Mẹ tức tốc đưa bé tới bệnh viện và may thay chiếc đinh theo đường tiêu hóa của bé ra ngoài được.

Đây chỉ là một câu chuyện chúng ta nghe được, tuy có vẻ hài hước nhưng đó là câu chuyện thật 100% của một bà mẹ cưng con hơn trứng. Số là chị Hòa (Từ Liêm, Hà Nội) có mỗi cậu con trai út nên cưng chiều hơn cả. Lúc nào chị cũng bao bọc con trong một căn phòng trống rỗng, nền lót đệm. Chị bảo như vậy thì bé không thể vấp ngã vào đâu được. Đồ chơi chị chỉ mua cho con những quả bóng tròn to nhiều màu sắc, chị bảo như vậy không làm tổn thương tới da thịt của con. Hai vợ chồng chị cãi nhau ỏm tỏi chỉ vì anh muốn đưa con về bà nội ở quê để con biết con trâu, con nghé, cây lạc, cây đỗ thật sự chứ nếu không thì con trở thành “gà công nghiệp” mất.

Kì nghỉ hè  đến anh sốt sắng cho con về quê còn chị thì lo không ngủ được. Về quê làm sao mà chị chăm nom cho con được, thêm nữa bà nội lại có tuổi rồi. Thế là chị tức tốc thuê một ôsin về cùng cậu út, mang tất cả những quả bóng ở nhà mình về quê và dặn ôsin canh chừng cậu út, chỉ cho cậu út ở trong nhà chơi thôi. Vốn là một chú “gà con” nên cậu út háo hức về quê, không được ra ngoài thì cậu nhặt nhạnh mọi thứ ở trong nhà để chơi vì cái gì cũng mới cũng lạ chứ không như căn phòng bóng nhiều màu của cậu.


Cha mẹ nên cho con tiếp xúc với mọi thứ xung quanh

Thế là cái đinh đã chui tọt vào dạ dày của cậu út rồi chui ra cũng chẳng mấy khó khăn. Chuyện cứ như đùa nhưng chị lại nghĩ may mà chị vì lo lắng, bồn chồn không yên nên đã về quê thăm con, cứu con kịp thời, từ nay cạch về quê tới già.

Anh chồng chị tiu ngỉu, anh bảo chị nuôi con mà không cho con tiếp xúc với mọi thứ thì lớn lên, con chỉ biết căn phòng bóng của chị mà thôi. Hơn nữa cậu út dạo này lại trở nên kém linh hoạt hơn trước. Thở dài ngao ngán cách nuôi con của chị, anh tới tìm tư vấn.

Nếu chị Hòa cứ khăng khăng nuôi con theo cách của mình thì có lẽ nỗi lo của chồng chị sẽ thành sự thực. Mong rằng, chồng chị sẽ không để cậu út trở thành “gà công nghiệp” bằng những nỗ lực dưới đây:

- Để không gặp tai nạn như cậu út con anh chị Hòa thì các bậc cha mẹ cần quan tâm tới những đồ vật trong nhà xung quanh bé. Nên sử dụng những đồ vật mang tính an toàn cao, không có cạnh và góc sắc phòng khi bé chơi bị đập đầu hoặc làm bé bị thương.

- Hãy đối xử với bé một cách nhẹ nhàng và yêu thương, luôn ôm bé, nghĩ về bé với cảm giác ấm áp và tràn đầy hi vọng.

- Bảo vệ bé khỏi những tức giận, tâm trạng không tốt ngay cả bạn cũng nên tránh biểu lộ cảm giác ấy trước mặt bé. Hạn chế tối đa những tâm trạng cáu kỉnh của người khác xung quanh bé. Cách tốt nhất là bạn nên tránh môi trường ấy.

- Nói chuyện với bé thường xuyên, chơi những trò chơi âm nhạc đơn giản. Nếu bạn có khiếu âm nhạc, hãy hát và chơi cùng bé. Khi bé thức, những trò chơi kích thích trí tuệ sẽ khiến bé phát triển được tư duy của mình. Bạn có thể đọc truyện, thơ cho bé nghe.


Để bé phát triển toàn diện hơn

- Để ý tới những phản ứng của bé khi bạn cùng bé chơi.

- Khi đưa bé đi lại, nên bế bé sao cho tầm nhìn của bé rộng hơn, bé nhìn được nhiều thứ xung quanh hơn.

- Bạn nên là người hướng dẫn thế giới xung quanh cho bé. Chỉ cho bé thấy cái gì là an toàn, đồ vật gì là không an toàn, tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra.

- Người mẹ không phải là người làm tất cả những điều trên, có thể ông bà, người cha, những người thân xung quanh chơi và chăm sóc bé tốt như là mẹ bé vậy.

- Mỗi ngày dành 30 phút cho những trải nghiệm mới và những thử thách mới trong suy nghĩ của bé.

- Dạy bé đọc sách là một trò chơi thú vị mà lại có nhiều lợi ích. Cố gắng dành ra mỗi ngày 30 phút để bé tiếp xúc với thế giới truyện cổ tích, những câu chuyện hạt giống tâm hồn để bé yêu có được những trải nghiệm suy nghĩ đầu tiên trong cuộc đời.

Hi vọng là với những cách làm trên, anh chị Hòa và những người đang nuôi con theo kiểu “gà con” sẽ giúp con linh hoạt hơn.

Theo Eva