Giữa không khí đầy hào hùng của những ngày này, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (War Remnants Museum, số 28 Võ Văn Tần, quận 3, TP.HCM) giống như một nốt trầm đầy sâu lắng giữa TP.HCM hiện đại, nơi người ta tìm tới để chạm tay vào ký ức đau thương mà đầy tự hào.
"Tôi thấy mình như lúc bị còng chân, nằm trên nền xi măng ẩm thấp, chịu đủ hình thức tra tấn, hỏi cung. Chen chúc trong không gian ngột ngạt ấy, tay cầm nắm cơm đầy cát với sạn, con khô đắng ngắt như ký ninh, hôm thì thức ăn là muỗng mắm đầy dòi kèm nửa lon sữa bò đựng nước uống. Những chuyện như tắm giặt gần như không còn trong tâm thức chúng tôi", ông Nguyễn Văn Thành, cựu chiến binh từ Quảng Trị xúc động khi bước vào khu trưng bày mô phỏng "chuồng cọp".

Khu vực "chuồng cọp" tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh.
Dù tuổi cao, trí nhớ đôi lúc không còn minh mẫn, nhưng ký ức về những ngày bom rơi đạn réo, về sự tàn bạo của quân thù đối với những người yêu nước vẫn in đậm trong tâm trí ông. Đôi mắt đỏ hoe, nhưng giọng ông hào sảng: "Một dân tộc đã trải qua những ngày tột cùng của đau thương… nhưng tôi luôn tự hào, và chưa từng tiếc nuối tuổi trẻ của mình. Thế hệ chúng tôi đã chịu đựng biết bao gian khổ, đã chiến đấu để giành lấy độc lập, tự do. Giờ đây, chúng tôi hãnh diện thấy con cháu mình được sống trong hòa bình, yên vui và no ấm...".
Bước đi chậm rãi, cùng ông Thành ôn chuyện ngày xưa khiến nhịp thở những người xung quanh dường như cũng chùng lại. Giọt nước mắt lặng lẽ rơi trên gương mặt người lính già không chỉ bởi nỗi đau quá khứ mà còn vì niềm tự hào sâu sắc khi chứng kiến đất nước hồi sinh từ tro tàn chiến tranh. Ông biết rằng, lịch sử không ngủ yên trong những tấm ảnh hay bức tường xám lạnh, mà sống mãi trong trái tim những người như ông - nhân chứng kiên cường của một thời bất khuất, mãi là ngọn lửa rực cháy niềm tin và tự hào dân tộc.
Và rồi, những ký ức đó sẽ lại sống trong lòng những người trẻ, trong đó có con ông, cháu ông.
Vì sao "một nơi còn ám ảnh hơn bất cứ thước phim kinh dị nào" lại có thể trở thành bài học quý giá nhất?
Tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần, Cường cùng mẹ đến tham quan Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, không gian ngoài trời là nơi trưng bày các phương tiện, vũ khí và khí tài quân sự như xe tăng phun lửa M132A1, máy bay trực thăng vận tải hạng nặng đa năng CH-47 (Chinook), pháo tự hành 175mm M107…, nghe rõ tiếng bom nổ và những âm thanh gầm rít của máy bay trên bầu trời khi đang chuẩn bị thả bom…
Khi đến "chuồng cọp Côn Đảo", chứng kiến những màn tra tấn dã man được tái hiện sinh động như phơi nắng, bỏ đói, trút vôi bột xuống làm cho người tù ngộp thở, ói máu, phỏng lở da; bắt tù nhân cởi hết quần áo rồi cắm đầu xuống vỉ sắt lăn lộn nhiều lần, đến máy chém cao 4,5m…, Cường không nén nổi xúc động, nói: "Thực sự mình đã bị ám ảnh khi tham quan khu chuồng cọp, tái hiện lại chế độ lao tù Côn Đảo như chuồng sắt, phòng giam lộ thiên và những hình thức tra tấn khủng khiếp khác mà những người yêu nước đã phải chịu đựng... Nó ám ảnh đến mức mình không dám nhìn. Đặc biệt là chiếc máy chém".

