Theo tin mới nhất từ Money Today, sở cảnh sát Gangnam cho biết đã tìm thấy thi thể của nữ ca sĩ Goo Hara - cựu thành viên nhóm KARA tại nhà riêng ở Cheongdamdong, Seoul vào lúc 6:30 ngày 24/11.
Hiện cảnh sát đang xác minh nguyên nhân tử vong của nạn nhân. Tuy nhiên, nhiều khả năng là Goo Hara đã tự tử. Được biết, cuối tháng 5 năm nay, Goo Hara cũng đã một lần tự tử bất thành. Cụ thể, rạng sáng 25/5, nữ ca sĩ được tìm thấy trong tình trạng nguy kịch sau khi cố gắng tự tử tại nhà riêng.
Vậy là chỉ 6 tuần sau vụ tự tử của người bạn thân Sulli, Goo Hara đã tìm đến bước đường cùng. Nguyên nhân cái chết của Goo Hara khiến người hâm mộ không thể không nghĩ đến có sự tác động từ sự ra đi của người bạn thân Sulli. Vậy liệu tự tử có thể “lây lan” được hay không? Câu trả lời là có.
Tự tử "lây lan" như thế nào?
Trước đây, vụ tự tử của ca sĩ nhạc pop Nhật Bản Yukiko Okada vào năm 1986 cũng đã làm gia tăng mạnh mẽ những cuộc “tự tử bắt chước” tại khắp nước Nhật.
Khi xem xét lí do tại sao những câu chuyện tự sát của người nổi tiếng lại châm ngòi cho hiện tượng bắt chước tự tử, các nhà tâm lí học cho rằng việc "học tập xã hội" là nguyên nhân khả dĩ.
Theo nhà tâm lí học Albert Bandura, hành vi của chúng ta thường bị tác động bởi khát khao muốn bắt chước theo cách hành xử của những người quan trọng trong cuộc đời ta.
Không chỉ làm cho việc tự sát dường như dễ chấp nhận hơn, những vụ tự tử của người nổi tiếng còn có thể dẫn đến cái mà các nhà nghiên cứu gọi là khả năng tiếp cận suy nghĩ về cái chết (death thought accessibility - DTA).
Thông thường thì chúng ta luôn tránh suy nghĩ về cái chết, nhưng khi một người mà ta biết qua đời, ngay cả khi đó là một người nổi tiếng ta chưa từng gặp gỡ, chúng ta có thể bị ám ảnh với vấn đề chết chóc nhiều hơn bình thường. Đối với những người vốn đã cảm thấy chán nản và muốn tự sát, ý niệm về cái chết có khả năng biến sự tuyệt vọng của họ thành hành vi tự sát thật sự.
Người nổi tiếng tự tử có thể "lây truyền" cho cả người hâm mộ
Vì tình yêu vô bờ bến dành cho thần tượng (idol), người hâm mộ sẽ bị tác động bởi mọi nhất cử nhất động của giới idol. Các fan có thể "ăn ngủ" cùng nhóm nhạc, phẫu thuật thẩm mỹ để có ngoại hình giống ca sĩ mình yêu thích, mua những mặt hàng mà thần tượng quảng cáo, mặc đồ y hệt cách thần tượng vẫn mặc… thì với tự tử cũng không ngoại lệ.
Tự tử mang tính lây lan, thường được biết đến dưới cái tên hiệu ứng Werther, chỉ hành vi bắt chước tự tử của người khác. Hiện tượng này càng dễ xảy ra khi cái chết ban đầu thuộc về người nổi tiếng trong làng giải trí.
Theo nghiên cứu của nhà tâm lý học Alex Mesoud, khả năng sao chép các vụ tự tử tăng cao sau khi khán giả biết tin ngôi sao nào đó đã chọn cách tự đặt dấu chấm hết cho cuộc đời. Các nhóm bị ảnh hưởng nhiều nhất có xu hướng cùng tuổi hoặc giới tính với người nổi tiếng.
Vì đã quen bắt chước thần tượng từ thói quen đến sở thích, người hâm mộ cũng sẽ bắt chước hành động của những người cùng trải qua nỗi đau tương tự với họ.
Hơn nữa, khi những idol của mình chọn cái chết để giải thoát, những người hâm mộ vốn luôn có cảm giác gắn kết, coi mình là phần không thể thiếu trong cuộc sống của idol, sẽ không tránh khỏi cảm giác rơi vào hố sâu tuyệt vọng.
