Quốc lộ 4C với chiều dài 185km xuyên cao nguyên đá Đồng Văn mang tên là đường Hạnh Phúc vốn là con đường được khởi đầu và thành hình từ công sức và cả máu xương của hàng vạn thanh niên xung phong từ những năm 50 – 60 thế kỷ trước...

Với dân phượt nói riêng và những ai yêu thích khám phá vùng cao nói chung thì đường Hạnh Phúc là một hành trình đặc biệt. Hầu hết du khách muốn chinh phục cung đường này để thấy được cảnh sắc hùng vĩ cùng cuộc sống tươi đẹp phải vượt qua những con đèo cao vút như đèo Bắc Sum, đèo Cổng Trời, đèo Cán Tỷ, đèo Mậu Duệ, ngược lên Lũng Cú vời vợi mây trời. Và đặc biệt là vượt qua bức tường thành Mã Pì Lèng danh tiếng.

Sự đổi thay trên đường Hạnh Phúc

Chúng tôi bỏ lại thành phố Hà Giang bình yên với cột mốc Km 0 của quốc lộ 2 để chinh phục đường Hạnh Phúc xuyên cao nguyên đá. Sau 20km tương đối bằng phẳng là đèo Cổng Trời Quản Bạ sừng sững chào mời với độ dốc lớn khiến xe phải bò số 1, số 2. Đứng trên Cổng Trời Quản Bạ du khách sẽ chẳng khó nhận ra một thị trấn Tam Sơn giàu có trải rộng giữa lòng thung lũng.

Du hành trên con đường Hạnh Phúc tại Hà Giang 1
Những cung đèo đáng sợ trên đường Hạnh Phúc.

Những mái nhà tầng, biệt thự mọc lên san sát nhau kéo dài đến tận chân núi. Một thị trấn miền núi mà giàu đẹp không kém dưới xuôi. Ở đó có đủ các dịch vụ nhà hàng, khách sạn, càphê, wifi, massage… 50 năm trước, nếu không có mồ hôi, nước mắt của hàng vạn thanh niên xung phong lao động mở đường thì có lẽ không có được một Tam Sơn xinh đẹp như ngày nay.

Giữa những quả núi trùng trùng điệp điệp, một vẻ đẹp tuyệt vời mà thiên nhiên đã ban tặng cho Tam Sơn, cho cao nguyên đá. Hỏi chị Len, một người bán đồ lưu niệm ở Cổng Trời chúng tôi mới được biết núi đôi Quản Bạ thực ra xa xưa là núi đôi Cô Tiên. Núi đôi Cô Tiên có hai chóp giống hệt đôi gò bồng đào của thiếu nữ. Nó nằm nổi bật giữa cánh đồng Tam Sơn rộng lớn, bằng phẳng và màu mỡ.

Đi trên những đoạn đèo dốc chốc chốc lại bắt gặp cảnh bình yên dưới lòng thung lũng. Những bản làng của các dân tộc những huyện vùng cao Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc giờ đây đã đổi thay. Người dân không còn trồng hoa anh túc như xưa nữa, giờ họ biết trồng ngô trên những núi đá khô cằn.

Bà Giàng Thị Véo, dân tộc Mông ở Sà Phìn đang làm nương trong buổi sáng hè, nhìn về phía chúng tôi cười khúc khích. Giữa những núi đá tai mèo đen sì, sắc nhọn mọc lên tua tủa ấy, bà Véo vẫn biết tận dụng khe nhỏ để đổ đất gieo hạt. Nghỉ tay, bà tâm sự với cái giọng khàn khàn: “Ở đây trồng cây ngô để có cái ăn hàng ngày. Thỉnh thoảng lũ trẻ mới được bữa cơm thôi à”.

Trên con đường dẫn đến thị trấn Đồng Văn, chúng tôi đã thấy người dân đang lên nương đổ ải, làm cỏ để chuẩn bị gieo hạt cho mùa lúa mới. Với những khu ruộng bậc thang thì mỗi năm trồng được một vụ lúa đã là may mắn rồi. Những điểm trường mầm non, tiểu học mọc lên nhiều dọc con đường Hạnh Phúc. Sáng sáng lũ trẻ cắp sách tới trường dù trên đôi chân nhiều đứa không có cả dép, bộ quần áo mặc đã cũ rách.

Du hành trên con đường Hạnh Phúc tại Hà Giang 2
Lũ trẻ tới trường trên con đường Hạnh Phúc.

Bỏ lại đèo Yên Minh với những bà lão dân tộc bán dưa hấu, dưa chuột giữa trưa hè nắng cháy; bỏ lại hình ảnh bà Véo làm nương giữa trùng trùng núi đá, trước mắt chúng tôi giờ là cung đường đèo hùng vĩ, hiểm trở được gọi tên Mã Pì Lèng (hay Mã Pí Lèng, Mão Pí Lèng). Theo tiếng của đồng bào Mông, tên gọi đó có nghĩa là sống mũi con mèo.