Giữa lòng Sài Gòn hiện đại, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh như một nốt trầm sâu lắng, đưa người xem trở về với quá khứ đau thương mà oai hùng của dân tộc. Trong chuyên đề "Chế độ lao tù trong chiến tranh xâm lược Việt Nam (1954-1975)", những mô hình tái hiện sống động, chân thực đến ngỡ ngàng... khiến người xem như bị cuốn vào cơn lốc dữ dội của ký ức. Những cảm xúc trào dâng khó tả: bùi ngùi, nghẹn ngào, trái tim như có ai bóp nghẹt… khi tận mắt chứng kiến những hình phạt tàn khốc nhất đối với các chiến sĩ cách mạng bị giam giữ nơi "địa ngục trần gian".
Một phần trong nhà tù Côn Đảo được tái hiện chân thực đến rợn người. Không cần bất kỳ lời bình luận hay thuyết minh nào, mỗi hiện vật lịch sử nơi đây đều góp phần khẳng định một điều rằng: Chiến tranh không phải ánh hào quang, không phải nơi phô diễn sức mạnh quân sự; chiến tranh là nỗi đau tột cùng của cả một dân tộc.
Nhật Linh, nữ sinh viên trường Đại học KHXH&NV không khỏi xúc động trước những tâm tư của du khách cũng như giọt nước mắt của nhiều bạn học sinh, sinh viên khi tham quan Bảo tàng. "Một nơi còn ám ảnh hơn bất cứ thước phim kinh dị nào. Tuy đông đúc nhưng không khí ở Bảo tàng rất trang nghiêm, yên lặng. Đâu đó mình nghe được những lời thì thầm, những tiếng nghẹn ngào của du khách. Quả thực, sự tàn khốc của chiến tranh là khó có thể tưởng tượng nổi, bởi dù thắng hay bại thì đó vẫn là nỗi đau của một dân tộc, nhất là những người đã hy sinh trong những năm tháng kháng chiến bi hùng"... - Nhật Linh tâm sự.

Bảo tàng Chứng tích chiến tranh là điểm đến được các du khách quốc tế yêu thích, khu vực trưng bày tác phẩm "Em bé Napalm" khiến nhiều người xúc động.
Cùng con gái 8 tuổi và bé trai 6 tuổi trong buổi sáng cuối tuần đi tham quan Bảo tàng, chị Hạnh Ngân (quận Tân Bình, TP.HCM) nghẹn ngào kể: "Mình đã có những trải nghiệm thực sự "rất lạ" khi đến Bảo tàng này. Không chỉ được biết thêm những câu chuyện về chiến tranh Việt Nam mà trước giờ chưa từng đọc trong sách giáo khoa hay xem trên phim ảnh, mình đưa các con đi Bảo tàng để trải nghiệm, mong sao hai bé nhà mình có thể hiểu thêm về lịch sử dân tộc, để bọn trẻ thấy rằng hòa bình chúng đang có được đánh đổi bằng biết bao xương máu cha ông. Thực sự lúc đến khu chuồng cọp, bất giác nước mắt 3 mẹ con mình cùng rơi… Còn tại khu chuyên đề "Tội ác chiến tranh xâm lược" và "Hậu quả chất độc da cam", hàng trăm bức ảnh, hiện vật và tài liệu đã tái hiện rõ những tội ác tàn khốc cũng như hậu quả nặng nề của chiến tranh... Những tấm ảnh chân thực khiến mình vô cùng xúc động, cũng không dám xem hay dừng lại quá lâu, bởi nó thực sự ám ảnh…".

Khu trưng bày "chuồng cọp" - nơi khiến những cựu chiến binh như ông Thành nhớ lại những ký ức đau thương, những nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần, nhưng sâu trong đó là sự tự hào lớn lao.
Cũng tại tầng 2, khu trưng bày "Tội ác chiến tranh xâm lược" mang đến nhiều hình ảnh gây xúc động mạnh, đặc biệt đối với du khách quốc tế. Những ánh mắt trẻ thơ hoang mang giữa đống đổ nát, đặc biệt là bức ảnh "Em bé Napalm" khiến không ít khách tham quan phải lặng người… Trên tầng 3 của Bảo tàng là nơi trưng bày chuyên đề "Những sự thật lịch sử". Với 66 bức ảnh, 20 tài liệu và 153 hiện vật, không gian này kể lại quá trình thực dân Pháp và sau đó là quân đội Mỹ tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Chị Julia, một du khách đến từ Hà Lan, chia sẻ: "Mặc dù tôi vừa đặt chân đến Việt Nam ngày hôm qua nhưng Bảo tàng Chứng tích chiến tranh là một trong những điểm tham quan đầu tiên của tôi. Đây là cơ hội cho tôi tìm hiểu về lịch sử đất nước của các bạn, được biết thêm về những giá trị văn hóa và tinh thần của người Việt Nam - những người bạn thân thiện và mến khách".

