Dưới đây là những suy nghĩ hão huyền:
1. Hạnh phúc mãi mãi
Bạn nên nhớ cuộc sống không phải cuốn tiểu thuyết lãng mạn. Hôn nhân có những khúc thăng – trầm đòi hỏi bạn phải đối mặt. Bạn luôn tin tưởng tình yêu sẽ bền vững theo thời gian nhưng sự thật không phải lúc nào cũng thế.
Điều này có vẻ “cay đắng” nhưng thực tế: Xung đột vợ chồng sẽ giúp bạn hiểu thêm về người bạn đời. Bạn cũng biết cách để thích ứng với anh ấy. Đó mới là cuộc sống xác thực, không giống như trong sách vở.
2. Lý tưởng hóa chồng
Trước khi lập gia đình, bạn nghĩ rằng, người ấy chính là đối tượng tuyệt vời. Vợ chồng bạn sẽ hạnh phúc bên nhau cho đến khi “đầu bạc răng long”. Nhưng rồi có lúc bạn thức giấc, băn khoăn tự hỏi: “Liệu mình có chọn nhầm chồng?”. Thậm chí, bạn còn có thể hối hận vì đã kết hôn vội vàng.
Đám cưới như một giấc mơ ngọt ngào. Còn cuộc sống chung giống như bạn thức dậy vào một buổi sáng khắc nghiệt. Bạn sẽ thấy, hôn nhân có vô vàn chuyện mà trước kia, bạn không thể dự đoán được. Đau khổ, có. Bực bội, có. Thất vọng, cũng có.
3. Cải tạo được chồng
Bạn nghĩ đơn giản rằng, sẽ đấu tranh để chồng mình bớt ham vui, quan tâm đến vợ con… Nhưng việc này không dễ dàng. Thay đổi một con người là điều không tưởng. Thay đổi một người đàn ông càng không tưởng hơn. Quá trình tìm hiểu giống như bạn học phổ thông. Và kết hôn có nghĩa là bước vào cấp học cao hơn: đại học. Bạn nghĩ rằng, bạn đã làm chủ được tình thế, uốn nắn được chồng nhưng không hẳn thế. Bạn vẫn cần học nhiều hơn để giữ gìn hạnh phúc.
Việc “cải tạo” chồng tương tự chuyện giảm cân. Phải kiên nhẫn và từ từ. Nếu nóng vội, sẽ không thu lại được kết quả như mong muốn.
4. ‘Chuyện ấy’ phải thường xuyên
Chuyện yêu “ngủ quên” có thể là một phần tự nhiên của hôn nhân. Đôi khi, điều đó không biểu hiện rạn nứt. Vợ chồng bạn sẽ yêu nhau trở lại. Vì có thể trong tuần này, với chồng bạn, giấc ngủ là quan trọng hơn. Sang tuần khác, bạn lại bận bịu với con cái nên không có thời gian và sức khỏe cho “chuyện đó”.
Quan trọng là ngoài “chuyện ấy”, vợ chồng bạn vẫn duy trì những cử chỉ tình tứ như chạm, ôm, hôn nhau.
Cãi cọ cũng có mặt tốt. Nó giúp chồng bạn hiểu được quan điểm của bạn (những điều bình thường không thể nói ra). Đồng thời, qua mâu thuẫn, bạn cũng hiểu hơn về chồng, biết cách làm thế nào để gìn giữ hạnh phúc. “Chiến tranh” đúng cách không hủy hoại, trái lại, làm hôn nhân bền vững hơn.