Ăn gì bữa sáng để giảm cân, chống ung thư? Câu trả lời chính là ăn khoai lang.
Trong dân gian, có một loại thực phẩm được mệnh danh là “Sâm nam” bởi hàm lượng dinh dưỡng dồi dào và khả năng chữa bệnh tuyệt vời, đó chính là khoai lang.
Theo nghiên cứu của y học hiện đại, trong thành phần khoai lang chứa nhiều tinh bột, các acid amin, beta carotene, vitamin C, B6. Ngoài ra, chúng còn chứa canxi, phospho, kẽm, sắt, magie, natri, kali…
Trong thực tế, khoai lang là thực phẩm cung cấp đa dạng chất bột đường trong khẩu phần ăn hàng ngày. Chúng được đánh giá là cung cấp năng lượng tương đương với cơm hay khoai tây. Nhưng không giống như cơm, khoai lang là thực phẩm không gây béo, được nhiều chuyên gia khuyến khích bổ sung vào thực đơn giảm cân, đặc biệt sẽ rất tốt nếu ăn vào buổi sáng.
Ăn khoai lang vào bữa sáng, đem lại tác dụng gì?
Khoai lang là loại củ được trồng nhiều tại Việt Nam, quá trình chăm bón cũng rất đơn giản nên bạn sẽ bớt đi nỗi lo về thực phẩm bẩn, có thể dùng khoai làm bữa sáng mỗi ngày mà không sợ rước thêm bệnh. Đặc biệt, loại củ "đồng quê" này có năng lượng thấp hơn gạo nhưng khi ăn vào sẽ chiếm phần lớn diện tích dạ dày tạo nên cảm giác no lâu, giảm cảm giác thèm ăn vặt, từ đó thúc đẩy giảm cân.
Ăn khoai lang buổi sáng không chỉ giúp bạn giảm cân, mà còn chống được bệnh ung thư. Theo nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học người Mỹ, chất anthocyanin có nhiều trong khoai lang tím, có tác dụng làm chậm sự phát triển của một số loại tế bào ung thư, bao gồm cả những loại ung thư ruột kết và ung thư vú.
Nhờ chứa nhiều kali, vitamin B6 mà khoai lang có thể ngăn ngừa cơn đau tim và đột quỵ. Chăm chỉ ăn khoai lang vào bữa sáng còn giúp bạn cân bằng điện giải, ổn định huyết áp trong cơ thể.
Ngoài ra, thành phần vitamin C dồi dào trong khoai lang còn giúp chữa lành vết thương, tăng cường sản xuất collagen, giảm căng thẳng và bảo vệ cơ thể trước nguy cơ bị ung thư. Loại vitamin này còn có ý nghĩa trong nâng cao sức khỏe, ngừa bệnh thông thường như cảm lạnh, virus cúm…
Cần lưu ý gì khi sử dụng khoai lang vào bữa sáng?
- Khi mua khoai lang, lưu ý chọn củ còn cứng, tươi, không bị thâm, dập hay bị nứt. Bởi những dấu hiệu này cho thấy củ khoai lang đã bị hỏng, không đảm bảo đầy đủ an toàn cho sức khỏe.
- Khi bảo quản khoai lang thì cần để ở nơi thoáng mát, không bọc kín trong túi nilon để ngừa khoai bị hấp hơi. Đồng thời, không để khoai ở chỗ ẩm thấp vì khoai sẽ mọc mầm, có hại cho sức khỏe. Khoai lang được bảo quản tốt có thể dùng được từ 7 – 10 ngày.
- Một “thời điểm vàng” khác để ăn khoai lang trong ngày là vào bữa trưa. Sau khi ăn khoai lang, lượng canxi trong thành phần cần 4 – 5 tiếng để được hấp thụ hết, trong đó ánh sáng mặt trời lúc buổi chiều có thể đẩy mạnh quá trình này. Như vậy, lượng canxi từ khoai lang sẽ được hấp thụ hết trước bữa tối, do đó không gây ảnh hưởng tới khả năng tiêu thụ canxi từ các món ăn trong bữa tối.
- Không nên ăn quá nhiều khoai lang trong một ngày, tránh ăn khoai lang thay cơm, mỗi bữa sáng chỉ nên ăn 1 củ khoai cỡ vừa.
- Khoai lang dù tốt nhưng những người mắc bệnh thận, người có hệ tiêu hóa không tốt, người có bệnh về dạ dày... thì không nên ăn nhiều loại củ này.