Quản lý chi tiêu và tiết kiệm cho mục đích lâu dài là cách để giữ gìn cuộc sống và tài chính gia đình an toàn trước các rủi ro có thể xảy đến. Chị Bích Thảo (hiện đang sống tại Băng Cốc, Thái Lan) là người phân bổ chi tiêu rất hợp lý.
Chị cho biết, với khoản tiền tích lũy, chị phân ra 5 loại quỹ tiết kiệm khác nhau, tiền lương sau khi về sẽ được chuyển vào các tài khoản đó ngay lập tức, số còn lại mới dành cho chi tiêu. Trong cách chi tiêu chị cũng rất chặt chẽ và kiểm soát để biết số tiền của mình đang đi về đâu.
"Gia đình mình gồm 2 vợ chồng và 2 bé (bé trai 11 tuổi, bé gái 6 tuổi). Mình sống và làm việc tại Bangkok. Công việc của mình khá bận rộn, áp lực nên mình luôn hướng đến sự cân bằng trong công việc và gia đình, chi tiêu và hưởng thụ", chị Bích Thảo cho biết.
1. Thu nhập
"Mình luôn thích thử sức ở nhiều lĩnh vực khác nhau (cả làm thêm/bán thời gian). Mình từng đi dạy thêm ngoại ngữ/phiên dịch/freelance cho các tổ chức quốc tế/lựa chọn, bán sỉ hàng Thái cho các bạn bán hàng online. Thời gian mình có hạn, nên mình chỉ làm những việc có thể làm tại nhà. Ngay cả bán hàng, mình cũng chỉ tập trung 4-5 mặt hàng nhất định và tham gia 1 vài khâu quyết định (bỏ vốn, chọn hàng) chứ không tham gia vận chuyển, tư vấn, bán lẻ", chị Bích Thảo chia sẻ thêm.
2. Tiêu dùng
- Tiền cố định hàng tháng = tiền còn lại trong tài khoản ATM
Tiền lương được chuyển khoản vào thẻ ATM và được chuyển đi các tài khoản tiết kiệm khác trong cùng một ngày. Sau khi trừ, ATM tiền lương chỉ còn tiền chi dùng trong tháng. Đây là cách chị Bích Thảo sử dụng để đảm bảo không tiêu xén quá tay mà ảnh hưởng tới số tiền tiết kiệm.
Khoản này dành cho ăn uống đi lại, điện nước trong tháng. "Mình lên kế hoạch chi tiêu cho phần này khá sát, bao gồm ăn gì, số lượng, mua ở đâu. Nhà mình dùng khoảng 10 - 15 triệu cho khoản này. Mình cũng không làm Internet Banking cho ATM này, muốn dùng chỉ có thể rút tiền mặt. Mình không ghi chép thu chi hàng ngày vì mình không có thời gian, nhưng cứ dùng gần hết khoản tiền ăn trong thẻ là mình biết cân nhắc cân đối luôn".
- Tài khoản cho chi tiêu lạm phát - ATM visa debit (thẻ trả trước)
Dùng trong trường hợp nổi hứng chi tiêu ngoài khoản cố định tháng, tài khoản này chỉ để khá ít. "Mình có mở Internet Banking để thuận tiện trong trường hợp muốn mua hàng online, hoặc có khi đi công tác phải ứng trước tiền. Thật ra đây là 1 tài khoản để mình có thể nuông chiều bản thân 1 chút, trong phạm vi giới hạn", chị Bích Thảo cho biết.
- Thẻ tín dụng (credit card) - thẻ trả sau
Thẻ nối sẽ nối trực tiếp với thẻ ATM của chồng cho mục tiêu ăn uống đi lại trong tháng, cuối tháng sẽ trừ tiền tự động trong ATM tiền lương. Thẻ tín dụng cũng tiện lợi khi mua hàng online, có tích điểm tích lũy, giảm giá ăn uống/xem phim.
Một số nguyên tắc khi dùng thẻ tín dụng là không nên lạm dụng mua trả góp, không dùng thẻ tín dụng nếu không có trả năng trả đúng hạn cuối tháng. Thỉnh thoảng thẻ tín dụng cũng có thể dùng trong trường hợp khẩn cấp, không có đủ tiền mặt cho cả gia đình.
- Tiền thưởng hàng năm
Khoản này thường chia làm 3 phần. Một phần biếu bố mẹ 2 bên, 1 phần bảo dưỡng/bảo hiểm xe, nếu còn dư thì cho vào quỹ du lịch.
3. Tiết kiệm và tích lũy cho tương lai
1. Tiền tiết kiệm dài hạn (quỹ hưu trí)
Chị Bích Thảo và chồng đều mua cổ phần công ty, tiền lời cao hơn ngân hàng, chỉ được mua bằng tài khoản lương và chỉ được rút sau khi nghỉ việc hay về hưu. Tiền lời theo hàng năm và là quỹ cho vào tiền cố định cũng tính bằng hàng năm.
Phần tiền lời được lấy hàng năm chị Thảo cho vào 1 tài khoản riêng gọi là quỹ giáo dục, để dễ quản lí, rút được 1 lần/tháng vừa đủ cho 2 con học theo chương trình tăng cường tiếng Anh ở trường thêm 1 ít ngoại khóa thể thao.
2. Tiền tiết kiệm trung hạn (Quỹ dự phòng khẩn cấp)
Tiền tiết kiệm này chị Thảo gửi theo quỹ tiết kiệm của công ty, muốn gửi bao nhiêu cũng được. Tiền lời cao hơn ngân hàng 1 chút. Tài khoản này được chị Thảo mở với mục đích là tích lũy 6 tháng - 2 năm chi tiêu cho cả gia đình để phòng ngừa rủi ro xảy đến. Sau khi tài khoản này đủ cho 2 năm tiêu dùng, phần dư sẽ là cơ hội cho chị đầu tư.
3. Sổ bảo hiểm tai nạn
Chị Thảo có lập 1 sổ bảo hiểm tai nạn (đóng 1 lần), tiền lãi gần như không. Nhưng nếu chị có chuyện rủi ro xảy ra, 2 con sẽ được bảo hiểm tai nạn trả gấp 20 lần số tiền mình mua bảo hiểm.
4. Sổ bảo hiểm nhân thọ
Đóng theo hàng năm (trong vòng 10 năm), tiền lời ít ít, được giảm thuế thu nhập.
5. Sổ bảo hiểm y tế
Nhà chị Thảo và bố mẹ 2 bên đều tham gia bảo hiểm y tế. Một phần được hỗ trợ bởi công ty và mua thêm để có thể bao gồm luôn cả khám bệnh ngoại trú và nội trú.
"Vợ chồng mình cũng thỉnh thoảng bị cảm cúm, ho sốt. Các con còn bé thì cũng thường xuyên ho sốt, tiêu chảy. Lần gần nhất, bạn lớn nhà mình nằm viện 1 ngày, được thanh toán hoàn toàn và mình chỉ phải ứng trước tiền bằng cách dùng thẻ tín dụng hoặc tiền khẩn cấp. Mình thấy bảo hiểm y tế vô cùng quan trọng để có thể kiểm soát chi tiêu cho các gia đình".
Bài viết ghi theo lời chia sẻ của NV