"Mẹ ơi, chiến tranh là gì?".
Có lẽ đây là thắc mắc chung của những đứa trẻ thuộc thế hệ được sinh ra và lớn lên trong thời bình. Bao kiến thức trong sách giáo khoa có lẽ vẫn là chưa đủ chân thực, để các con hình dung được sự khắc nghiệt của những năm tháng bom rơi, đạn lạc. Chỉ khi tận mắt chứng kiến những dấu tích chiến tranh, trực tiếp chạm vào những kỷ vật nhuốm màu bom đạn khói lửa, con mới hiểu hơn về lịch sử, về tình yêu Tổ quốc và giá trị của hai tiếng hoà bình.
Cũng xuất phát từ tình yêu lớn với quê hương, đất nước, những năm gần đây, nhiều phụ huynh coi việc đưa con đến bảo tàng mỗi dịp cuối tuần là một cách để dạy con về lịch sử dân tộc, để con cảm nhận sâu sắc giá trị của hòa bình. Trong những ngày lịch sử này, lượng người đổ về các bảo tàng lại càng đông hơn.

"Con muốn được lên Điện Biên" và bài học về lòng biết ơn, tình yêu nước
Chị Lê Bùi (Hà Nội) cho biết cứ cuối tuần nào rảnh, cả nhà chị cũng cùng nhau đi bảo tàng. Vốn dĩ ban đầu, đây là ý tưởng của vợ chồng chị, nhưng về sau, hai con mới là người háo hức, yêu cầu bố mẹ đưa đi bảo tàng vào ngày nghỉ hay trong những chuyến du lịch của gia đình.
"Ở Hà Nội, cuối tuần nào rảnh rỗi, nhà mình cũng cho hai bạn nhỏ đi bảo tàng. Trước đó, các con sẽ tìm hiểu thông tin nơi đến qua phim, sách hoặc hình ảnh trên mạng, và qua những câu chuyện kể của ông bà, nên khi đến bảo tàng, các bạn ấy thường hiểu rất nhanh.
Bé trai nhà mình thường thích bảo tàng liên quan đến chiến tranh, quân sự. Bé gái thì đề xuất đi bảo tàng các dân tộc hay thiên nhiên để tìm hiểu thêm về văn hóa, con người Việt Nam. Dù đi đâu, các con cũng rất háo hức, càng tìm hiểu lại càng thấy tự hào hơn về truyền thống cha ông và tinh thần người Việt.




Các con háo hức tham quan Bảo tàng Quân sự (Ảnh: NVCC)
Có lần đạt thành tích cao trong một cuộc thi, khi được hỏi con muốn nhận phần thưởng gì, bạn bé bảo rằng con muốn được lên Điện Biên, để đến nơi bác Giáp chỉ huy đánh thắng giặc Pháp, và đồi A1 nơi các chú bộ đội đã chiến đấu kiên cường.
Lần khác thì bạn xin được đi Huế - Đà Nẵng - Tây Nguyên, con đường huyền thoại của Chiến dịch Mùa xuân lịch sử 1975. Còn bạn lớn thì xin vào thành phố Hồ Chí Minh, để con được thăm dinh Độc Lập và Địa đạo Củ Chi, được nghe các cô chú kể những câu chuyện về chiến sĩ biệt động Sài Gòn hay các nhà tình báo lỗi lạc…
Làm mẹ, mình thấy may mắn và hạnh phúc khi các con tuy còn bé nhưng đã sớm biết yêu lịch sử nước nhà. Những chuyến trải nghiệm thực tế giúp con hiểu sâu sắc hơn, bồi đắp tình yêu ấy ngày một lớn. Thậm chí, có lần được tiếp xúc với các bạn nhỏ nước ngoài, các con không chỉ giới thiệu về quê hương Việt Nam, những nơi con đã đi qua, dạy các bạn hát "Hello Việt Nam" mà còn mạnh dạn giới thiệu Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam bằng tiếng Anh nữa… Chứng kiến khoảnh khắc ấy, mình thực sự xúc động và tự hào..." - Chị Lê Bùi tâm sự.




Các bé tham quan, khám phá Bảo tàng Hồ Chí Minh (Ảnh: NVCC)
Nơi những đứa trẻ thời bình được "chạm" vào lịch sử dân tộc
"Mỗi lần đi du lịch ở đâu, mình cũng tranh thủ tìm bảo tàng nơi đó để cho con tham quan. Trong những nơi đã đi, bé nhà mình thích nhất là bảo tàng Quảng Ninh và Trung tâm Khám phá Khoa học Quy Nhơn. Bé rất hào hứng với các mô hình, máy móc có thể tương tác, trải nghiệm. Con luôn miệng đặt câu hỏi, giơ tay xung phong tham gia những thí nghiệm tại bảo tàng. Thấy con thích thú như vậy, mình cũng muốn bé có cơ hội được tham quan nhiều bảo tàng trong và ngoài nước hơn" - Mẹ Tom chia sẻ.




Đưa con đi bảo tàng còn là hoạt động ưu tiên của không ít gia đình trong các chuyến du lịch (Ảnh: NVCC)
Chị Lữ Mai cũng có chung quan điểm với mẹ Tôm và mẹ Lê Bùi trong việc dạy con về lịch sử dân tộc, về tình yêu nước.
Chị bộc bạch: "Đưa con đi bảo tàng, với tôi, là một cuộc trò chuyện đặc biệt giữa quá khứ và hiện tại, giữa con người với ký ức, giữa cha mẹ và con cái. Mỗi lần bước chân vào bảo tàng, tôi thấy con mình chững chạc hơn một chút, lặng im hơn một chút. Tôi thường chọn những không gian gắn với văn học, lịch sử để trẻ thấm dần tình yêu thương, trách nhiệm và cảm xúc.
May mắn hơn nữa, tôi có cơ hội được tham gia với vai trò khách mời, chuyên gia trong các tour Văn học Tâm Tài của Bảo tàng Văn học Việt Nam. Chính tôi cũng học được nhiều điều. Mỗi câu hỏi hồn nhiên mà sâu sắc của các em nhắc tôi nhớ: Trẻ em không cần những bài giảng quá dài, các em cần được dẫn dắt bằng cảm xúc, bằng câu chuyện chân thực. Khi tôi kể về một tác giả, một hoàn cảnh, một chi tiết trong tác phẩm và thấy đôi mắt các em ánh lên bao cảm xúc, tôi hiểu, đó chính là hạt giống tâm hồn đang được gieo xuống ".





Mỗi lần đưa con đi bảo tàng là một lần tình yêu nước, niềm trân trọng hai tiếng "hoà bình" trong con lớn thêm một chút (Ảnh: Tour du lịch Văn học tại Bảo tàng Văn học)
Trong muôn vàn bài học mà con trẻ cần học để lớn lên, để trưởng thành, bài học về lòng yêu nước chính là nền tảng để con thấm nhuần hai tiếng: Biết ơn. Biết ơn thế hệ cha ông đã hy sinh, đã nằm xuống để con được lớn lên trong tự do, hoà bình. Biết ơn công sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ.
Tinh thần "uống nước nhớ nguồn" sẽ tạo ra một thế hệ tương lai không ngừng biết ơn, không ngừng tiếp nối các giá trị văn hoá - đạo đức của dân tộc, vì lịch sử chưa bao giờ là quá khứ.