BS Nguyễn Thị Ly - chuyên khoa Nội, Bệnh viện đa khoa Medlatec lý giải: “Khi bị kháng kháng sinh, thuốc sẽ không có khả năng tiêu diệt, loại bỏ các tác nhân gây bệnh. Nguyên nhân là do mầm bệnh, vi khuẩn có thể tự chống lại hoạt động của thuốc kháng sinh. Đây là vấn đề hết sức nghiêm trọng, chúng đe dọa trực tiếp tới sức khỏe và khả năng điều trị bệnh. Nếu không may rơi vào tình trạng này, việc chữa trị bệnh sẽ gặp rất nhiều khó khăn và tốn thời gian hơn so với bình thường. Cách khắc phục vấn đề này đó là đổi sang loại kháng sinh khác. Tuy nhiên, hệ quả của việc này là kéo dài thời gian điều trị, ảnh hưởng tới sức khỏe người bệnh và tốn kém về kinh tế”.
Thực tế, Việt Nam là nước có cảnh báo đặc biệt về vấn nạn kháng kháng sinh của vi khuẩn. Tình trạng này đang dần trở thành một trong những hiểm họa đặc biệt nghiêm trọng với sức khỏe trẻ nhỏ tại nước ta. Vi khuẩn kháng kháng sinh chủ yếu là do thói quen lạm dụng và sử dụng kháng sinh bừa bãi, đến từ nhiều phía, một mặt, một vài thầy thuốc có khuynh hướng lạm dụng kháng sinh, mặt khác là do thói quen tự ý sử dụng kháng sinh của người dân cũng như việc bán kháng sinh “vô tội vạ” của các nhà thuốc.
Chính vì những thực trạng trên, không ít các bậc phụ huynh đã “cảnh giác” và tỉnh táo hơn trước khi quyết định sử dụng kháng sinh cho con em mình. Thế nhưng, lại có một số phụ huynh đã rủ nhau “anti” kháng sinh (từ chối không dùng kháng sinh), ngay cả khi được bác sĩ kê đơn, chỉ định cho con mình. Hành vi này có thể để lại những hậu quả khôn lường cho sức khỏe của trẻ.
Chị Đặng Thị T. (Hà Nội) kể lại: “Vừa qua, con tôi xuất hiện tình trạng tiêu chảy, sốt sang ngày thứ 3, gia đình đã đưa bé đi khám bác sĩ và đã được chẩn đoán nhiễm trùng đường ruột, kê đơn thuốc điều trị, trong đó có thuốc kháng sinh và men vi sinh. Tuy nhiên, do cháu mới 22 tháng tuổi, chúng tôi nghĩ rằng uống nhiều thuốc kháng sinh sẽ hại cơ thể nên không cho con uống, mà chỉ dùng men vi sinh. Vài ngày sau, con sốt cao, đau bụng, tiêu chảy nhiều lần... Bác sĩ chẩn đoán bé bị nhiễm trùng đường ruột nặng, phải nhập viện điều trị.”
Những bà mẹ theo trào lưu “anti” kháng sinh, thường có phản ứng tiêu cực với kháng sinh. Do đó, họ từ bỏ việc dùng kháng sinh, ngay cả khi bác sĩ kê đơn thuốc. Một số bà mẹ thì sợ uống nhiều kháng sinh độc hại nên tự ý giảm liều hoặc giảm số ngày uống thuốc kháng sinh cho trẻ. Nguyên nhân của tình trạng này là do các bà mẹ đọc nhiều thông tin trên mạng về tình trạng kháng thuốc kháng sinh nhưng lại chưa lựa chọn được thông tin chuẩn xác, nên tin theo những lời kêu gọi hoặc tẩy chay thuốc kháng sinh.
Đáng nói, những trường hợp trên không hề hãn hữu, dễ tìm trên mạng xã hội những hội nhóm từ vài nghìn tới vài chục nghìn thành viên với tên như: “Hội những bà mẹ nói không với kháng sinh”, “Nuôi con khỏe không kháng sinh”…với các bài viết chia sẻ về các bài thuốc đông y, những phương pháp chữa mẹo chưa hề được kiểm chứng.
Theo các bác sĩ chuyên khoa Nhi, kháng sinh là thuốc điều trị nên sẽ gây ra những tác dụng phụ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Chẳng hạn, dùng kháng sinh điều trị lâu ngày ảnh hưởng đến đường ruột gây rối loạn tiêu hóa; một số loại kháng sinh có các độc lực lên gan, thận, dây chằng khớp… Tuy nhiên, những tác động này là nhất thời và thường tự phục hồi sau khi ngưng thuốc. Hơn nữa, trước khi sử dụng kháng sinh cho trẻ, các bác sĩ đã có những cân nhắc và lựa chọn các kháng sinh an toàn, ít tác dụng phụ nhất.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Lạm dụng kháng sinh chắc chắn sẽ gây hại cho sức khỏe, từ việc kháng kháng sinh đến ảnh hưởng tới gan, thận của trẻ. Tuy nhiên, nếu từ chối sử dụng kháng sinh khi có chỉ định của bác sĩ có thể gây ra hậu quả khôn lường. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa các các khuyến cáo sử dụng kháng sinh hợp lý. Trong đó, chỉ có thầy thuốc điều trị mới có đủ thẩm quyền cho sử dụng kháng sinh. Khi dùng kháng sinh để điều trị thì cần đúng liều, đúng cách, đủ thời gian. Tùy theo loại bệnh và tình trạng bệnh mà điều trị bằng kháng sinh ngắn hay dài ngày nhưng thông thường là không dưới 5 ngày.