Từ đầu năm học UBND TP Hà Nội đã ban hành khung kế hoạch thời gian năm học 2021-2022 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên trên địa bàn TP. Theo đó, các cơ sở giáo dục phải hoàn thành kế hoạch học kỳ II trước ngày 25/5 và kết thúc năm học 31/5.

Thực tế, năm học này có nhiều xáo trộn khi dịch COVID-19 tác động mạnh mẽ, nhiều bậc học phải ngừng đến trường, học trực tuyến. Từ sau Tết Nguyên đán học sinh lớp 7-12 được đi học trực tiếp. Riêng học sinh lớp 1-6 đi học từ 6/4 đến nay được hơn 1 tuần.

Thời điểm này, nhiều trường băn khoăn, liệu Hà Nội có kéo dài thời gian năm học để các nhà trường có đủ thời gian củng cố, bổ sung kiến thức, kỹ năng cho học sinh.

Dự kiến lùi lịch nghỉ hè: Bộ GD&ĐT nói gì? - Ảnh 1.

Các nhà trường được chủ động trong kéo dài thời gian kết thúc năm học.

Về vấn đề này, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, cho biết: "Theo khung thời gian năm học của UBND TP phê duyệt, các trường kết thúc năm học trước ngày 31/5, trong đó có 2 tuần dự phòng.

Trong bối cảnh hiện nay, nếu các nhà trường nhận thấy cần thiết, có thể tận dụng khoảng thời gian 2 tuần cuối năm học để bù đắp, củng cố kiến thức, kỹ năng cho học sinh, từ lớp 1-11 kết thúc năm học chậm nhất là 31/5.

Riêng học sinh lớp 12, các nhà trường có thể kéo dài năm học hơn nhằm cho học sinh ôn tập, đáp ứng kỳ thi tốt nghiệp THPT. Việc kéo dài thời gian ôn tập bao lâu phụ thuộc vào nhu cầu của học sinh và các trường để các đơn vị chủ động đảm bảo chất lượng dạy và học".

Ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT thì cho biết việc kéo dài thời gian năm học với học sinh lớp 1 đến lớp 11 (nếu có) là quyền chủ động của các địa phương, không cần phải xin ý kiến của Bộ GD-ĐT.

"Riêng với khối lớp 12, Bộ yêu cầu việc điều chỉnh kế hoạch năm học sao cho hoàn thành trước 30/6 để kịp với lịch thi tốt nghiệp THPT dự kiến vào tháng 7/2022", Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ nói.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, qua báo cáo của các địa phương đến thời điểm này, kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn có thể tổ chức vào tháng 7 như dự kiến của Bộ.

Trước đó, trong công văn gửi các sở GD-ĐT, các trường THPT trực thuộc, Bộ GD-ĐT cho phép các địa phương chủ động điều chỉnh kế hoạch dạy học để ứng phó với dịch Covid-19.

Các trường vẫn còn quỹ thời gian hai tuần dự phòng để thực hiện kế hoạch năm học. Nếu thực sự cần thiết, địa phương có thể nới khung thời gian năm học rộng hơn so với quy định để học sinh có thêm thời gian bù đắp khoảng trống về kiến thức, kỹ năng do trước đó phải thực hiện năm học bằng hình thức trực tuyến, qua truyền hình trong điều kiện dịch bệnh.

Việc linh hoạt thực hiện khung thời gian năm học có thể áp dụng trên phạm vi địa bàn nhỏ nhất là phường, xã đối với đối tượng học sinh nhỏ nhất là trẻ mầm non, tiểu học trên tinh thần ưu tiên về chất lượng và để các trường có khoảng thời gian nhất định sau khi kết thúc năm học, chuẩn bị cho năm học mới kế tiếp.

Với năm học 2020-2021, Bộ GD-ĐT đã hai lần điều chỉnh lùi thời điểm kết thúc năm học và lùi thời gian thi tốt nghiệp THPT do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Sang năm học 2021-2022, Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh đề xuất lùi thời gian kết thúc năm học do tình hình dịch Covid-19 phức tạp, học sinh chủ yếu học online.

Bậc tiểu học TPHCM sẽ kết thúc năm học vào 30/6

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM Nguyễn Bảo Quốc thông tin, bậc tiểu học ở địa phương này sẽ kết thúc năm học 2021-2022 vào ngày 30/6, tức là lùi thời gian kết thúc năm học khoảng 1 tháng. Riêng khối lớp 5 sẽ kết thúc trước 10/6.

Ông Quốc lưu ý, ngay cả khi đã kết thúc năm học theo thời gian quy định, với những trường hợp học sinh cần bổ sung kiến thức thì nhà trường vẫn phải xây dựng kế hoạch để hỗ trợ các em, đảm bảo học sinh có thể bắt nhịp tốt với chương trình trong năm học tiếp theo. Với học sinh lớp 5, các trường cần có biện pháp hỗ trợ để các em tiếp cận Chương trình GDPT 2018 ở bậc lớp 6 mà không bị bỡ ngỡ.

Theo ông Nguyễn Bảo Quốc, do năm học này chịu tác động của dịch Covid-19 nên Sở GD&ĐT sẽ trao quyền linh động trong tổ chức kiểm tra đánh giá học sinh học kỳ II cho các địa phương.