Khi tôi vừa mới bước chân vào hành trình làm mẹ, tôi vô tình đọc được một bài đăng trên blog của một nhà văn tên Beth Berry. Và nó đã hoàn toàn thay đổi cuộc đời tôi. Nó cộng hưởng sâu sắc với những gì tôi cảm thấy cho đến nay với tư cách là một người mẹ. Đó là một cảm giác bị cô lập đến kinh ngạc.

Bài viết ấy đã "đánh trúng" vào những gì tôi cảm thấy. Tôi nhận ra triết lý "Cần cả ngôi làng để nuôi dạy một đứa trẻ" không đúng ít nhất là với trường hợp của mình vì một lý do: Việc nuôi dạy con cái ngày nay khó khăn hơn gấp bội trong sự cô đơn của cuộc sống hiện đại.

Đưa con về sống gần ông bà, cặp vợ chồng nhận ra đó là quyết định thông minh nhưng phải chấp nhận thách thức lớn- Ảnh 1.

Cặp vợ chồng đã quyết định đưa con từ thành phố về vùng quê sinh sống, ở gần ông bà.

2 năm sau, tôi và chồng bất ngờ khi phát hiện sự xuất hiện của đứa con thứ hai. Chúng tôi quyết định thực hiện một việc mà trước đây chúng tôi chỉ đôi lần thảo luận vui: chuyển từ thành phố nơi chúng tôi đang sống đến khu vực thị trấn nhỏ là nơi tôi từng lớn lên.

Mặc dù rất hạnh phúc tận hưởng cuộc sống của mình, nhưng chúng tôi phải sống cách xa bạn bè thân thiết ở thành phố, ít nhất 30 phút lái xe. Việc có ai đó đến chơi hoặc giúp trông bọn trẻ giờ đây đột nhiên trở nên "xa tầm với" hơn.

Cả 2 chúng tôi cũng bị cuốn hút vào một lối sống chậm hơn, đơn giản hơn. Nhưng điểm cộng lớn nhất là bố mẹ tôi sống ở đó và rất vui mừng khi chúng tôi quay lại sống ở nơi này.

Giờ đây, chúng tôi đã có gần 6 năm sống ở một thị trấn chỉ cách nhà bố mẹ chưa đầy 10km, đã có thêm đứa con thứ 3. Nó thật tuyệt vời theo nhiều cách. Nhưng cũng thực sự rất khó khăn.

Gần ông bà là sẽ có hỗ trợ tích cực

Lợi ích lớn nhất đối với cuộc sống của chúng tôi là sự hỗ trợ thiết thực từ bố mẹ. Bất cứ khi nào tôi cũng có thể nhắn: "Hôm nay bố mẹ đón bọn trẻ giúp con được không?" hoặc "Tối nay bố mẹ sang trông cháu giúp để chúng con đi 'hâm nóng tình cảm' được không?". Cách nuôi dạy con theo "cuộc sống làng quê" này có vẻ bền vững và lành mạnh hơn rất nhiều.

Đưa con về sống gần ông bà, cặp vợ chồng nhận ra đó là quyết định thông minh nhưng phải chấp nhận thách thức lớn- Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

Tốt cho cả ông bà và các cháu

Tôi có thể chắc chắn, việc sống gần bố mẹ không chỉ tốt cho bản thân chúng tôi mà còn cho cả mối quan hệ của cháu với ông bà. Có nhiều người lớn quan tâm hơn trong cuộc sống sẽ giúp bọn trẻ có những cách suy nghĩ và làm việc khác. Nghiên cứu của các nhà tâm lý đã chỉ ra rằng khi ông bà sống gần con cháu, điều đó sẽ mang lại lợi ích cho sức khỏe và hạnh phúc tổng thể.

Có thể chăm sóc bố mẹ khi cần

Tôi từng học một học kỳ đại học ở Tây Ban Nha và tôi sẽ không bao giờ quên cái đêm một anh chàng người Tây Ban Nha hỏi tôi: "Tại sao người Mỹ lại bị ám ảnh bởi việc phải rời xa cha mẹ họ?".

Ở nhiều nơi trên thế giới, việc con cái trưởng thành sống cùng hoặc gần cha mẹ là điều bình thường. Tôi muốn có thể chăm sóc bố mẹ tôi khi họ già đi, ở bên họ như cách họ đã ở bên tôi. Tôi cảm thấy hoàn toàn đúng.