Vì lịch sử không chỉ là quá khứ
Được thành lập tháng 9/1975, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh hiện là thành viên hệ thống các Bảo tàng Việt Nam, các Bảo tàng vì Hòa bình thế giới (INMP) và Hội đồng Quốc tế các Bảo tàng (ICOM). Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, một trong những bảo tàng có lượt du khách tham quan đông đảo nhất ở TP.HCM, có nhiệm vụ nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản và trưng bày những chứng tích tội ác, hậu quả của các cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Hoạt động của Bảo tàng nhằm lan tỏa mạnh mẽ tinh thần yêu chuộng hòa bình, chống chiến tranh phi nghĩa, tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân các nước trên thế giới.

Nhà vua Bỉ Philippe và Hoàng hậu Mathilde đã đến tham quan Bảo tàng Chứng tích chiến tranh vào chiều ngày 3/4/2025. Tại đây, Nhà vua và Hoàng hậu Bỉ đã tham quan chuyên đề "Hậu quả chất da cam trong chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam", giao lưu với nạn nhân da cam cũng như những người có nhiều đóng góp trong công tác tìm hiểu và khắc phục hậu quả chất da cam/dioxin và nghe công ty Haemers (Bỉ) giới thiệu mô hình xử lý đất nhiễm dioxin. Trong khi Bỉ là nơi đầu tiên trên thế giới chịu ảnh hưởng của vũ khí hóa học trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất, Việt Nam cũng là nước gánh chịu hậu quả chất da cam/dioxin trong nhiều thập kỷ qua.
Với tổng diện tích hơn 5.000 mét vuông (diện tích sàn 4.522 m2, khu vực công trình phụ trợ và không gian trưng bày ngoài trời rộng 3.026 m2), Bảo tàng Chứng tích chiến tranh gồm khối nhà 3 tầng hiện đại, mỗi tầng trưng bày theo chủ đề và hiện vật riêng. Với gần 1 triệu khách tham quan mỗi năm, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh trở thành một trong những điểm đến du lịch, văn hóa, lịch sử hấp dẫn đối với người dân Việt Nam nói riêng và du khách Quốc tế nói chung.
Ngoài các chuyên đề thường xuyên, Bảo tàng có nhiều triển lãm lưu động, triển lãm ngắn ngày và tổ chức những buổi gặp gỡ, giao lưu giữa công chúng với các nhân chứng chiến tranh.
Không chỉ là nơi lưu giữ những ký ức chẳng thể nào quên, là nơi trân trọng những trang sử vẻ vang của dân tộc, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh còn mang đến cho người xem những cảm xúc chân thực nhất qua từng hiện vật lịch sử sinh động, tái hiện rõ nét quá khứ vô cùng oanh liệt của nhân dân ta.

