Khi một đứa trẻ lớn lên có vấn đề, nguyên nhân sâu xa nhất định là từ cha mẹ. Nhiều phụ huynh nghĩ rằng cứ cung cấp vật chất là con hạnh phúc, tuy nhiên đó chỉ là sự đầy đủ bề ngoài. Một đứa trẻ trưởng thành thực sự cần nhiều điều hơn thế. Câu chuyện của Trần Vũ, một nam sinh ở Trung Quốc, dưới đây là một ví dụ. Trần Vũ từng là cái tên được nhiều cha mẹ đem ra để nhắc nhở bản thân về cách giáo dục con cái của mình. 

Ở tuổi 22, thay vì ra đời tự lo cho bản thân, Trần Vũ đã trở thành nỗi lo lắng lớn nhất của cả gia đình. Từ nhỏ cậu đã thu mình lại, không muốn giao tiếp với người khác. Cậu lấy các trò chơi điện tử làm bạn đồng hành, liên lạc duy nhất với gia đình chỉ là xin tiền bạc.

Lưu, mẹ của Vũ, là một phụ nữ thành đạt, làm giám đốc của một công ty ở Cáp Nhĩ Tân, còn chồng là công chức nhà nước. Cả hai chia tay trong êm đẹp với lý do không hợp nhau và bắt đầu cuộc sống mới nhưng đối với Trần Vũ, điều này đã trở thành bước ngoặt trong quá trình trưởng thành.

Du học 2 năm tốn gần 7 tỷ đồng, về nhà bà ngoại đút ăn từng bữa: Bi kịch từ cách dạy con sai lầm - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Sau khi cha mẹ ly hôn, Trần Vũ được đưa đến nhà bà nội. Là cháu trai duy nhất nên Trần Vũ được cưng chiều hết mực. Cảm thấy đứa cháu của mình bị thiệt thòi rất nhiều, người bà càng bao bọc, không cho Trần Vũ chịu cực một chút gì.

Một năm sau, bố mẹ Trần Vũ lập gia đình riêng nhưng họ càng đối xử với con trai tốt hơn. Chỉ cần con muốn gì thì đều sẽ đáp ứng vô điều kiện. Nhưng kiểu tình yêu này không những không giúp Trần Vũ hạnh phúc mà còn khiến cậu ngày càng khép mình. Trần Vũ không có bạn ở trường và hiếm khi giao tiếp với người khác, điểm của cậu chỉ ở mức trung bình. 

Tốn một đống tiền cho con đi du học, về nhà vẫn phải đợi bà đút cơm

Khi con trai đang là học sinh năm hai tại một trường trung học tư thục ở Cáp Nhĩ Tân, bà Lưu đã phân tích điểm số và nhận thấy con rất khó để vượt qua 400 điểm trong kỳ thi tuyển sinh đại học. Vì lý do này, bà đã đề xuất cho con trai đi du học.

Trần Vũ được mẹ gửi đến New Zealand để học dự bị, hy vọng rằng cậu sẽ tiếp tục theo học các trường đại học ở đó. Tuy nhiên, sự phát triển của con trai ở nước ngoài khác xa với tầm nhìn của mẹ.

Ở Trung Quốc, Trần Vũ đã quen với cuộc sống tự cho mình là trung tâm, muốn làm gì thì làm. Khi ra nước ngoài, cậu vẫn tiếp tục nếp sống cũ của mình. Trần Vũ không có bạn bè và hầu như không giao tiếp với mọi người. Chơi trò chơi là cách để giết thời gian. Bất kể là cha mẹ hay ông bà, bất cứ khi nào nói chuyện điện thoại, câu đầu tiên của Trần Vũ luôn là: "Bố mẹ/bà có tiền không?". Về mặt tài chính, Trần Vũ chưa bao giờ hiểu thiếu thốn là gì, bởi vì cả gia đình sẽ nghiến răng đáp ứng mọi nhu cầu.

Muốn về nhà thì có thể về nhà, chỉ tính riêng chi phí đi lại, Trần Vũ đã tiêu tốn hàng trăm nghìn nhân dân tệ một năm. Cùng với học phí và chi phí sinh hoạt đắt đỏ, Trần Vũ đã tiêu ít nhất 2 triệu nhân dân tệ (khoảng 7 tỷ đồng) trong 2 năm. Kết quả thì không đạt được gì, thậm chí còn không lấy được bằng tốt nghiệp trường dự bị. Tệ hơn nữa, khi ở nước ngoài, tính cách của Trần Vũ trở nên thu mình hơn và cậu còn bị nghi ngờ mắc chứng trầm cảm. Sau đó, bà Lưu mới nhận ra rằng du học không phù hợp với con trai mình.

Hai năm sau ngày con đi du học, bà Lưu quyết định đưa con về nước. Bà mẹ chán ngán cho biết: "Con tôi hầu như không ra khỏi nhà, chỉ chơi trò chơi trực tuyến trong phòng ngủ. Bà nội mang đồ ăn đến, thậm chí còn đút cho ăn".

Bà tiếp tục gửi Trần Vũ đến học tại một trường cao đẳng, với hy vọng rằng con có thể học được một kỹ năng nào đó. Tuy nhiên, chưa đầy hai tháng, Trần Vũ đã mâu thuẫn với các bạn cùng lớp và nhất quyết đòi về nhà, bắt đầu lại cuộc sống lấy game trực tuyến làm niềm vui. Khi không thể vượt qua trò chơi vì cấu hình máy tính không đủ, Trần Vũ sẽ ngay lập tức gửi tin nhắn WeChat cho mẹ mình, yêu cầu: "Đưa con tiền đổi máy tính".

Lưu kiếm được mức lương cao và sống cuộc sống sung túc, nhưng đứa con trai lại chính là "căn bệnh" khiến bà mất ngủ, thậm chí có triệu chứng trầm cảm.

Trước trường hợp của Trần Vũ, ông Trương Tòng Bồi, một chuyên gia tâm lý nổi tiếng ở Trung Quốc, đã chỉ ra vấn đề. Ông cho rằng sự ưu ái mù quáng đã khiến Trần Vũ trở nên cực đoan và trật bánh khỏi xã hội. Tình yêu thương là bản chất của giáo dục nhưng cha mẹ của Trần Vũ đã chọn cách thay thế tình yêu bằng vật chất, điều này dẫn đến vô số vấn đề, khiến con trai như một "đứa trẻ khổng lồ", không có khả năng sống tự lập.

Yêu con không có nghĩa là cho con bao nhiêu cũng được, để con có cảm giác tiền tiêu không hết, mà phải định hướng con thành người giàu tri thức, có tinh thần vượt khó. Khi đến thời điểm thích hợp, hãy cho con biết rằng kiếm tiền không dễ chút nào. 

"Khi một đứa trẻ lớn lên với những vấn đề, nguyên nhân gốc rễ là từ cha mẹ. Cần gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng, dù tình trạng hôn nhân của bạn như thế nào, dù sự nghiệp của bạn có bận rộn đến đâu, dù cuộc sống có bộn bề như thế nào thì việc đồng hành cùng con cái là điều không thể thiếu. Bởi những gì bạn dành cho con cái xác định chúng sẽ là người như thế nào trong tương lai", ông Trương nói.