Người suýt chết, kẻ vào tù vì giành khách
Chiều 21/9, 17 người thân của bị cáo Nguyễn Thành Đại (SN 1995, ngụ huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk) bắt xe xuống TAND TP.Đà Nẵng tham dự phiên toà sơ thẩm. Đại bị đưa ra xét xử về tội Giết người. Khi chiếc xe bít bùng chở bị cáo đến, người thân vội chạy theo. Cửa xe vừa hé mở, người thân căn dặn: “Cố lên Đại nhé!”.
Đứng sau bục dành cho bị cáo, Đại thừa nhận, mình và anh Y Mến V. (SN 1998) đều là phụ xe khách của nhà xe Quốc Đạt, quận Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng cùng chạy tuyến Đắk Lắk – TP.Đà Nẵng.
Chiều 25/3, xe của anh V. chạy trước, bắt hết khách nên xe của Đại chạy sau vắng khách. Trước đó, có 5 người liên hệ vào số điện thoại của Đại đặt ghế từ tỉnh Đắk Lắk về TP.Đà Nẵng. Tuy nhiên, do xe anh V. chạy trước và có gắn biển hiệu xe Quốc Đạt nên những người này đã lên xe của V..
Đại biết được liền chạy đến, yêu cầu xe anh V. trả khách nhưng không được đồng ý. Từ đó, giữa 2 người xảy ra mâu thuẫn. Đại dùng tay đánh vào mặt anh V..
Bị Đại đánh, anh V. quay vào xe lấy 1 con dao cắt trái cây đuổi đánh lại. Mọi người thấy vậy liền can ngăn nên cả hai lên xe tiếp tục hành trình về TP.Đà Nẵng.
Đến 7h ngày 26/3, xe của Đại về đến trụ sở công ty Quốc Đạt. Đại xuống xe, thấy anh V. đang bốc hàng lên xe phụ trách nên đi đến hỏi V.: “Sao em?”. Anh V. nói lại: “Ý ông sao?”.
Nghe anh V. nói vậy, Đại cho rằng bị hại thách thức nên dùng tay túm cổ áo. Anh V. dùng cây bút lông màu xanh đang cầm trên tay vung lên sượt qua mắt phải của Đại rồi bỏ đi.
Sau đó, khi về đến bãi xe Quốc Đạt, Đại thấy anh V. đang đứng rửa xe nên đi về phía anh này. Trên đường đi, Đại nhặt 1 cây sắt rỗng tiến đến đánh trúng vào đầu và lưng anh V.. Thấy vậy, mọi người tại bãi xe chạy đến can ngăn. Đại vứt cây sắt xuống rồi bỏ đi. Còn anh V. được mọi người đưa đi cấp cứu.
“Tối đó, bị cáo có đến trước cổng bệnh viện nghe ngóng tình hình. Tuy nhiên, vì lo sợ nên bị cáo không dám lên thăm bị hại. Đến sáng hôm sau, bị cáo đã đến công an tự thú và khai nhận toàn bộ sự việc”, Đại nói.
Tại bản kết luận giám định pháp y của trung tâm Pháp y TP.Đà Nẵng kết luận, tỷ lệ thương tổn cơ thể của anh V. vào thời điểm hiện tại là 63%. Nạn nhân bị nứt xương sọ, tụ máu, dập não, đã được điều trị phẫu thuật lấy máu tụ và gửi nắp sọ.
Hối lỗi muộn màng
Tại tòa, vị chủ toạ hỏi: “Tại sao bị cáo lại đánh anh V?”. Đại nghẹn giọng: “Khách liên hệ trước xe nào thì phải lên xe đó. Năm vị khách đã gọi điện đặt xe của bị cáo trước, nhưng do xe anh V. đi trước nên xe này đã "bắt" khách của bị cáo. Khi xe về, khách ít, chủ xe sẽ nói lời khó nghe. Do đó, bị cáo giận mới làm thế”.