Một nghiên cứu được thực thi vào tháng 8 năm 2014 và công bố trên tạp chí Psychology of Popular Media Culture đã tìm hiểu cách thức và lí do tự tử lây nhiễm xảy ra sau việc tự sát của người nổi tiếng. Nhà nghiên cứu Christine Ma-Kellams của đại học Harvard và một nhóm các nhà đồng khảo sát, nghiên cứu này đã xem xét một vài cơ chế nhận thức có thể khiến người yếu đuối trở nên suy tư hay cố gắng tự ngược đãi bản thân. Các nhà khoa học đã kiểm tra, đánh giá mức độ trầm cảm, suy nghĩ tự tử, thái độ đối với việc tự tử... của tất cả những người tham gia. Sau đó, tất cả những người tham gia đã trải qua một cuộc kiểm tra ngắn về tâm trạng chán nản.
Không có gì ngạc nhiên khi những người đạt chỉ số cao về tâm trạng chán nản thường coi tự tử là điều bình thường và có thể chấp nhận được. Những người bị trầm cảm đặc biệt dễ có suy nghĩ về việc tự sát sau sự qua đời được công bố rộng rãi của một người nổi tiếng. Điều này một phần cũng xoay quanh khả năng tiếp cận suy nghĩ về cái chết, nó thường xảy ra khi quá ưu tư về việc tự sát của người nổi tiếng. Bên cạnh đó, nghiên cứu này cũng đề xuất rằng các phương tiện truyền thông cần khéo léo khi công khai các vụ tự tử của người nổi tiếng với hi vọng rằng số lượng người bắt chước tự tử sẽ giảm đi.
Việc đọc nhiều các thông tin về tự tử trên báo chí cũng làm gia tăng số ca tự tử. Khi những thông tin tiêu cực được nhắc đi nhắc lại vô tình ăn sâu vào tiềm thức của công chúng về cách tự giải thoát bản thân.
Đối với báo chí, cái chết của một ngôi sao nào đó luôn là tin tức nóng hổi, giật gân song chuyện miêu tả quá chi tiết đến phương thức, nguyên nhân tự tử cũng sẽ tạo nên tác động xấu đến cộng đồng.
Các dấu hiệu cảnh báo tự tử hoặc suy nghĩ tự tử
Tự tử (tên tiếng Anh là Suicide And Suicidal Thoughts) là một phản ứng bi thảm đối với các tình huống căng thẳng trong cuộc sống và càng bi thảm hơn khi tự tử không được ngăn chặn kịp thời.
Các dấu hiệu cảnh báo tự tử hoặc suy nghĩ tự tử bao gồm:
- Luôn nói về việc tự tử như nói những câu "Tôi sẽ giết tôi mất", "Tôi ước gì mình chết đi cho rồi" hoặc "Tôi ước gì mình chưa từng được sinh ra đời".
- Mua sắm phương tiện để tự kết liễu đời mình như mua súng hoặc mua thuốc dự trữ
- Xa lánh các mối quan hệ xã hội và muốn được ở một mình
- Thay đổi tâm trạng như rất vui vào ngày hôm nay nhưng cực kì buồn vào ngày kế tiếp
- Quan tâm tới cái chết, sự chết chóc hoặc sự bạo lực
- Cảm thấy vô vọng hoặc bị mắc kẹt trong một tình huống cụ thể
- Sử dụng rượu bia hoặc chất kích thích nhiều hơn
- Thay đổi thói quen ăn uống hoặc thói quen đi ngủ
- Làm những việc nguy hiểm hoặc tự hủy hoại bản thân như sử dụng thuốc kích thích hoặc lái xe liều lĩnh.
- Cho đi những vật sở hữu hoặc thu xếp mọi chuyện dù không có lời giải thích hợp lý nào cho việc này
-Tạm biệt mọi người như thể họ không thể gặp lại lần nữa
- Thay đổi tâm tính hoặc lo âu quá mức hoặc bồn chồn, đặc biệt khi làm những việc đã kể trên.
Các dấu hiệu cảnh báo không phải lúc nào cũng rõ ràng, chúng thay đổi với từng người. Một vài người để lộ rõ ý nghĩ tự tử trong khi số khác lại giữ những suy nghĩ đó cực kì bí mật.
Khi nào bạn cần phải đi gặp bác sĩ ?
Nếu bạn cảm thấy muốn tự tử nhưng vẫn chưa suy nghĩ tới việc tổn thương chính mình, bạn nên:
- Liên lạc với một người bạn thân hoặc người thân yêu - ngay cả khi rất khó nói với họ về các cảm xúc của mình
- Đi khám bác sĩ.
(Tổng hợp)