Hiện nay điều kiện thời tiết, khí hậu diễn biến thất thường, nóng ẩm mưa nhiều… là điều kiện cho nhiều dịch bệnh mùa hè phát triển. Đặc biệt, dịch bệnh sốt xuất huyết đang có chiều hướng gia tăng hơn so với cùng kỳ các năm trước.
Cả nước có 45.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết trong 6 tháng đầu năm
Theo ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho biết, 6 tháng đầu năm 2017, cả nước có 59 người tử vong do các dịch bệnh. Trong đó có 35 tử vong do bệnh dại, 14 ca tử vong do sốt xuất huyết và 10 ca tử vong do viêm não vi rút.
Cán bộ y tế Trung tâm y tế quận Hoàng Mai phát tờ rơi tuyên truyền phòng chống sốt xuất huyết.
Riêng với sốt xuất huyết, hiện đã có 14 trường hợp tử vong trong số hơn 45.000 ca mắc. Số ca mắc tập trung chủ yếu tại khu vực phía Nam, miền Trung, tại Hà Nội số ca mắc tăng gần 300%.
Ông Trần Đắc Phu cho biết, bên cạnh đó điều kiện thời tiết, khí hậu diễn biến thất thường, nóng ẩm mưa nhiều… muỗi và véc tơ truyền bệnh phát sinh và phát triển. Ngoài ra, sự giao lưu mạnh mẽ giữa các quốc gia, giữa các vùng trong cả nước; sự tập trung đông người tại các điểm vui chơi, giải trí, du lịch; tập quán sinh hoạt của người dân; học sinh, sinh viên từ các thành phố về quê nghỉ hè cũng là một trong những nguyên nhân khiến dịch bệnh mùa hè có nguy cơ bùng phát cao..
Hà Nội có số ca mắc sốt xuất huyết 5 lần so với cùng kỳ năm 2016
Theo Sở Y tế Hà Nội, tính từ đầu năm đến nay, toàn thành phố đã ghi nhận hơn 4.500 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết (gấp hơn 5 lần so với cùng kỳ năm 2016). Hiện còn hơn 400 bệnh nhân vẫn điều trị tại các cơ sở y tế. Tại quận Đống Đa đã ghi nhận hơn 1.000 trường hợp mắc, trong đó có 1 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết. Tại quận Hoàng Mai đã có gần 900 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết.
PGS.TS Hoàng Đức Hạnh (Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội) kiểm tra công tác phòng chống sốt xuất huyết.
Theo TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc TTYT Dự phòng Hà Nội, số người mắc sốt xuất huyết tăng nhanh trong những tuần gần đây trên địa bàn Hà Nội là do thời tiết đang mùa nắng nóng, mưa nhiều là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển. Hơn nữa, tình trạng thiếu nước sạch, đặc biệt là vào mùa hè đã khiến người dân Hà Nội tích trữ nước trong bể, thùng, xô... để sử dụng. Những dụng cụ trữ nước này không có nắp đậy hoặc đậy không kín là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết đẻ trứng và bọ gậy phát triển. Trong khi đó, bệnh chưa có vắc xin phòng cũng như chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên số mắc có thể tiếp tục gia tăng nếu không triển khai quyết liệt và triệt để các hoạt động phòng chống dịch.
Trước hết là tuyên truyền để chính quyền, người dân cùng chung tay phòng chống dịch bệnh. Tiếp đến là chủ động giám sát, phát hiện sớm bệnh nhân tại bệnh viện và cộng đồng, tiến hành lấy mẫu xét nghiệm sớm để tiến hành xử lý ngay, hạn chế sự lan truyền của dịch bệnh. Cho đến thời điểm này, TTYT Dự phòng Hà Nội đã giám sát gần 2400 lượt, phát hiện 2222 bệnh nhân, tỷ lệ phát hiện đạt gần 90% và đã chủ động lấy mẫu gần 500 trường hợp nghi ngờ.
Không tự ý điều trị bệnh sốt xuất huyết
Theo TS Nguyễn Nhật Cảm, hiện nay một thực tế đáng lo ngại, dù đã được khuyến cáo nhiều về cách phòng chống dịch bệnh nhưng không ít gia đình, người bệnh vẫn tự ý điều trị sốt xuất huyết thay vì đến các cơ sở y tế.
Theo TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc TTYT Dự phòng Hà Nội, số người mắc sốt xuất huyết tăng nhanh trong những tuần gần đây trên địa bàn Hà Nội.
Bên cạnh đó, không ít người dân vẫn chưa nắm rõ được dấu hiệu nhận biết bệnh sốt xuất huyết, từ đó dẫn đến chậm trễ trong việc điều trị, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sức khỏe cũng như tính mạng của người bệnh.
Việc tự ý điều trị rất dễ dẫn đến những sai lầm khiến tình trạng bệnh thêm nặng. Người bệnh và người nhà bệnh nhân cần đặc biệt chú ý để phát hiện sớm những triệu chứng của bệnh, từ đó lập tức đến các cơ sở khám chữa bệnh uy tín để kịp thời điều trị.
TS Nguyễn Nhật Cảm khuyến cáo bệnh sốt xuất huyết chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt loăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt. Do vậy, người dân cần đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, lốp xe cũ...
Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày. Trong trường hợp bị sốt cao liên tục nhiều ngày, người dân cần đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, đồng thời báo ngay cho trạm y tế khu vực mình sinh sống, tuyệt đối không tự điều trị tại nhà.