Nhiều sai phạm sử dụng lao động trẻ em chưa bị “tuýt còi”
Cụ thể, Thông tư quy định, thời gian làm việc của người từ đủ 13 tuổi đến dưới 15 tuổi không được quá 4 giờ/ngày, không quá 20 giờ/tuần, không làm thêm giờ hay làm việc vào ban đêm. Người dưới 13 tuổi làm việc không quá 3 giờ/ngày và không quá 15 giờ/tuần. Người ở độ tuổi này được làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật, thể dục, thể thao, nhưng không được làm tổn hại đến sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách.
Soi chiếu tình hình thực tế thời gian qua, nhiều lĩnh vực, nhất là văn hóa nghệ thuật, thể thao để lộ nhiều sai phạm trong việc sử dụng lao động chưa đủ 15 tuổi nhưng vẫn chưa bị “tuýt còi”. Tình trạng trẻ em phải làm ngoài giờ, làm những công việc không phù hợp với độ tuổi, nhận thức, tình trạng sức khỏe, hay việc ký kết hợp đồng chưa rõ ràng... vẫn còn không ít. Thậm chí, có những lĩnh vực không được phép sử dụng lao động trẻ em, nhưng vẫn cố tình... vi phạm.
Điển hình, bộ phim Vợ ba khởi chiếu năm 2019 nhưng chỉ sau 3 ngày đã phải dừng chiếu tại các rạp vì dư luận phản đối gay gắt khi sử dụng diễn viên 13 tuổi đóng các “cảnh nóng” trong phim gắn mác 18+.
Tuy nhiên, thời điểm đó cục Trẻ em và bộ Văn hoá-Thể thao và Du lịch phải sử dụng các quy định khác để xử lý vụ việc, chứ chưa xử lý trực diện theo các quy định pháp luật về bảo vệ trẻ em, sử dụng người chưa đủ 15 tuổi làm việc. Đây là một vụ việc nghiêm trọng về việc lạm dụng trẻ em, đồng thời cho thấy những “lỗ hổng” trong các quy định về sử dụng lao động chưa thành niên.
Nhìn nhận về vấn đề này, chị Ly Ly (Hà Nội) - một phụ huynh có con hoạt động nghệ thuật từ nhỏ cho hay: “Con tôi làm mẫu nhí từ lúc 2 tuổi, đến nay đã được một năm. Về cơ bản, tôi ủng hộ việc ban hành dự thảo này.
Nhưng, tôi băn khoăn, nếu dự thảo này được thông qua, cơ quan - bộ phận nào sẽ đứng ra giám sát để bảo vệ quyền lợi cho trẻ em chưa đủ 15 tuổi. Nếu xảy ra sai phạm thì sẽ bị xử lý ra sao? Từ quy định trên giấy muốn áp dụng vào thực tiễn, tôi nghĩ cần phải rõ ràng, chặt chẽ hơn”.
Nỗi lo “giao trứng cho ác”
Một điểm khác trong dự thảo này cũng làm dấy lên những lo ngại. Theo đó, điều kiện bắt buộc với người sử dụng lao động là không có tiền án, tiền sự về xâm hại, bạo lực trẻ em, được sự đồng ý của người đại diện hợp pháp và lập sổ theo dõi riêng cho các em. Khi tuyển dụng, người chủ phải có giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người dưới 15 tuổi, cha mẹ hoặc người giám hộ. Đồng thời, phải có biện pháp bảo vệ trẻ em tại nơi làm việc; tôn trọng, lắng nghe ý kiến của trẻ em...
Vấn đề đặt ra, ai - cơ quan nào sẽ kiểm định rõ lý lịch của người sử dụng lao động trước khi ký kết hợp đồng? Bố mẹ/những người giám hộ của các em liệu có đủ khả năng, cơ sở để khẳng định, người chủ đó trong sạch. Hay lại “giao trứng cho ác”, đến khi sự việc đáng tiếc vỡ lở ra, thì mọi chuyện đã quá muộn? Đây cũng là nỗi lo, trăn trở của chị Ly Ly và nhiều bậc phụ huynh có con hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật.
“Thời gian trước, tôi thuê quản lý cho con, nhưng cảm thấy không yên tâm, nên quyết định đồng hành với con 24/24h. Trước khi cho con tham gia một công việc hay show diễn nào đó, tôi cũng dành thời gian tìm hiểu kỹ càng mọi mặt.
Tuy nhiên, tôi không thể chắc chắn hết tất cả những thông tin mình nắm được là chính xác 100%. Nếu trong dự thảo, Bộ có nhắc đến vấn đề này thì cần phải cụ thể, rõ ràng hơn về cơ chế quản lý, giám sát người sử dụng lao động, như vậy phụ huynh chúng tôi mới yên tâm để con làm việc”, chị Ly Ly bày tỏ.
Theo thống kê của bộ LĐ-TB&XH năm 2019, có tới 1,4 triệu trẻ bị lạm dụng trong tổng số 26,3 triệu trẻ em toàn quốc, gồm cả sử dụng lao động. Đây quả là con số rất đáng báo động, và nếu dự thảo này được thông qua sẽ là hành lang pháp lý quan trọng để bảo vệ quyền lợi cho lao động dưới 15 tuổi. Nó sẽ góp phần lấp đi “lỗ hổng” trong các quy định về lao động, bảo vệ trẻ em.
Nhưng “nói phải đi đôi với hành”! Quy định trên giấy tờ là một chuyện, việc áp dụng quy định đó vào thực tiễn lại là chuyện khác. Những bất cập, hạn chế trong thực tiễn áp dụng các quy định pháp luật về lao động chưa đủ 15 tuổi lâu nay vẫn là “bài toán” còn bỏ ngỏ. Nếu đã đưa ra chế tài, thì phải thực thi đến nơi đến chốn, đừng chỉ mãi “đánh trống bỏ dùi”.
Về mặt pháp lý và tính thực thi của dự thảo Thông tư quy định sử dụng lao động chưa đủ 15 tuổi, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng – Trưởng Văn phòng Luật sư Kết nối nêu quan điểm: “Việc trẻ em làm thêm giúp đỡ gia đình là chính đáng.
Nhưng, nếu đã quy định về việc sử dụng lao động dưới 15 tuổi, thì phải ghi rõ những ngành nghề nào được phép sử dụng, chứ không nên quy định chung chung và độ tuổi nào là ở tuổi tối thiểu. Cần có những quy định rõ ràng, từng độ tuổi, từng nhóm ngành nghề”.
Trước câu hỏi ai là người giám sát lý lịch của người sử dụng lao động là trẻ em để tránh trường hợp “mất bò mới lo làm chuồng”?, LS. Hùng cho rằng, khi sử dụng lao động là trẻ em, bắt buộc chủ doanh nghiệp phải đăng ký, cung cấp đầy đủ thông tin.
Không phải ai cũng có thể sử dụng lao động là trẻ em. Phải có một cơ chế, nêu rõ lý do vì sao sử dụng lao động là trẻ em và ngành nghề nào thì cơ quan chức năng mới có thể quản lý hết.