Đưa con về sống gần ông bà, cặp vợ chồng nhận ra đó là quyết định thông minh nhưng phải chấp nhận thách thức lớn- Ảnh 3.

Ảnh minh họa.

Vẫn phải chịu thách thức lớn

Bất chấp tất cả những điều tốt đẹp khi sống gần bố mẹ, vẫn có thách thức lớn với chúng tôi. Có lẽ, nhiều bà mẹ thuộc thế hệ Millennial (thế hệ 8X, 9X) đã quen thuộc với cụm từ "chấn thương thế hệ". Đối với nhiều người, những vết thương và sự đấu tranh sâu sắc nhất của chúng ta bắt nguồn từ những trải nghiệm thời thơ ấu với những người chăm sóc chính cho chúng ta.

Trừ khi chúng ta tiếp cận việc nuôi dạy con cái bằng sự đánh giá có ý thức về những trải nghiệm của chính mình khi còn nhỏ, nếu không rất có thể chúng ta sẽ truyền lại những vết thương và khuôn mẫu mà cha mẹ vô tình đã truyền sang cho chúng ta.

Đưa con về sống gần ông bà, cặp vợ chồng nhận ra đó là quyết định thông minh nhưng phải chấp nhận thách thức lớn- Ảnh 4.

Ảnh minh họa.

Với tôi, liệu pháp trị liệu và tự suy ngẫm đã giúp tôi thừa nhận rằng có những điều từ thời thơ ấu của mình mà tôi KHÔNG MUỐN lặp lại với các con mình.

Nếu ai đã từng cố gắng thực hiện điều này đều biết, việc thay đổi mô hình gia đình cần rất nhiều sức lực về mặt tinh thần và cảm xúc. Khi bạn sống gần cha mẹ, độ khó của việc này được nâng lên gấp bội. Trong vài năm đầu sống ở đây, tôi thường xuyên bị kích động khi tiếp xúc với bố mẹ hoặc chứng kiến cách ông bà tương tác với con tôi.

Ví dụ, lớn lên, tôi không được phép thoải mái bộc lộ cảm xúc của mình. Tôi thấm nhuần thông điệp rằng hiệu suất và trách nhiệm phải là ưu tiên hàng đầu của tôi và cảm xúc phải bị kìm nén hoặc kiểm soát.

Tôi muốn con tôi cảm thấy thoải mái khi ngồi cùng và xử lý cảm xúc của chúng, nhưng thật khó để dạy chúng điều này khi bố mẹ tôi khuyến khích chúng "vượt qua" mọi việc nhanh chóng hoặc nghĩ rằng tôi đang "làm hư" chúng bằng cách dành không gian cho những cảm xúc và suy nghĩ của bọn trẻ.

Ngoài việc cản trở việc nuôi dạy con cái của tôi, hành vi của bố mẹ đôi lúc còn gợi lại cho tôi ký ức về những gì tôi cần khi còn nhỏ nhưng đã không nhận được.

Khó khăn không có nghĩa là tệ

Tại thời điểm này, bố mẹ tôi biết rằng một số động lực trong thời thơ ấu đã không giúp ích gì cho tôi, và mặc dù phải trải qua một số cuộc trò chuyện không thoải mái, bố mẹ vẫn nói lời xin lỗi.

Bản thân là một người mẹ, tôi giờ đây đã đồng cảm với bố mẹ mình rằng việc nuôi dạy con cái vất vả như thế nào. Cuối cùng, bất chấp sự khó chịu, mọi việc đã trở nên tốt đẹp hơn cho tất cả chúng tôi.

Có một câu tôi từng đọc mà tôi chợt nghĩ đến khi nghĩ về lựa chọn sống gần cha mẹ mình: Khó khăn không có nghĩa là tệ. Những điều khó khăn có thể là cơ hội.

Chúng tôi nhớ thành phố, nhưng cuộc sống ít hối hả hơn đã cho chúng tôi cơ hội tập trung hơn vào những điều quan trọng. Sống gần bố mẹ đã giúp tôi hàn gắn vết thương sâu sắc và tạo ra mối quan hệ chân thực hơn với họ.

*Bài chia sẻ của bà mẹ Amber Adrian trên tờ Business Insider.

Nguồn: Business Insider