Dưa lê là một loại trái cây thuộc họ dưa, cung cấp một số chất xơ và vi chất dinh dưỡng thiết yếu, bao gồm vitamin C và kali. Nhờ thành phần dinh dưỡng ấn tượng nên dưa lê trở thành một loại trái cây được khuyến khích bổ sung thường xuyên vào chế độ ăn uống.
1. Giá trị dinh dưỡng của dưa lê
Trong khoảng 177 gam dưa lê cung cấp:
- Calo: 64
- Tinh bột: 16 gam
- Chất xơ: 1,4 gam
- Đạm: 1 gam
- Chất béo: 0 gam
- Vitamin C: 53% lượng tiêu thụ hàng ngày tham chiếu (RDI)
- Vitamin B6: 8% RDI
- Folate: 8% RDI
- Vitamin K: 6% RDI
- Kali: 12% RDI
- Magiê: 4% RDI
Ngoài ra, quả và hạt của dưa lê còn chứa các hợp chất có khả năng chống oxy hóa mạnh, bao gồm beta-carotene (tiền vitamin A), phytoene, quercetin và axit caffeic.
2. Lợi ích của dưa lê đối với sức khoẻ
Dưa lê cung cấp nhiều chất dinh dưỡng quan trọng và có thể hữu ích trong việc quản lý hoặc ngăn ngừa một số tình trạng sức khỏe.
2.1. Giảm huyết áp
Nhìn chung, chế độ ăn nhiều trái cây và rau quả có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp và bệnh tim.
Hơn nữa, trong dưa lê có chứa ít natri và giàu kali nên có thể giúp bạn duy trì mức huyết áp khỏe mạnh.
2.2. Tốt cho sức khỏe của xương
Trong dưa lê có chứa một số chất dinh dưỡng quan trọng có tác dụng cải thiện một số tình trạng về xương và duy trì xương chắc khỏe:
- Folate - đây là chất cần thiết cho quá trình phân hủy homocysteine - mức độ tăng cao của chất này có liên quan đến việc giảm mật độ khoáng của xương theo thời gian. Mặc dù cần nhiều nghiên cứu hơn để đưa ra kết luận chắc chắn về mối quan hệ giữa folate và sức khỏe của xương nhưng chất này có thể thúc đẩy xương khỏe mạnh bằng cách đảm bảo mức homocysteine ở mức bình thường.
- Vitamin K có liên quan đến việc sản xuất một loại protein cấu trúc chính trong xương được gọi là osteocalcin. Vì vậy, bổ sung đầy đủ vitamin K sẽ giúp xương khỏe mạnh.
- Các tế bào chịu trách nhiệm xây dựng và phá vỡ mô xương cần magiê để hoạt động bình thường. Do đó, magiê là một chất dinh dưỡng quan trọng khác đối với sức khỏe của xương.
Ngoài ra, trong dưa lê còn chứa một số chất dinh dưỡng khác có thể hỗ trợ tăng cường sức khỏe của xương như canxi, phốt pho và kẽm.
2.3. Kiểm soát lượng đường trong máu
Nhiều người có quan niệm rằng, ăn trái cây tươi quá ngọt có thể làm tăng lượng đường trong máu và ảnh hưởng đến bệnh tiểu đường.
Tuy nhiên, một số nghiên cứu chỉ ra rằng ăn trái cây, chẳng hạn như dưa lưới thường xuyên có thể kiểm soát lượng đường trong máu một cách ổn định. Ngoài ra, theo một nghiên cứu khác, những người ăn trái cây tươi hàng ngày có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thấp hơn 12% so với những người hiếm khi ăn trái cây.
Thêm vào đó, mặc dù dưa lê có chứa carbs và có thể làm tăng lượng đường trong máu tạm thời, nhưng loại trái cây này cũng cung cấp chất xơ và các chất dinh dưỡng khác có thể giúp cải thiện và kiểm soát lượng đường trong máu theo thời gian.
2.4. Giữ nước cho cơ thể
Dưa lê có khoảng 90% là nước và chứa các chất điện giải, chẳng hạn như kali, magiê, natri và canxi. Do đó, đây là loại trái cây tuyệt vời để cung cấp nước và điện giải cho bạn trong những ngày hè hoặc sau khi luyện tập thể thao hay khi bạn đang bị ốm.
2.5. Tăng cường hệ thống miễn dịch
Như đã biết, vitamin C có tác dụng tăng cường miễn dịch, chống viêm. Mà trong dưa lê có chứa hàm lượng vitamin C khá cao, nếu bổ sung 177g dưa lê, bạn có thể cung cấp đến 53% lượng vitamin C cần thiết trong ngày.
2.6. Tốt cho hệ tiêu hoá
Trong dưa lê có chứa chất xơ - đây là chất dinh dưỡng được biết là có tác dụng tốt đối với hệ tiêu hoá. Bổ sung đủ chất xơ sẽ làm chậm phản ứng đường huyết và thúc đẩy nhu động ruột cũng như sự phát triển của vi khuẩn đường ruột khỏe mạnh.
2.7. Tốt cho sức khỏe mắt
Dưa lê chứa hai chất chống oxy hóa mạnh là: lutein và zeaxanthin. Các hợp chất caroten này có tác dụng trong việc hỗ trợ sức khỏe của mắt và ngăn ngừa sự phát triển của chứng mất thị lực do tuổi tác.
2.8. Giúp làm đẹp da
Ăn dưa lê có thể hỗ trợ làn da khỏe mạnh do hàm lượng vitamin C cao. Vitamin C là chất chống oxy hoá, có tác dụng bảo vệ làn da khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời, sản xuất collagen - một loại protein cấu trúc chính rất quan trọng để cải thiện và duy trì mô da.
3. Ăn dưa lê có gây dị ứng không?
Dị ứng dưa lê là tình trạng không phổ biến. Tuy nhiên, bạn có thể mắc hội chứng dị ứng miệng (OAS) khi ăn dưa lê. Tình trạng này xảy ra do cơ thể nhầm protein trong dưa với một số loại phấn hoa hoặc cỏ gây dị ứng.
So với các tình trạng dị ứng thực phẩm khác, các triệu chứng OAS tương đối nhẹ như:
- Cảm giác ngứa hoặc rát trong miệng
- Môi sưng hoặc tê
- Ngứa cổ họng
- Nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi
Các triệu chứng thường sẽ phát triển ngay sau khi ăn dưa lê và có thể biến mất sau một giờ. Thuốc kháng histamine đường uống không kê đơn có thể được sử dụng nếu như các triệu chứng trầm trọng.
Nhìn chung, dưa lê là trái cây lành tính, giá trị dinh dưỡng cao nên mọi người có thể bổ sung vào chế độ ăn uống thường xuyên. Dưa lê ăn theo nhiều cách như hoa quả tráng miệng, ăn vặt, làm salad...