Hướng dẫn viên bảo tàng thuyết trình về lịch sử chiến tranh trước các sinh viên của TP.HCM.
Nơi ấy, lịch sử cách mạng như cuốn phim chầm chậm trôi, những câu chuyện bình dị được kể lại như hành trang đẫm nước mắt cùng bao xương máu của đồng bào đã anh dũng hy sinh cho Tổ quốc mãi trường tồn, là minh chứng bất diệt cho chặng đường bền bỉ đấu tranh, kiên cường bất khuất của dân tộc Việt Nam.
Những chia sẻ đầy xúc động của khách tới tham quan bảo tàng, trong đó có những người là cựu chiến binh, và có cả những bạn học sinh.
Giữa thành phố trẻ trung và năng động bậc nhất cả nước, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh không chỉ là nơi lưu giữ ký ức mà còn góp phần tích cực trong việc khơi gợi, thức tỉnh tinh thần yêu nước của mỗi người dân, giáo dục và truyền lửa tới thế hệ trẻ mai sau - những chủ nhân tương lai của đất nước - một thông điệp rằng: Hòa bình hôm nay đã được đánh đổi bằng máu xương của biết bao thế hệ. Và chúng ta, những người may mắn sinh ra trong hòa bình, không bao giờ được phép lãng quên.
Những giọt nước mắt rơi không phải là sự bi lụy, mà từ sâu thẳm trong tim thể hiện lòng biết ơn, tự hào và niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh bất khuất, ý chí quật cường của dân tộc Việt Nam.
Với những khách du lịch quốc tế lần đầu đến Việt Nam, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh còn là cơ hội để họ được hiểu thêm về một giai đoạn đau thương trong lịch sử thế giới, đồng thời nhìn lại quá khứ cũng như chiêm nghiệm về tương lai. Bà Lorraine, một du khách đến từ Mỹ bồi hồi kể lại: "Chồng tôi từng là quân nhân tham chiến tại Đà Nẵng, ông đã chịu nhiều tổn thương bởi chất độc da cam. Năm 2011, chúng tôi đã trở lại Việt Nam và cảm xúc của ông ấy lúc đó thật khó mà diễn tả được. Trở lại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh sau nhiều năm, tôi thực sự choáng ngợp trước những thay đổi của Bảo tàng, nhưng những bức ảnh về trẻ em luôn khiến tôi thực sự xúc động"...

Kết thúc buổi tham quan Bảo tàng, nhóm bạn của T.Thịnh (học sinh trường THPT Thủ Đức, TP.HCM) nghẹn ngào chia sẻ: "Tụi mình rất xúc động khi tới Bảo tàng Chứng tích chiến tranh… Được chứng kiến những gì mà nhân dân ta đã phải gánh chịu, tụi mình càng thêm yêu nước và tinh thần tự hào dân tộc lại càng dâng cao hơn. Thực sự tụi mình rất ngưỡng mộ tinh thần chiến đấu kiên cường để giành lại độc lập của ông cha ta. Phải nói là rất tự hào luôn ấy…".
Là một phóng viên từng có thời gian gắn bó với các chương trình hậu chiến, được tiếp xúc với nhiều câu chuyện đau thương và những khát vọng hàn gắn của biết bao người sau chiến tranh, chị Tiểu Linh (Hà Nội) không giấu nổi sự xúc động: "Đến với Thành phố mang tên Bác trong những ngày tháng Tư này, tôi như chạm được vào hơi thở của lịch sử. Cảm xúc trong tôi vẫn dâng trào theo một cách rất khác. Tôi nghĩ đến những người lính đã trở về, mang theo vết thương không chỉ trên cơ thể mà cả trong tâm hồn. Và tôi càng thấm thía hơn ý nghĩa của công việc mình đang làm – không chỉ là chữa lành, mà là tiếp nối hành trình gìn giữ ký ức, lan tỏa tinh thần đoàn kết, nhân văn mà cha ông đã đánh đổi bằng máu xương để xây dựng nên".

Nếu có lần đặt chân lên mảnh đất phương Nam ngập tràn nắng gió này, bạn hãy bớt chút thời gian đến thăm Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, để biết mình đang được tận hưởng những tháng ngày tự do, hạnh phúc đến nhường nào. Chúng ta, những người trẻ của hôm nay, những chủ nhân tương lai của đất nước, hãy biết tự hào Quá khứ vẻ vang của dân tộc, trân trọng Hiện tại, gìn giữ hòa bình để cùng viết tiếp một Tương lai tốt đẹp.
Chúng ta biết ơn những người đã ngã xuống cho độc lập, tự do của Tổ quốc, bởi "Có nơi nào như Đất nước chúng ta / Viết bằng máu cả ngàn chương sử đỏ / Khi giặc đến vạn người con quyết tử / Cho một lần Tổ quốc được sinh ra" (Biển là nơi Tổ quốc sinh ra - Nguyễn Việt Chiến).

📍 Thông tin tham quan
- Địa chỉ: 28 Võ Văn Tần, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh
- Giờ mở cửa: 7h30 – 17h30 (mỗi ngày)
- Giá vé: 40.000đ/người (miễn giảm cho các đối tượng đặc biệt)
- Liên hệ: (+84)822030682 – (+84)2839306325
- Website: baotangchungtichchientranh.vn