Vị chủ toạ hỏi tiếp: “Bị cáo có biết đánh mạnh vào phần đầu, vùng trọng yếu của nạn nhân là hành vi gì không?”. Đại cúi gằm mặt: “Dạ! Bị cáo không có ý định tước đoạt mạng sống của bị hại”.
“Việc bị hại không chết là nằm ngoài ý thức chủ quan của bị cáo. Nếu anh V. không được đưa đi cấp cứu kịp thời thì liệu có qua khỏi có không?”, chủ tọa gặng hỏi. Đại lí nhí: “Dạ! có. Bị cáo biết lỗi rồi”.
Chủ toạ phân tích: “Đây không phải là lỗi mà là hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi của bị cáo có thể tước đoạt mạng sống của bị hại. Do đó, bị cáo thấy, mình bị VKS truy tố tội Giết người có đúng không?”. Đại thở dài: “Dạ, đúng”.
Đại nói lời sau cùng: “Kính thưa HĐXX! Kính thưa gia đình bị hại! Xin mọi người tha thứ cho hành vi của bị cáo. Trong thời gian tạm giam, bị cáo đã nhận ra hành vi của mình là sai. Bị cáo xin được sớm về đoàn tụ với gia đình vì bị cáo còn có mẹ già và con thơ”.
Nỗi đau con trẻ
Hôm ấy, khi Đại đang ở trong phòng xử án với tư cách là bị cáo, phía ngoài hành lang, người thân bồng 1 đứa trẻ đi qua đi lại. Người thân cho hay đó là con của Đại.
Người này cho biết, Đại là con út trong gia đình có 3 anh em. Cha bị cáo mất sớm, mẹ làm công nhân nuôi các con. Do hoàn cảnh khó khăn, Đại học hết lớp 6 thì nghỉ.
Năm 2015, Đại xin làm phụ xe và trở thành lao động chính trong gia đình. Năm 2017, Đại gặp và nảy sinh tình cảm với cô gái nhỏ hơn 2 tuổi. Sau đó không lâu, họ kết hôn, vợ Đại có thai và sinh con.
Đứa trẻ vừa tròn 1 tuổi thì Đại phạm tội và bị bắt giữ. Từ đó đến nay, vợ chồng, cha con chia lìa, chưa một lần gặp gỡ.
Vợ Đại năm nay chỉ mới 23 tuổi, chưa có việc làm. Từ khi xảy ra vụ án, chị phải chuyển về nhà ngoại ở. Dù hoàn cảnh khó khăn, chị vẫn cố gắng vay mượn người thân được 20 triệu đồng để bồi thường cho bị hại.
Giờ nghị án, người thân xin cán bộ công an được bồng đứa trẻ đứng ở cửa bên hông phòng xử án để cha con Đại có thể nhìn nhau. Vừa nhìn thấy con, Đại rơm rớm nước mắt. Trong khi đó, đứa trẻ chỉ mới tròn 20 tháng tuổi, chưa hiểu chuyện gì xảy ra. Người thân vừa vừa chỉ vào Đại vừa nói: “Ba kìa con. Ba kìa con”. Đứa trẻ nhìn lại, miệng mấp máy: “Ba, ba”.
Trong thoáng chốc, vị đại diện VKS đề nghị: “Thấy hoàn cảnh đáng thương quá. Người thân cứ bồng cho cháu vào bên trong để cha con được đoàn tụ, hết giờ nghị án lại bồng ra”. Nhanh chóng, cháu bé được bồng vào, trao tay cho Đại.
Vừa nhận con trên tay, Đại vội hôn lên má đứa trẻ, rơm rớm nước mắt nói: “Ba xin lỗi! Ba xin lỗi”…Đưa ánh mắt thơ dại nhìn người đang ôm mình, đứa trẻ cất lời: “Ba, ba”…
Ngồi ở hàng ghế dành cho người nhà bị cáo, vợ Đại mắt cay xè nhìn cảnh cha con đoàn tụ. Chị thở dài: “Rồi khi con lớn, mẹ biết giải thích như thế nào về ba của con đây!”…