David, một chàng trai người Pháp mặc áo cờ đỏ sao vàng Việt Nam đã không khỏi xuýt xoa về vẻ đẹp hùng vĩ của Mã Pì Lèng. Anh leo ra tận mỏm núi để kiếm những bức hình độc đáo, bất chấp sự can ngăn hiểm nguy của cô bạn gái đi cùng. Lũ trẻ con Mông trên đỉnh Mã Pì Lèng vui nhộn và không bao giờ tắt nụ cười trên môi, xe nào đi qua, chúng cũng đưa tay lên vẫy, nói: “Xin chào” và nếu có ai đó có kẹo, có bánh muốn cho, cả bọn lại ùa đến ríu rít, hò hét vui nhộn.

Và đây, khi nhà quan sát dòng Nho Quế đã hiện ra thì chúng tôi cũng biết được rằng mình đã chạm tới đỉnh Mã Pì Lèng cao hơn 2.000m so với mực nước biển. Được biết, ngày xưa để có được 20km đường đèo Mã Pì Lèng, đội cảm tử mở đường đã phải treo mình suốt 11 tháng trên vách núi để đục đá mở ra con đường công vụ rộng chỉ vẻn vẹn 40cm. Từ con đường công vụ đó, đến hôm nay mới có một đường đèo Mã Pì Lèng thênh thang hai làn xe ôtô bốn chỗ có thể tránh nhau.

Chứng tích của một đế chế

Cao nguyên đá Đồng Văn không chỉ là một công viên địa chất của thế giới, mà còn là một vùng đất chứa những chứng tích lịch sử rất tiêu biểu của đồng bào vùng cao tỉnh Hà Giang. Trước khi có con đường Hạnh Phúc, từ mạn Quản Bạ ngược về phía biên giới gần như bị chia cắt với miền xuôi bởi Cổng Trời.

Ông Giàng A Sung, năm nay đã 76 tuổi ngồi bán nước mía ở thị trấn Tam Sơn kể rằng, ngày xưa con ngựa leo đến Cổng Trời còn gục ngã, làm gì có xe cộ như bây giờ để xuống được miền xuôi. Cả vùng miền núi Hà Giang trước Cách mạng tháng tám là vương quốc, là lãnh thổ của ông Vua Mèo Vương Chính Đức (1865 –1947).

Nằm sát con đường Hạnh Phúc và cách thị trấn Đồng Văn 14km ngày nay là chứng tích về một thời của gia tộc họ Vương. Chị hướng dẫn viên cho biết, ông Vua Mèo Vương Chính Đức là người đầu tiên đặt nền móng cai trị các đồng bào dân tộc thiểu số ở đây.

Dưới sự cai trị của Vua Mèo, tất cả người Mông (dân tộc chiếm đa số) phải trồng cây anh túc để làm thuốc phiện. Ông Vua Mèo sau đó bán thuốc phiện cho nhà Thanh, cho Tưởng Giới Thạch và rồi cho thực dân Pháp để lấy vàng và ngoại tệ.

Sự giao thương giữa Vua Mèo với phương Bắc thể hiện rõ nét trong kiến trúc của khu dinh thự họ Vương. Tổng thể kiến trúc rộng hơn 1.000m2 với 13 hạng mục công trình của dinh khá giống với nhiều biệt phủ của vua quan Trung Quốc thời phong kiến. Vương Chính Đức mặc áo vua cũng na ná một vị vua phương Bắc...

Toàn bộ khu dinh thự rộng lớn được bao bọc bởi vòng tường đá dày 1m, cao từ 2,5 – 3m. Một khối lượng rất lớn gỗ lim, pơmu, sến… cùng với đá xanh khổng lồ đã dùng để xây lên khu vương phủ đồ sộ này. Tất cả những bức tường chính trong dinh phủ đều có độ dày 50 – 60cm được xây bằng đá sau đó ốp gỗ quý bên ngoài.

Khi màu xanh của dòng Nho Quế khuất hẳn dưới khe núi, chúng tôi cũng đến được Mèo Vạc, thị trấn với cột mốc Km185. Dẫu biết, cuộc sống của những con người vùng trời cực Bắc của tổ quốc vẫn còn nghèo đói lắm, gian nan lắm nhưng mầm “hạnh phúc” đang nảy nở giữa đá sỏi. Với những ruộng bậc thang lúa mới, nương ngô xanh tươi, lũ học sinh đôi mắt tròn xoe cắp cặp tới trường; với chúng tôi hành trình mang tên Hạnh Phúc chưa bao giờ kết thúc.