với cái Uyên rồi mà không chịu hiểu à? Lúc khác về, ông bà bên đấy có làm sao đâu mà phải cuống lên", mẹ chồng Uyên gạt phắt đi khi vợ chồng cô lên tiếng. Vừa dứt lời thì cái lão chồng cục cằn của cô định cãi lý với mẹ nhưng bị Uyên gạt ngay sang một bên.
Uyên nắm chặt tay chồng, lấy hết can đảm và dũng khí khảng khái tuyên bố: "Mẹ ạ, là phận con cái thì đối với bố mẹ nào cũng phải như nhau. Mẹ nuôi anh Quyết lớn khôn cũng như bố mẹ con nuôi con. Giờ con đi lấy chồng ở nhà mình là chính, bố mẹ con ở quê có phần thiệt thòi nên chỉ mong ngày lễ được gặp con, gặp cháu vài hôm ngắn ngủi. Mà con thấy nhà con nói những việc kia không cần đến sự có mặt của vợ chồng con nên mong mẹ cho phép con được làm tròn chữ hiếu. Còn nếu mẹ vẫn nhất quyết không chấp nhận thì con cũng phải nghe theo lời mẹ. Nhưng Tết âm chúng con sẽ về ngoại. Phải không anh?".
Uyên liếc nhìn chồng nháy mắt theo đúng như kịch bản. Anh dịu giọng khoác tay mẹ: "Thôi mẹ ơi, chả lẽ mẹ muốn ăn Tết không có cháu nội à. Tính như vợ con là chuẩn rồi. Tối thứ 6 nhà mình tụ tập 1 bữa để thứ 7 vợ chồng con cái con về quê".
Mẹ chồng liếc xéo Uyên một cái rồi đành cười nhạt đồng ý. Đúng là có những chuyện không thể quá ngoan ngoãn cam chịu được, quan trọng nhất vẫn là người đàn ông bên cạnh mình.