Trong bối cảnh chính phủ và ngành Y tế nhiều nước trên thế giới đang phải đau đầu đối phó tình trạng bùng phát dịch sởi, nước Đức đã mạnh tay đề xuất dự luật cứng rắn nhằm phòng ngừa tốt hơn với dịch bệnh này. Theo Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát bệnh tật CDC, Đức là một trong những nước có số bệnh nhân sởi cao nhất ở châu Âu. Chỉ tính trong những tháng đầu năm nay, nước Đức đã ghi nhận hàng trăm ca nhiễm sởi mới, với một trong những nguyên nhân là do nhiều bậc cha mẹ không tiêm phòng sởi cho con em mình.
Tổ chức CDC cũng công bố báo cáo với 1.164 trường hợp mắc bệnh sởi tại Mỹ hồi cuối tháng 7 vừa qua. Đây là con số cao nhất kể từ năm 1992, và vượt qua cả con số 667 trường hợp mắc bệnh được ghi nhận trong năm 2014 – năm được coi là bùng phát dịch sởi lớn nhất. Còn tại châu Âu, tổ chức WHO công bố gần 90.000 trường hợp mắc bệnh và 37 trường hợp tử vong do sởi trong 6 tháng đầu năm 2019.
Năm 2018, số ca mắc sởi trên toàn thế giới đã tăng gấp đôi. Ngành y tế Đức cảnh báo, không chỉ trẻ em mà thanh thiếu niên, người trưởng thành cũng bị ảnh hưởng do dịch sởi trong những năm qua. Theo WHO, việc từ chối hoặc chần chừ trong tiêm phòng vắc xin là một trong 10 nguy cơ hàng đầu đối với sức khỏe toàn cầu trong năm 2019.
Chính vì những lí do trên, ngày 14/11 vừa qua, Quốc hội Đức đã thông qua dự luật mới quy định tất cả trẻ em tại nước này sẽ phải tiêm phòng sởi từ 1 tuổi trước khi đăng ký xin học mầm mon hoặc tiểu học. Bộ Y tế Đức cảnh báo những trẻ em chưa tiêm phòng sẽ không được nhận vào trường mẫu giáo. Theo luật mới này, những bậc cha mẹ nào không tiêm phòng cho con của mình sẽ phải đối mặt với khoản tiền phạt lên tới 2,500 euro (khoảng 65 triệu VNĐ).
Bên cạnh đó, luật tiêm phòng vaccine sởi bắt buộc này cũng sẽ áp dụng đối với những người trông trẻ, đội ngũ nhân viên trong các trung tâm chăm sóc trẻ em, trường học, cơ sở giáo dục và y tế. Đặc biệt, những người tị nạn ở Đức cũng phải được tiêm vaccine phòng sởi 4 tuần sau khi được nhận vào chỗ ở.
Bộ trưởng bộ Y tế Jens Spahn cho hay: "Bệnh sởi thường bị đánh giá quá thấp, dù đây thực sự là căn bệnh đặc biệt nguy hiểm đối với những người không thể tự bảo vệ mình, hay nói cách khác đó chính là trẻ em. Vì vậy dù là ở nhà trẻ, mẫu giáo hay trường học, chúng tôi muốn bảo vệ trẻ khỏi bị nhiễm sởi một cách tốt nhất". Dự kiến, luật tiêm phòng vắc xin sởi bắt buộc sẽ có hiệu lực chính thức vào tháng 8/2021 tại nước Đức, áp dụng với tất cả trẻ em, chỉ ngoại trừ những trường hợp đặc biệt vì lí do y tế không thể tiêm vắc xin sởi.
Theo các chuyên gia y tế, cần tối thiểu 95% người dân được tiêm phòng để ngăn chặn dịch sởi lây lan trong cộng đồng. Dự luật này hiện đang nhận được nhiều sự quan tâm và ủng hộ từ giới quan chức và nhân dân, bởi đây là biện pháp tích cực nhằm ngăn ngừa dịch bệnh một cách hiệu quả.
Hiện nay, ngoài mũi sởi đơn thì cha mẹ cũng có thể tiêm cho con mình mũi vắc xin tổng hợp phòng các bệnh sởi - quai bị - rubella. Tiêm phòng là cách phòng bệnh đơn giản và hiệu quả. Các bậc cha mẹ cần có nhận thức đúng đắn về việc phòng bệnh bằng vắc xin, loại bỏ trào lưu anti vắc xin, chú ý đưa con đi tiêm phòng đầy đủ và đúng thời gian.
Tại Việt Nam hiện nay đang có 2 loại vắc xin phòng bệnh sởi là vắc xin sởi đơn và vắc xin phối hợp sởi - quai bị - rubella:
- Vắc xin sởi đơn: Nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.
Mũi 1: Tiêm cho trẻ từ 9 tháng tuổi trở lên.
Mũi 2: Nhắc lại lúc trẻ được 18 tháng tuổi.
- Vắc xin phối hợp sởi - quai bị - rubella (MMR): Chỉ có trong chương trình tiêm chủng dịch vụ.
Mũi 1: Tiêm cho trẻ 12 - 15 tháng tuổi.
Mũi 2: Tiêm nhắc lại sau 2 - 5 năm.
Nguồn: Theguardian